Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Làng chân hương ở xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hoà – Hà Nội): Nghề phụ thành chính

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều người dân Quảng Phú Cầu giàu lên nhờ làm chân hương.

Nghề làm chân hương xã Quảng Phú Cầu có cách đây 35 – 40 năm. Lúc đầu đây chỉ là nghề phụ, làm lúc nông nhàn, giờ đã mang lại thu nhập chính cho 3.000 hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Lộc, cán bộ phòng LĐTBXH xã – cho biết: Quảng Phú Cầu có 6 thôn với 12.000 nhân khẩu. Số người trong độ tuổi LĐ là 4.700 người. Hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 2 – 4 sào ruộng. Nếu không có nghề này, người dân chắc không thể sống nổi. Nghề làm chân hương đã thật sự là "phao cứu sinh" cho 3.000 hộ dân – ông Lộc nói. Ngoài sản phẩm chính là làm chân hương, nhiều GĐ còn làm tăm, nan chiếu theo đơn đặt hàng của Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore… Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía bắc…

Mỗi ngày, làng nghề (LN) tiêu thụ khoảng 100 tấn vầu từ Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Thanh Hoá… chuyển về. Nhiều gia đình từ chỗ sản xuất nhỏ nay mở rộng quy mô, phải thuê người từ những địa phương khác đến làm việc. Anh Lê Huy Thụ, thôn Đạo Tú – cho biết: Gia đình (GĐ) anh thuê 10 LĐ với mức lương từ 1,5 – 4 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, GĐ anh xuất khoảng 100 tấn hàng, giá 10.000đ/kg. Những tháng giáp Tết tiêu thụ khoảng 150 tấn/tháng. Những tỉ phú như anh Thụ không hiếm. Nhìn những ngôi nhà khang trang, đường làng, ngõ xóm được bêtông hoá sạch sẽ có thể thấy được sự phát triển mạnh mẽ của một LN ngoại thành HN.

Quảng Phú Cầu nằm ven quốc lộ 21B (đường đi chùa Hương), cánh TP.Hà Đông chừng 21km. Để phục vụ phát triển làng nghề, xã xây dựng hệ thống đường sá, thuận tiện. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa du lịch với việc SX, KD các sản phẩm của làng nghề chưa thực sự được quan tâm. Xã chưa có hội làng nghề, vì vậy việc quảng bá thương hiệu của làng nghề này chưa được chính quyền địa phương cũng như Hiệp hội nghề chú ý.

 
Minh Nhật (laodong)

Bình luận (0)