Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Làng điện thoại đang cần một smartphone có tính đột phá

Tạp Chí Giáo Dục

Apple là ví dụ cho sự đi xuống của làng điện thoại khi iPhone 6s bị chê là không có gì mới mẻ so với iPhone 6, trong khi Samsung, hãng điện thoại lớn nhất thế giới, cũng giảm lợi nhuận 7,3%.

Smartphone đã mở ra một trong những thị trường có giá trị nhất thế giới với 1,4 tỷ máy được xuất xưởng năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng 12%. Dù con số này nghe đầy ấn tượng, ba tháng cuối năm 2015 lại chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh số chậm kỷ lục: chỉ 6% theo thống kê của Strategy Analytics.

Microsoft có vẻ sẽ ngừng sản xuất điện thoại Windows Phone vì ế ẩm. Giám đốc HTC thừa nhận giờ việc đầu tư vào công nghệ thực tế ảo VR quan trọng hơn sản xuất smartphone. Trong khi đó, lợi nhuận của Samsung – hãng điện thoại lớn nhất thế giới – cũng sụt giảm 7,3%.

Theo Telegraph, nói một cách đơn giản, thị trường smartphone đang bão hòa. Người tiêu dùng ở các thị trường đang phát triển đã sở hữu điện thoại và họ không có nhu cầu nâng cấp. Thay vào đó, họ sẽ tiếp tục sử dụng chiếc điện thoại cũ của mình thêm một thời gian nữa, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.

Nếu đây vẫn chưa phải lý do thì còn có một nguyên nhân nữa. Người tiêu dùng khao khát một mẫu điện thoại với những tính năng thực sự đột phá, nhưng lâu rồi các nhà sản xuất chưa làm họ thấy hài lòng. Samsung Galaxy S6/S6 edge với kiểu dáng phá cách không đạt được doanh số như kỳ vọng trong khi iPhone 6s lại bị chê bai vì chẳng có gì mới mẻ so với iPhone 6.

lang-dien-thoai-dang-can-mot-smartphone-co-tinh-dot-pha

Apple đang trở thành ví dụ điển hình cho sự đi xuống của thị trường smartphone sau khi kết quả kinh doanh quý mới nhất của họ được công bố đầu tuần này. Tỷ lệ tăng trưởng doanh số iPhone đã ở mức chậm nhất kể từ khi sản phẩm này ra mắt vào năm 2007. Apple bán được 74,8 triệu chiếc iPhone, chỉ chênh một chút so với mức 74,5 triệu máy cùng kỳ năm trước, cũng như thấp hơn dự đoán của các chuyên gia là 75 triệu máy.

Cái gì đi lên thì rồi cũng sẽ có lúc phải đi xuống. Quy luật này sẽ không chỉ đúng với Apple mà với cả các công ty điện thoại Trung Quốc thời gian tới. Sau giai đoạn phát triển chóng mặt và được ví như "quái vật đến từ châu Á", có vẻ như các nhà sản xuất Trung Quốc cũng không thể "tiến mãi không lùi" như nhiều người từng nghĩ.

Huawei, Xiaomi, ZTE hay Oppo có thể không phải thương hiệu được ưa chuộng ở phương Tây, nhưng rất lớn mạnh ở Trung Quốc. Huawei nằm trong số những hãng viễn thông lớn nhất thế giới trong khi Xiaomi là công ty khởi nghiệp lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Uber, nhờ từ những thiết bị giá rẻ, cấu hình mạnh và chi mạnh cho marketing.

Các hãng Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ trong khi nhiều hãng từng có vị trí cao trên bản đồ smartphone thế giới như HTC, LG, Sony… lại đi xuống. Chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư lớn cho ngành công nghiệp này và sẵn sàng hỗ trợ các nhà sản xuất với mức thuế thấp, thậm chí hạ tiêu chuẩn về lao động.

Cả Xiaomi và Huawei đều đang muốn hướng đến thị trường hấp dẫn như bắc Mỹ hay châu Âu nhằm trở thành một thương hiệu quốc tế. Tuy nhiên, con đường này cũng lắm chông gai. Xiaomi cho biết bán được khoảng 70 triệu smartphone trong năm 2015, thấp hơn mức kỳ vọng là 80 triệu (thậm chí mức này cũng đã được điều chỉnh từ chỉ tiêu ban đầu là 100 triệu máy). Huawei đã xuất xưởng 100 triệu điện thoại, một phần nhờ danh tiếng từ sự hợp tác với Google để sản xuất Nexus 6P.

Roberta Cozza, Giám đốc nghiên cứu của hãng phân tích Gartner, cho rằng các công ty Trung Quốc cần chuẩn bị tinh thần trước sự trỗi dậy của Ấn Độ. "Những công ty như Xiaomi đã làm tốt trong việc cung cấp thiết bị cấu hình mạnh trong phân khúc giá rẻ", Cozza nói. "Nhưng còn nhiều 'đất' cho các hãng khác, như tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, 50% điện thoại đang sử dụng là điện thoại thường và họ sẽ nâng cấp lên smartphone có mức giá phải chăng trong tương lai".

Do đó, các chuyên gia cho rằng sẽ không khôn ngoan nếu các nhà sản xuất Trung Quốc hay những gương mặt mới cố đâm đầu vào thị trường cao cấp (giá trên 500 USD). Khi người tiêu dùng chi tiền mua những thiết bị cao cấp, một tiêu chí quan trọng mà họ không thể bỏ qua là uy tín thương hiệu. Apple và Samsung đang rất mạnh khiến các thương hiệu đến từ châu Á rất khó cạnh tranh. 

Có thể trong 2-3 năm tới, các thương hiệu Trung Quốc sẽ vươn mạnh ra toàn cầu và mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Nhưng họ lại phải đối mặt với một vấn đề nữa: sự sao chép. Jonathan Ive, Phó giám đốc Apple, từng chỉ trích Xiaomi là "kẻ ăn cắp lười nhác".

Các nhà sản xuất smartphone vẫn luôn được khuyến cáo rằng họ buộc phải sáng tạo và làm mới mình, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Nokia chính là bài học mà các hãng không thể quên. Dù vậy, họ vẫn đang loay hoay khi chưa thể tìm ra cách tạo sự đột phá.

Châu An (theo vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)