Các lễ hội sách được tổ chức mỗi dịp vào xuân trong 14 năm qua đã trở thành nét văn hóa rất riêng của TPHCM. Năm nay, ban tổ chức lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn lì xì hơn 16.000 cuốn sách cho người dân và du khách.
Trên 1 triệu người đến với hội sách
Tối 14/2 (mùng Năm tháng Giêng), ông Nguyễn Quốc Anh (57 tuổi) nhẩn nha lật giở từng trang sách nhỏ, đọc kỹ trước khi quyết định mang về nhà hay đặt trở lại kệ. Xung quanh ông, dòng người đổ về lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn (tuyến đường Lê Lợi, quận 1) trong ngày cuối càng lúc càng đông. Một phần người dân, du khách đến đường hoa Nguyễn Huệ rồi tiện đường, sẵn dịp ghé đường sách nhưng số trực tiếp đến với đường sách đông hơn.
Ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ: “Đầu năm, mua cuốn sách về nhà như mua một nguồn tri thức. Mình mua sách để tự động viên mình siêng đọc hơn trong năm mới”. Ông đến lễ hội này cùng con trai, để con tiếp cận gần hơn với sách. Thời niên thiếu, ông “khát” sách bởi nhà khó khăn, ở quê (tỉnh Đồng Tháp) cũng không nhiều điểm bán sách. Giờ sách ngổn ngang nhưng ông lại “khát” sách hay và ông đặc biệt cân nhắc chọn lựa để con trai ông thấy thích thú với việc đọc.
Đường sách TPHCM đang trở thành một điểm đến hấp dẫn người dân vào dịp đầu năm mới, góp phần lan tỏa văn hóa đọc. Ảnh do Công ty TNHH Đường sách TPHCM
Chia sẻ với phóng viên, ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Trưởng ban tổ chức lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn – cho biết, lì xì sách tết là nét đẹp văn hóa đã có từ lâu đời, thể hiện tinh thần hiếu học của người Việt. Nhận thấy hoạt động này có ý nghĩa, ban tổ chức đã chọn đây là một nội dung quan trọng trong lễ hội đường sách.
Ông nói: “Lì xì sách vừa như một lời chúc may mắn đầu năm gửi đến du khách, vừa thể hiện sự trân trọng tri thức, phát huy truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Ban tổ chức mong muốn việc tặng sách sẽ ngày càng phổ biến trong hệ thống chính trị và người dân thành phố, trong các hoạt động giao lưu, trao đổi, đối ngoại, từ đó góp phần phát triển văn hóa đọc và hình thành nét đẹp văn hóa rất riêng của thành phố mang tên Bác”.
Các gian hàng tại lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn đông kín khách vào đêm cuối, mùng Năm tháng Giêng. Ảnh: Diễm Mi
Bên cạnh lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn ở đường Lê Lợi, Đường sách Thủ Đức, Đường sách TPHCM cũng tích cực hoạt động, phục vụ độc giả trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Đường sách TP Thủ Đức (đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú) đi vào hoạt động chưa lâu nhưng mùa tết này cũng thu về 300 triệu đồng. Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) có doanh thu ước đạt 1 tỉ đồng, giảm khoảng 20% so với tết trước.
Theo ông Lê Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TPHCM – doanh thu giảm là do kinh tế khó khăn, chi phối nhu cầu mua sắm của người dân. Từ quý IV/2023, doanh thu đã giảm dù lượng khách đến vẫn tăng. Bên cạnh đó, công tác tổ chức lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn bài bản, hấp dẫn đã thu hút lượng lớn khách đến đó. Về lý do này, ông Lê Hoàng lấy làm mừng bởi nó cho thấy người dân, du khách rất quan tâm đến sách và văn hóa đọc.
Như mạch ngầm chảy mãi
Các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm trong ngành xuất bản, phát hành sách ở TPHCM đã không ngừng cổ xúy, phát triển văn hóa đọc. Cứ mỗi cuối tuần, Đường sách TPHCM (đi vào hoạt động 9 năm qua) lại nườm nượp các gia đình đến tham quan, đọc và mua sách. Ngày 22/12/2023, Đường sách TP Thủ Đức đi vào hoạt động. 14 năm qua, lễ hội Đường sách tết mỗi năm đều được mở rộng về quy mô, đổi mới về nội dung hoạt động nhằm quảng bá sách, lan tỏa tình yêu với sách, lan tỏa văn hóa đọc.
Các em thiếu nhi thích thú khi được người lớn đưa đi tham quan, đọc sách ở Đường sách TPHCM trong những ngày đầu năm mới. Ảnh do Công ty TNHH Đường sách TPHCM cung cấp
“Việc mà chúng tôi và chúng ta đang làm có tác động đến một bộ phận dân cư. Sự tác động này tịnh tiến, nghĩa là đi lên chậm nhưng chắc chắn không thụt lùi. Đó là điều đáng mừng, được thể hiện qua số đầu sách tiêu thụ và doanh thu, nhưng chưa có sự tăng trưởng đột phá” – ông Lê Hoàng nhận định.
Theo ông Lê Hoàng, không thể phủ nhận ảnh hưởng của các loại hình công nghệ đến nhu cầu giải trí của mọi người.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, phần lớn gia đình và trường học chưa tạo điều kiện để trẻ có thói quen đọc sách. “Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói rất có lý rằng, nếu không hình thành được thói quen đọc sách cho trẻ thì khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên, có dúi sách vào tay kèm theo những lời có cánh về lợi ích của việc đọc, các em cũng khó mà nghe theo” – ông Lê Hoàng nói thêm.
Đồng cảm về những khó khăn trong việc lan tỏa văn hóa đọc, anh Lê Bá Tân – chủ cửa hàng sách cũ Thư Viện, có chi nhánh ở Đường sách TP Thủ Đức – cho rằng, để lan tỏa văn hóa đọc, cần có sự chung tay của nhiều cá nhân, đơn vị và từ cơ quan quản lý nhà nước: “Người dân có thể chủ động hoặc tình cờ đến với hội sách mùa xuân nhưng việc họ có mặt đã là quá tốt. Mùa xuân mua một cuốn sách tặng nhau hay tặng chính mình cũng là điều hay. Nhưng để phát triển thành thói quen đọc sách ngày xuân, tôi e rằng khó. Vẫn chưa nhiều người Việt chủ động tìm đến sách, xem sách là người bạn. Chúng ta cần thời gian và sự chung tay để mưa dầm thấm lâu. Còn bây giờ, mọi việc đang dừng ở nỗ lực từ các bên và một vài tín hiệu khả quan nho nhỏ”.
Có khó khăn, thử thách nhưng như mạch ngầm cứ âm ỉ, các hoạt động nhằm cổ xúy văn hóa đọc ngày xuân hay văn hóa đọc nói chung vẫn được thực hiện. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Hoàng nhắc đi nhắc lại từ “kiên trì” và “chung tay”.
Vừa chọn sách trong ngày cuối của lễ hội Đường sách tết Giáp Thìn, ông Nguyễn Quốc Anh vừa hào hứng kể: “Mỗi khi có hội sách lớn trong thành phố, tôi đều dẫn con trai đi. Với con gái lớn của tôi, việc tạo thói quen đọc sách khá dễ nhưng con trai tôi lại không đụng vào sách do có quá nhiều loại hình giải trí khác hấp dẫn. Lần này, con chủ động đưa tôi đến đường sách vì cháu biết tôi thích mua sách. Con trai tôi cũng quen với việc cùng ba đi hội sách. Tạo thói quen đọc sách cho con cực kỳ khó, nên được vậy là tôi mừng rồi”.
Theo Diễm Mi/PNO
Bình luận (0)