Người xưa có câu “ngán như ngán cơm nếp”. Ấy vậy mà 60 hộ dân với hơn 300 khẩu của đồng bào Bahnar và J’rai tại một ngôi làng ở Gia Lai thì ngược lại. Chỉ khi thiếu đói họ mới ăn gạo tẻ và thịt lợn.
Cộng đồng người Bahnar, J’rai ở làng Dip (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) sống ven sông Pô Kô, nơi giáp ranh với nước bạn Campuchia cũng có phong tục tập quán, văn hóa tương tự như bao người J’rai, Bahnar khác trên vùng đất Tây Nguyên này. Duy chỉ khác một điều, cây lương thực chính của họ là lúa nếp chứ không phải lúa tẻ.
Gạo nếp là món ăn chính, món ăn "sang" của người dân làng Dip từ bao đời nay. Ảnh: Tùy Phong.
Với đa số người Việt, gạo tẻ luôn thường trực trong bữa ăn hàng ngày, gọi là “cơm”, còn cơm nếp thì lâu lâu mới dùng, thường vào những dịp giỗ chạp, Tết… tức “xôi”. Ăn “xôi” nhiều thì chán là chuyện bình thường.
Đối với người dân làng Dip, cơm nếp lại cho cảm giác dẻo, thơm ngon, béo, ăn hoài không biết chán và lại chắc cái bụng để đi làm rẫy. Với họ, "gạo tẻ ăn vừa khô mà không no, chỉ ăn cho vui thôi".
Có "thâm niên" trên 30 năm ăn cơm nếp, anh Dúi – một người dân ở đây – cho biết: "Đây là thực phẩm truyền thống của làng mình mà. Ăn cơm nếp cảm giác rất ngon, mình đã ăn mấy chục năm nay có chán đâu. Lâu lâu nhà mình mới mua gạo tẻ về ăn, nhưng phải có thịt heo mới ăn được".
Cụ Rơ Châm Rước – già làng làng Dip, đã sống qua 90 mùa rẫy nhưng vẫn còn rất tráng kiện, nhanh nhẹn, vẫn ngày ngày cùng vợ cuốc bộ gần chục cây số lên đồi để đi làm rẫy. Già Rước cho biết không nhớ nổi người làng mình ăn cơm nếp từ lúc nào, chỉ biết rằng cha ông ăn cơm nếp, cụ ông cũng ăn cơm nếp, nghĩa là truyền thống này đã có từ rất lâu.
"Một năm làng mình chỉ làm một mùa rẫy (từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch), chỉ trồng lúa nếp thôi. Lúc nào thích ăn thịt heo mình mới đi mua gạo tẻ về nấu. Mình thấy ăn gạo tẻ không ngon, nhanh chán", già Rước nói.
Gạo nếp của dân làng Dip cũng rất khác. Hạt tròn mẩy, nhưng không trắng mà lại đen, xám như bị mốc. Lúc nấu lên, hạt cơm có màu đỏ hồng.
Trong mâm cơm trưa đãi khách ở nhà già Rước, chỉ có món cơm nếp với lá mì. Già làng giải thích rằng, khác với mâm cơm của người Kinh, lúc nào đầy đủ cá, thịt thì mới gọi là có cuộc sống no đủ, mâm cơm của hơn 60 hộ dân làng Dip chỉ cơm nếp với lá mì là đủ. Gia đình nào duy trì được thường xuyên như vậy chứng tỏ nhà đó đang ấm no.
Khi nào trong mâm cơm không còn gạo nếp thay vào đó là thường xuyên gạo tẻ, điều này báo hiệu gia đình đó đang lâm vào cảnh bị thiếu đói, cho dù trên mâm cơm vẫn có thịt heo hay các món khác.
Ỏ làng này không chỉ có già Rước tuổi đã cao mà vẫn còn rất khỏe mạnh, hàng chục người già khác tuổi cũng gần với vợ chồng già làng mà vẫn thoăn thoắt lên nương. Ít có trường hợp chết sớm ở đây.
Từ khi thủy điện Sê San 3 đưa vào sử dụng cạnh mảnh đất này, cuộc sống của người dân nơi đây đã phần nào thay đổi theo hướng tiếp thu lối sống hiện đại, song gạo nếp vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong bữa ăn của người dân.
Tuỳ Phong (VNE)
Bình luận (0)