Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Làng hoa đầu tiên trên cao nguyên Lâm Viên

Tạp Chí Giáo Dục

Du khách thưởng ngoạn hoa Đà Lạt. Ảnh: I.T
Cuối tháng 5 năm Mậu Dần (1938), một nhóm dân cư đầu tiên gốc Hà Đông (Hà Nội) đã vượt hàng ngàn cây số để lên Đà Lạt, bắt đầu cuộc hành trình khai thiên phá thạch lập ấp và “khai sinh” một làng hoa truyền thống đầu tiên của Đà Lạt…
Ông Phan Hữu Giản, người gốc Hà Nội đã gắn bó cả cuộc đời với vùng đất Nam Tây Nguyên và hiện đang sống tại ấp Hà Đông (P.8, TP.Đà Lạt) vuốt mái tóc bạc khẽ nói: “Thoắt cái mà đã 75 năm, từ lúc những người con Hà Nội đặt bước chân đầu tiên lên cao nguyên Lâm Viên – hình thành ấp Hà Đông và phát triển làng hoa để bây giờ người ta biết đến là làng hoa Hà Đông lâu đời nhất và nổi tiếng của Đà Lạt”…
1. Theo địa chí Đà Lạt và theo những nhân chứng sống tại ấp Hà Đông kể lại: Chủ trương di dân lập ấp Hà Đông tại Đà Lạt bắt nguồn từ sáng kiến của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý, Thương tá canh nông Hà Đông Lê Văn Định, được chính quyền Pháp đồng ý và các cụ đã đứng ra trực tiếp thực hiện nhằm đưa lao động có tay nghề từ các làng hoa ven Hồ Tây thuộc tỉnh Hà Đông (cũ) vào Đà Lạt khai hoang, mở rộng sản xuất, cung cấp thực phẩm cho người Pháp, du khách và cư dân Đà Lạt…
Ngày 29-5-1938, nhóm cư dân đầu tiên gồm 35 người từ miền Bắc được đưa vào Đà Lạt bằng tàu hỏa. Họ là những người khỏe mạnh, thạo nghề làm vườn sống chủ yếu ở 6 làng hoa nổi tiếng của Hà Đông: Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo và Vạn Phúc. Ban đầu do xa quê hương, thiếu thốn phương tiện sản xuất; nơi đây núi rừng hoang sơ, nhiều thú dữ, lại chưa quen phong thổ đã làm cho một số người nản chí bỏ về quê cũ; số còn lại quyết tâm bám trụ khai hoang, lập ấp, ổn định đời sống. Cuối năm 1938 và những năm 1939-1940 có thêm nhiều đợt người từ các làng quê nói trên tiếp tục vào đây lập nghiệp, bổ sung dân số cho ấp Hà Đông (lấy tên quê cũ đặt tên cho ấp mới). Những vùng đất hoang vu lạnh giá dưới chân núi Langbiang dần dần nhường chỗ cho những vườn rau, hoa xanh tốt – một làng hoa bắt đầu định hình…
2. Sau khi hình thành ấp dân cư Hà Đông, ban đầu, các hộ dân chuyên trồng các loại rau màu để “giải quyết” cái ăn trước mắt. Về sau, một số giống hoa truyền thống của Hà Nội lần lượt được đưa vào “ươm mầm”, nảy nở trên xứ sở sương mù. Người đầu tiên trồng hoa và khởi xướng nghề trồng hoa ở ấp Hà Đông – Đà Lạt lúc bấy giờ là ông Ngô Văn Bính. Theo người dân trong ấp kể lại, năm 1939 khi rời quê vào Đà Lạt, ông Bính đã mang theo 2.000 củ hoa lay ơn trồng thử, thấy hoa thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng, phát triển rất tốt, ông đã nhân giống và san sẻ cho bà con tiếp tục sản xuất. Những năm sau đó, nhiều giống hoa truyền thống đất Bắc tiếp tục được mang vào cùng với một số giống hoa ngoại nhập như: Hoàng anh, cúc đỏ, cúc chi, hoa hồng, margarite… đua nở khoe sắc dưới sắc nắng cao nguyên.
Từ vài chục hécta đất khai hoang những năm đầu lập nghiệp, đến năm 1970, các hộ dân ấp Hà Đông đã khai khẩn và đưa vào sử dụng 166ha; trong đó có 76ha đất sản xuất nông nghiệp. Phát huy đức tính nghề trồng hoa truyền thống: Cần cù, chịu thương chịu khó và sáng tạo, cư dân ấp Hà Đông mỗi ngày tích lũy thêm kinh nghiệm, tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng sản lượng và chất lượng sản phẩm rau, hoa đáp ứng nhu cầu của thị trường.
3. Đến nay, nhiều hộ nhà vườn ở làng hoa Hà Đông chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hoa tập trung với 30ha trồng các loại hoa cao cấp công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới có hệ thống tưới tự động. Toàn làng hoa Hà Đông hiện có 228/450 hộ chuyên trồng hoa, thu hút 600 lao động tại chỗ và hơn 500 lao động thời vụ từ các tỉnh, thành phía Bắc, khu vực miền Trung vào làm thuê. Chủng loại, màu sắc hoa của làng hoa Hà Đông khá đa dạng và bắt mắt. Ngoài các loại hoa truyền thống, nhiều giống hoa mới có nguồn gốc nước ngoài: Cúc đại đóa, tulip của Hà Lan, hoa hồng của Pháp, địa lan của Mỹ, Nhật… đặc biệt, nhiều giống hoa có giá trị cao như: Lys, lyli, cát tường, hoa hồng, cúc (hơn 30 loài), cẩm chướng, đồng tiền, salem, hồng môn… đang hiện hữu ở làng hoa này.
Hoa sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường Đà Lạt mà còn được tiêu thụ rất mạnh ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Nhờ sản xuất hoa đạt sản lượng cao và được thị trường ưa chuộng, cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở làng hoa này thay đổi vượt bậc: 20% số hộ giàu, gần 80% số hộ có mức thu nhập khá và trung bình.
Làng hoa Hà Đông – làng hoa đầu tiên của Đà Lạt – làng nghề truyền thống với đa dạng các loài hoa từ nhiều địa phương trong nước và từ nhiều nước trên thế giới hội tụ về đã khẳng định “thương hiệu” một làng hoa nổi tiếng trên phố núi; trở thành địa chỉ du lịch văn hoa đối với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Thanh Dương Hồng
Hơn 2/3 thế kỷ hình thành và phát triển, làng hoa Hà Đông có rất nhiều tiền nhân nổi tiếng với những thành tích tiêu biểu trong nghề trồng hoa như cụ Ngô Văn Ất, cụ Nguyễn Hữu Bái cùng với 13 cụ khác được triều đình Huế trước đây đặc cách ban thưởng sắc phong “Tòng cửu phẩm văn giai”… Từ năm 2007 đến nay, có 3 nghệ nhân lần lượt được công nhận: Ông Nguyễn Đình Bộ, ông Nguyễn Văn Đông và nhà vườn Anh Quỳnh. Đặc biệt, năm 2010 làng hoa Hà Đông được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận “Làng nghề truyền thống” của Đà Lạt.
 

Bình luận (0)