Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Làng cổ Đường Lâm, điển hình làng quê Bắc bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa là hai con đường không phải lúc nào cũng giao nhau. Quá trình phát triển kinh tế trong khoảng mười năm trở lại đây đã tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có làng việt cổ Đường Lâm. Thế nhưng, cùng với thuận lợi là những thách thức gay gắt đặt ra trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của di sản độc đáo này.
Ngôi làng cổ Đường Lâm từ xa xưa vốn thuộc lưu vực sông Hồng, cách Hà Nội chừng 50 cây số về phía tây và nằm trên một vùng gò đồi phía tây của thị xã Sơn Tây ngày nay. Làng có nghề trồng lúa nước truyền thống như bao làng quê Bắc bộ khác và ngày nay Đường Lâm vẫn là làng nông nghiệp tiêu biểu của nông thôn miền Bắc.
Vẻ cổ kính của làng Mông Phụ đã bị biến dạng ít nhiều.

Có thể nói khó có ngôi làng nào có một vị trí đặc biệt như Đường Lâm. Đây là quê hương của hai vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng. Có lẽ thế đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra hai vị vua nổi tiếng trong lịch sử Đại Việt. Phía tây nam làng có ngọn núi Tản Viên thuộc Ba Vì sừng sững án ngữ, thần núi Tản được dân làng thờ là Thành hoàng, bảo vệ cho làng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, trong phần chép sử vào năm 1117 có nhắc đến “người giáp Cam Giá”. Khu vực làng cổ Đường Lâm hiện nay vốn thuộc tổng Cam Giá Thịnh xưa kia, nay gồm bốn làng Cam Thịnh, Mông Phụ, Đông Sàng và Đoài Giáp, được gọi chung là Kẻ Mía. Từ “Cam Giá” trong tên gọi tổng Cam Giá Thịnh xưa có nghĩa là mía, xuất phát từ việc khu vực này đã từng có nghề trồng mía. Từ đó mới có tên làng Mía, chùa Mía.
Nếu tìm hiểu về lịch sử làng, chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều điểm thú vị về ngôi làng cổ này. Đây là nơi còn lưu giữ tương đối tốt nhiều công trình kiến trúc lịch sử có giá trị và các tập quán sinh hoạt truyền thống. Những lễ hội, các dịp nghi lễ sinh hoạt chung của cộng đồng làng còn được duy trì khá đầy đủ cho đến nay.
Cũng phải nhấn mạnh rằng việc quy hoạch làng được các cụ thời xưa tính toán rất kỹ để tạo ra sự phân bố các công trình kiến trúc với một tỷ lệ rất hợp lý. Từ quy hoạch chung của làng, hệ thống đường làng đến các công trình chung gắn với thiết chế làng như cổng làng, đình làng, các ngôi nhà đá ong cổ kính… đều tuân thủ nghiêm ngặt phong thủy.
Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm – trung tâm của quần thể di tích làng cổ – tọa lạc trên một vùng gò đồi thoai thoải. Ở phía nam làng là ao hồ và ruộng lúa. Thời xưa, khi khái niệm đô thị hóa chưa xuất hiện, Mông Phụ bốn bề được bao bọc bởi các lũy tre làng. Một thứ hàng rào xanh che chắn cho làng nép mình yên ả hiền hòa trải qua bao đời. Thời ấy, muốn vào hay ra khỏi làng đều phải qua bốn cổng, nhưng giờ chỉ còn cổng phía đông nam, chính là chiếc cổng làng nổi tiếng còn sót lại và xuất hiện nhiều nhất trong những bức ảnh, thước phim.
Quy hoạch của làng được tính toán rất chặt chẽ xoay quanh tâm điểm là đình làng, bởi đây là hạt nhân của mô hình văn hóa làng cổ điển. Theo quan niệm xưa, có thể coi vị trí đình làng quyết định toàn bộ số phận của dân làng. Sướng hay khổ, êm ấm hay trắc trở, tất thảy tùy thuộc vào hướng đình.
Một trong những kiến trúc cũ còn sót lại

Vì thế, dễ dàng nhận ra đình Mông Phụ được đặt ở nơi cao nhất trong làng Mông Phụ. Các con đường nối cổng làng với các thôn xóm uốn lượn quanh co và tất cả đều dẫn đến ngôi đình ở trung tâm thôn. Đi đường nào cũng phải đi qua đình làng và từ ngôi đình cổ kính này có thể đi theo các ngả đường quanh co để đến các xóm. Điểm khác biệt là ngày xưa trước cổng đình Mông Phụ không có khoảng sân rộng như ngày nay. Các thôn, xóm nằm dọc hai bên đường được thiết kế tỏa ra hai bên như hình xương cá.

Quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ rất nhanh cũng tác động không nhỏ đến ngôi làng này. Một dẫn chứng có thể dễ dàng cảm nhận bằng mắt: những ngôi nhà đá ong cổ kính không còn nguyên vẹn trong nếp sống hiền hòa xưa nữa. Nhiều hộ dân có điều kiện kinh tế, trước sự thúc ép của đời sống và nhu cầu bức bách của nhiều thế hệ sinh sống trong một ngôi nhà cổ xưa, đã phá nhà cũ, xây nhà mới. Dấu hiệu của nguy cơ “phố hóa” hay hiện đại hóa làng đang hiện rõ. Không khó để nhận ra di sản làng cổ Đường Lâm đang phải gồng mình đối chọi lại với sức công phá mãnh liệt của cơn lốc “làm mới di sản”.
Tuy nhiên, nhờ các quy tắc ứng xử nghiêm ngặt được hình thành từ nhiều đời, lâu dần đã trở thành nếp làng với những phép tắc chặt chẽ mà nhiều tập tục, nghi lễ làng còn được lưu truyền đến ngày nay. Nếp làng là thứ luật lệ có tính bắt buộc rất cao, được cả làng tôn trọng và tạo nên văn hóa làng – chất keo gắn kết mọi thành viên của cộng đồng trong làng.
Mặc dù thời nay một số nghi lễ, phép tắc trong hội làng hay các dịp lễ lạt khác đã được giản lược đi nhiều, song về cơ bản, làng Mông Phụ vẫn duy trì những nghi lễ của một làng quê Bắc bộ điển hình. Đi tìm giải pháp bảo tồn văn hóa làng, nếp làng sao cho phù hợp không bao giờ là đơn giản, đặc biệt đối với một di sản có tính nhạy cảm cao như Đường Lâm.
Nên chăng, việc bảo tồn làng cổ cần có sự tham gia hợp tác chủ động từ phía cộng đồng dân cư Đường Lâm, những người vốn có tính gắn kết và tương tác rất cao, hơn là trách nhiệm của riêng các cơ quan chức năng? Làm được vậy, may ra ngôi làng cổ này mới tránh khỏi cơn lốc “mới hóa, hiện đại hóa” đang tràn lan ở nhiều nơi!
THANH HIỀN / DNSG

Bình luận (0)