Chúng tôi về với miền quê Quảng Đức (xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), nơi làng quê được người đời xưng tụng với tên gọi “thung lũng sư phạm”, làng dạy học… Tuy nghèo khó, nhưng tinh thần ham học của học sinh và tấm lòng của những “người đưa đò” luôn chan chứa trong lòng dân nơi mảnh đất này.
“Những người đưa đò thầm lặng…”
Dạo quanh khắp làng cùng với ông Nguyễn Đình Cần, Chủ nhiệm Làng văn hóa khu dân cư Quảng Đức, chúng tôiđã cảm nhận bao nỗi khó khăn trăm bề của người dân, ngoài nghề “nhà giáo” thì họ mưu sinh chủ yếu bằng nghề trồng mía, mì và đan giỏ cần xé, thêu ren, bóc tách hạt điều, chăn nuôi.
Ông Cần chia sẻ: “Trong những năm qua, các hộ dân không ngại khó khăn đã cùng với sự hỗ trợ của địa phương từng bước tăng trưởng kinh tế gia đình, tạo điều kiện cho con em ăn học tới nơi tới chốn”. Toàn thôn có 377 hộ dân với đội ngũ cán bộ, công nhân viên, giáo viên trên 150 người và hơn 600 người đang giảng dạy tại các địa phương khác.
Làng Quảng Đức có nhiều gia đình 3 thế hệ cùng làm giáo viên như gia đình cô Nguyễn Thị Định (có 12 người làm giáo viên), thầy Nguyễn Đức Thường (được tặng thưởng huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”)… Qua lời giới thiệu của thầy Phi và ông Cần, chúng tôiđến thăm gia đình nhà giáo Lê Thị Thanh Giạn và thầy Nguyễn Văn Hùng. Thầy Hùng cố gắng tâm sự cùng chúng tôi: “Vào khoảng năm 2004, gia đình tôi gặp cú sốc khi tôi bị tai biến và bác sĩ kết luận 99% hết hy vọng. Được sự giúp đỡ và động viên của bà con hàng xóm, chính quyền địa phương và nghĩ đến vợ con, tôi đã cố gắng gượng dậy trong niềm hy vọng nhỏ nhoi. Hôm nay, anh thấy đấy, tôi đã tự đi được và thương tật, chỉ còn 60%. Niềm vui lớn nhất với tôi là vợ tôi trụ được với nghề giáo, hai đứa con tôi chăm ngoan và học giỏi”. Được biết, trước khi bị bệnh, thầy Hùng là Hiệu trưởng Trường THCS Cam Hiệp Bắc. Sau khi bị bệnh, thầy Hùng xin về hưu một lần với 19 năm cống hiến. Bên cạnh đó, cô Giạn đạt được thành tích phụ nữ 2 giỏi, 4 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và nhiều bằng khen khác.
Tạm biệt gia đình thầy Hùng, cô Giạn, chúng tôi cùng ông Cần tản bộ đến những gia đình khác theo lời kể của ông. Vừa đi, ông Cần vừa tâm sự: “Làng thành lập từ năm 1973, dân cư từ những nơi khác đến chủ yếu là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên Huế,… cho nên nơi đây rất đậm nét miền Trung, người dân thật thà, chất phác và tinh thần đoàn kết cao. Nghề dạy học được hình thành từ những ngày đầu thành lập làng, từ đó truyền thống “gõ đầu trẻ” được tiếp bước đến hôm nay”.
Làng… xây những ước mơ
Giữa cơn mưa nhẹ ban trưa, chúng tôi bắt gặp một em học sinh đứng chờ bạn dưới chiếc ô, em đang tranh thủ thời gian đọc những vần chữ trước khi đến trường. Bức tranh hiếu học của trẻ em trong làng đã khơi dậy trong lòng những ai ghé thăm nơi đây nhiều suy nghĩ về con đường “tầm sư học đạo”.
Quảng Đức là một làng có nhiều người làm nghề giáo, nên từ rất lâu người dân nơi đây rất coi trọng việc học hành của con em mình. Làng có 2 tổ khuyến học là tổ Lê Đình và tổ Lệ Môn. Các tổ này ngoài việc đôn đốc con cháu học hành, hàng năm đều có những phần quà động viên khích lệ các cháu có thành tích học tập tốt. Năm học 2007 – 2008, làng có 6 em đậu đại học, hàng chục em vào học ở các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cũng đã có nhiều em bắt đầu bước chân vào nghề dạy học như bao lớp người trước của làng.
Theo chân ông Cần, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Lương Con 67 tuổi. Ông Con có 9 người con thì đã có tới 6 người là cử nhân (trong đó có 1 người là thạc sĩ ngành y khoa). Ông Con trò chuyện: “Lúc trước, gia đình tôi khó khăn lắm, nhưng cũng cố gắng nuôi con ăn học thành tài. Trong thời bao cấp, có 2 đứa lớn phải nghỉ học để đi làm phụ gia đình nuôi các em, nên chúng không được đến trường, nhưng may thay, những đứa còn lại học thành tài. Lòng tôi thấy rất vui”.
Không chỉ riêng ông Con, mà nhiều hộ gia đình khác cũng xây dựng “những ước mơ” cho con cháu mình trong thời kỳ kinh tế có những biến động. Làng Quảng Đức được UBND huyện Cam Lâm công nhận là Làng văn hóa 9 năm liền, 3 năm liên tiếp là khu dân cư tiên tiến và vinh dự được UB Mặt trận Tổ quốc VN tặng bằng khen khu dân cư xuất sắc năm 2007.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên ở làng quê này là hơn 10 con đường làng được đánh số nhà rõ ràng, đường sá sạch sẽ và các hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên. “Trong làng, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, mỗi khi có gia đình nào khó khăn, chúng tôi cùng chung tay đùm bọc lẫn nhau. Chúng tôi sống và cống hiến từ những cử chỉ rất giản dị, thấm đượm tình làng nghĩa xóm đã nhen nhóm bao đời nay. Qua đó, làng có 337/377 hộ đạt gia đình văn hóa”, ông Cần bộc bạch.
Chia tay ông Cần và làng Quảng Đức, còn đó trong lòng tôi biết bao điều cần học hỏi. “Làng dạy học” Quảng Đức là mô hình “chuẩn” về giá trị truyền thống của dân tộc Việt nên được phát huy và đáng để những địa phương khác noi theo. Ông Cần dặn dò tôi: “Hàng năm, cứ đến ngày 25-12 (âm lịch), làng tổ chức lễ cầu mùa, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, xóm làng yên bình, nếu đi được, cháu đến thăm làng nhé!”.
Hồng Vương
Bình luận (0)