Các nghệ sĩ đang biểu diễn một tiết mục đờn ca tài tử
Trung tâm Văn hóa TP.HCM vừa phối hợp với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ TP tổ chức tọa đàm “Nghệ thuật âm nhạc dân tộc với giới trẻ và biểu diễn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và thành viên các đội – nhóm âm nhạc truyền thống trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng âm nhạc, qua đó nhằm lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân tộc đến giới trẻ. Tại tọa đàm, các bạn trẻ đã được giới thiệu về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, loại hình ca ra bộ, hành trình từ bài bản “Dạ cổ hoài lang” đến bài vọng cổ ngày nay, báo cáo chuyên đề “Nghệ thuật cải lương tại TP.HCM trong bối cảnh hội nhập”…và thưởng thức nhiều tiết mục âm nhạc dân tộc do tài tử Minh Đức, Thanh Tuyết, Thành Tây… biểu diễn. Theo TS. Mai Mỹ Duyên (nhà nghiên cứu văn hóa), âm nhạc dân tộc là âm nhạc của một quốc gia hay của một bộ tộc thuộc quốc gia đó, có độ giác ngộ cao, nhanh hơn cả văn hóa tri thức. Giai điệu của nó không chỉ làm say đắm người Việt Nam mà còn với người nước ngoài, trong đó nhiều người từ yêu thích đến đam mê và đã tìm tòi nghiên cứu phát triển âm nhạc dân tộc Việt Nam.
TS. Duyên cũng thừa nhận rằng, âm nhạc dân tộc rất khó nghe, muốn tìm hiểu phải trải qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi lâu dài và có trải nghiệm, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống mới có cảm nhận sâu sắc và yêu thích nó. Chính vì vậy, những người yêu thích âm nhạc dân tộc đa phần là người lớn tuổi, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng các bạn trẻ thờ ơ với âm nhạc dân tộc là do các em chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc hoặc chưa được đào tạo bài bản. Tuy nhiên vẫn có nhiều em rất đam mê khi còn ngồi trên ghế nhà trường do các em đã yêu thích nó từ nhỏ. “Hành trình đi đến âm nhạc dân tộc không đơn giản. Muốn bảo tồn, phát huy nền văn hóa dân tộc, mọi người phải có tri thức, sự hiểu biết”, TS. Duyên nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)