- 1 Lan tỏa nghệ thuật múa rối nước đến học sinh
Lần đầu tiên, sân khấu múa rối nước – loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của Việt Nam đã được tái hiện ngay tại Đường sách TP.Thủ Đức. Sự kiện không chỉ mở ra một không gian văn hóa độc đáo mà còn hướng đến mục tiêu kết nối và lan tỏa giá trị nghệ thuật múa rối nước đến học sinh, thế hệ gen Z.

Ngày cuối tuần, các em học sinh, thế hệ gen Z đã được thưởng thức vở diễn rối nước “Giấc mơ nàng tiên cá” do Đoàn nghệ thuật Phương Nam dàn dựng và biểu diễn. Vừa mở màn, học sinh và các em nhỏ đã reo hò thích thú. Những chú rối nước sống động, tinh xảo, được điều khiển bởi các nghệ nhân tài hoa mang đến cho khán giả một câu chuyện cổ tích lung linh trên mặt nước.
Câu chuyện kể về nàng tiên cá Ariel sống giữa lòng đại dương xanh thẳm – nơi có một vương quốc xinh đẹp mà muôn loài sinh vật biển chung sống trong yên bình. Ariel chứng kiến vương quốc đại dương xinh đẹp của mình ngày càng bị ô nhiễm bởi rác thải từ con người. Tuy nhiên, cô say mê thế giới con người và đã ra tay cứu một hoàng tử trong một lần chàng bị đắm thuyền. Chính tình yêu của chàng đã khiến Ariel muốn được sống trên cạn, nàng đã đánh đổi giọng hát của mình với phù thủy Bạch Tuộc để có đôi chân bước vào thế giới loài người và mong muốn hoàng tử cùng con người hiểu tác hại của ô nhiễm môi trường biển là do chính họ gây ra. Vở múa rối nước mang thông điệp ca ngợi tình yêu và sự hiểu biết giữa con người và thiên nhiên, đó chính là chìa khóa để bảo vệ đại dương, ngăn chặn ô nhiễm và xây dựng một tương lai bền vững.

Yếu tố giúp vở diễn múa rối nước trở nên đặc sắc là pha trộn những yếu tố hài hước, cảm động và lôi cuốn kết hợp cùng hiệu ứng nước tạo nên khung cảnh huyền ảo, rực rỡ. Thông qua vở diễn này, Ban Tổ chức mong muốn mang đến một cách tiếp cận mới mẻ và gần gũi hơn với nghệ thuật múa rối nước, giúp khán giả đặc biệt là các bạn trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống và vẻ đẹp của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.
Bên cạnh xem nghệ thuật múa rối nước, các bạn trẻ còn được xem triển lãm về múa rối nước. Nội dung triển lãm về lịch sử và phát triển múa rối nước. Ngoài ra, khán giả còn được tìm hiểu về sân khấu Thủy đình và âm nhạc. Tại đây giới thiệu cách biểu diễn múa rối trên mặt nước kết hợp với âm nhạc dân tộc như đàn nhị, sáo, trống… tạo sự sống động.

Trong không gian triển lãm, các em nhỏ còn được trải nghiệm cách chế tác con rối từ gỗ sung, được chạm khắc, sơn màu tỉ mỉ; nghệ nhân điều khiển rối dưới nước đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện. Mỗi con rối đều mang ý nghĩa khác nhau như: Chú Tễu hóm hỉnh, người nông dân chất phác; tứ linh tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng.
Em Hồ Ngọc Nhi (học sinh Trường THPT Thủ Đức) chia sẻ: “Lâu rồi em mới được xem chương trình múa rối nước đầy ý nghĩa cũng như những hoạt động khác trong khuôn khổ chương trình. Nếu chương trình được mang vào trường học sẽ rất hay và các bạn sẽ được cơ hội tiếp cận, qua đó lan tỏa tinh thần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc”.

Thích thú với những con rối được chế tác, em Nguyễn Bình Hưng (học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ) bày tỏ: “Em đã được thưởng thức cải lương, hát bộ và hôm nay được xem múa rối nước và tận tay sờ những con rối được chế tác tỉ mỉ. Từ những con rối vậy mà qua sự biểu diễn điêu luyện của các nghệ nhân đã trở thành vở diễn đặc sắc. Em hy vọng sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật hay, ý nghĩa, lan tỏa thông điệp về cuộc sống được biểu diễn để chúng em có thể tìm hiểu, học tập”.
Nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam đã có từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 10 và thế kỷ thứ 11). Tính đến nay đã hơn 1.000 năm nhưng nghệ thuật múa rối nước vẫn còn được duy trì và biểu diễn trong nhiều sự kiện.
Kiều Khánh
Bình luận (0)