Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Làng bánh tét bên sông Tiền

Tạp Chí Giáo Dục

Quang cảnh làm bánh tét ở Hội Gia (Mỹ Phong, Châu Thành, Tiền Giang)
Ở miền Tây Nam bộ và các vùng phụ cận TP.HCM có không ít làng bánh tét ngày Tết hết sức rộn ràng nhưng tất cả đều phải “chào thua” làng bánh tét Hội Gia (Mỹ Phong, Châu Thành, Tiền Giang) không chỉ bởi tuổi đời hơn nửa thế kỉ mà còn ngon nức tiếng, ai ăn một lần phải nhớ mãi.
Không chỉ ngày Tết, bất cứ khi nào du khách ghé qua ngôi làng thanh bình nằm bên bờ sông Tiền uốn lượn đều bắt gặp các mẹ, đặc biệt là các thôn nữ ở làng bánh tét Hội Gia với nụ cười xinh xinh chào khách, tay thoăn thoắt bên thúng nếp trắng ngà, rộn ràng mỗi người một việc…
Một ngày gói 7 ngàn đòn bánh tét
Ở làng bánh tét Hội Gia có vài chục nóc nhà nhưng gần nửa số ấy gắn bó với nghề làm bánh tét trên dưới 50-60 năm. 
Tại nhà chị Nguyễn Thị Phượng, không khí dường như nhộn nhịp hơn hẳn bởi đây là “lò” bánh tét có tiếng ở làng nghề này. Những thời vụ cao điểm như mùa Tết, gia đình chị phải huy động nhiều cô gái khác trong làng đến phụ một tay.
Thường ngày, bánh tét từ Hội Gia theo chân những người bán lẻ đi khắp nơi từ miệt Vĩnh Long, Đồng Tháp đến Bình Dương và nhiều nhất là Sài Gòn. Một ngày, làng bánh tét này cho ra lò từ 3 đến 5 ngàn đòn bánh. Càng về cuối năm, nhiều người đến đặt bánh để biếu bà con họ hàng, cũng có người đặt để mang qua… Mỹ.
Chỉ tay vào căn nhà mái lá ba gian tràn đầy bánh tét từ trên bộ ván gõ xuống cả nền nhà, gần như không còn lối đi, chị Phượng vui vẻ nói: “Thời điểm này, nhà nào cũng vào mùa bánh Tết. Nhà làm ít cũng gói vài trăm đòn bánh, nhà làm nhiều cho ra vài ngàn… Tính sơ một ngày như thế, những người thợ làng làm ra ít nhất cũng đến 7 ngàn đòn bánh tét, 20 ngàn cái bánh ít. Vậy mà vẫn không đủ giao cho khách đó!”.
Bánh tét ở miền Nam khá phong phú nhưng đa số phải “chào thua” làng bánh tét Hội Gia nức tiếng với các món bánh bốn mùa, bánh lá cẩm 3 màu (nếp nhuộm màu tím lá cẩm, đậu xanh vàng, mỡ heo trắng), bánh ngũ sắc (thêm nếp nhuộm màu xanh lá dứa và màu đỏ trái gấc), bánh bắp, bánh nhân đậu ngọt, nhân dừa, nhân chay, nhân chuối…
Bên cạnh sự “biến ảo” của thành phần bánh, mọi người “mê” bánh tét Hội Gia còn do hạt nếp đặc biệt dẻo ngọt nhờ thừa hưởng vị phù sa nồng nàn từ sông Bảo Định (một nhánh của sông Tiền) vắt ngang qua làng.
Những nữ kiện tướng gói bánh tét

Bàn tay của bà Năm Dẻn vẫn còn khéo lắm
Làm bánh cho ba ngày Tết cũng là dịp để các cô thợ làng này thể hiện đức tính của người phụ nữ. Có bàn tay chai cứng vì ngày thường đi cấy lúa, có bàn tay thon hồng của những cô thiếu nữ xuân thì nhưng ai cũng thật khéo tay. 
Đầu tiên là đi cắt lá chuối, phải đi vào lúc sáng sớm thì lá mới tươi, rồi rọc thành từng miếng vuông vức. Bánh tét phải gói bằng dây chuối thì khi nấu chín, nếp nở ra, dây lạt cũng nở theo, đòn bánh trông mới đầy đặn, đẹp mắt. Chọn nếp phải kĩ lưỡng, không sót hột gạo tẻ để dễ dẻo…
Thế là các cô trải lá chuối trên ván gỗ, đo đều chén nếp lên bằng phẳng, múc vài muỗng đậu xanh vào giữa, thêm tí thịt mỡ dài cỡ ngón tay hoặc quả chuối chín rồi nhẹ nhàng gói ghém hai đầu, cuốn quanh cái bánh từng vòng dây chuối. Giai đoạn cột dây đòi hỏi những đôi tay khỏe mạnh thì có ngay các cô 17-18 tuổi, sức “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” mà!
Làng bánh tét Hội Gia nổi tiếng không chỉ ngon mà còn do gói đẹp. Chỉ cần nhìn cái bánh có thể đoán người gói khéo hay vụng. Có nhiều cô trong làng cần mẫn từ rạng sáng cho đến lúc gà gáy báo khuya, mà cái bánh nào cũng đều tay.
Nữ kiện tướng gói bánh ở Hội Gia không hiếm nhưng có tiếng khéo tay và chăm nhất có thể kể đến chị Nguyễn Thị Kim Chi. Một ngày chị Kim Chi làm ra 600 đòn bánh là chuyện bình thường! Hay cô bé Nguyễn Thị Thúy Phụng mới 16 tuổi, một buổi làm, một buổi đi học cũng gói được cỡ 300-400 đòn bánh.  
Ngôi làng lúc nào cũng có… Tết
Theo lời những người lớn tuổi ở làng bánh tét Hội Gia, sở dĩ người ta gọi bánh này là bánh tét vì ngày trước cái bánh này đã theo chân đoàn quân thần tốc của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, để tiết kiệm thời gian cho khâu nấu nướng, hỏa đầu quân nghĩ ra cách gói bánh tét quăng xuống ao nước trên đường đánh giặc, tới chừng muốn ăn thì lội xuống mà vớt lên, cái bánh vẫn dẻo và ngon. Hành quân lúc ấy thì làm gì có sẵn dao, thế nên binh lính muốn ăn thì chỉ có thể cắt ra bằng cách dùng chính cọng dây cột bánh. Họ quấn qua đòn bánh một vòng rồi siết hai đầu cọng dây thì đòn bánh sẽ được tét (cắt) ra thành từng khoanh… 
Tại làng bánh tét truyền thống này, có rất nhiều lò làm bánh tét khá nổi tiếng như Bảy Tròn, Tám Trà… nhưng mọi người thường nhắc đến bà Năm Dẻn. Gói bánh đi bán từ thời con gái đến nay đã 70 tuổi bà Năm vẫn gắn bó với nghề. “Làng bánh tét này có từ hồi tui chưa ra đời lận, hồi xưa ít nhà làm, dần dần nhà này chỉ nhà kia riết rồi cả làng ai cũng biết gói bánh tét hết trơn!”, bà Năm vừa trộn nếp vừa kể chuyện đời xưa.  
Ban đầu ở Hội Gia chỉ tập trung gói bánh vào dịp Tết để bán cho khách quen. Nhưng rồi dần dần, đặc sản của làng là bánh tét lá cẩm có màu tím thủy chung, bánh tét ba màu nhân bánh thập cẩm vừa đẹp mắt vừa nồng nàn, ngon đến khoanh cuối cùng trở nên nổi tiếng. Khách hàng quen của làng mỗi lúc một đông, không chỉ ở địa phương mà tận các tỉnh khác thường xuyên đặt bánh vào các dịp giỗ chạp, lễ lạt từ mấy chục năm nay nên cả làng phải làm bánh trọn năm.
“Người ta chỉ có ba ngày Tết nhưng dân làng bánh tét này có đến 365 ngày Tết. Chưa kể vào đúng ngày Tết thì đó là những ngày cực nhất trong năm, làm không kịp thở!”, cô thợ Thúy Phụng nói trong tiếng cười. 
Xem các cô thợ Hội Gia gói bánh, hai cánh tay nhịp nhàng như múa. Lúc nhẹ nhàng, khéo léo cho nếp vào tấm lá, lúc mạnh mẽ dứt khoát siết chặt sợi dây cuốn tròn đòn bánh… Thỉnh thoảng các cô cũng góp thêm chuyện làng trên xóm dưới, tiếng cười rôm rả xua đi cái mệt. Những nồi bánh trên bếp than đỏ rực càng về khuya càng trở nên ấm áp đến lạ…
Bài, ảnh: Nhã Uyên – Công Bình
Nét văn hóa của miền Nam
Từ thời khai hoang lập ấp, những cư dân đầu tiên của vùng đất này đã biết gói bánh tét bằng gạo lúa nổi để cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên trong những ngày Tết cổ truyền. Bánh tét vốn khá quen thuộc với người dân miền Nam, thế nhưng cách làm bánh thì không phải nơi nào cũng giống nhau. Ở miền Tây  phong phú với nhiều loại bánh tét ngũ sắc, bánh tét lá dứa, bánh tét gấc, bánh nhân đậu ngọt, bánh chay, bánh nhân chuối, bánh nhân thập cẩm, bánh tét mật cật… 
 
 

Bình luận (0)