Với mong muốn làm cho cuộc sống xung quanh tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, nhiều tập thể, cá nhân đã và đang âm thầm đóng góp cho xã hội. Họ là những hạt giống ươm mầm cho điều tốt đẹp trong cuộc sống…
Các tập thể, cá nhân tiêu biểu giao lưu tại lễ tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả lần 4
Dù hy sinh cũng phải tìm người chết cho người sống
Đó là quan điểm của Thiếu tá Nguyễn Chí Thành – Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an TP.HCM. Tham gia PCCC-CNCH, anh và đồng đội thường xuyên đối diện với nguy cơ như sập đổ công trình cháy; bệnh tật khi lặn mò tìm người mất tích. Với các vụ tìm tang vật vụ án, tai nạn đường thủy, các anh còn phải chui vào những con tàu hay lặn sâu 200m. Đến nay, anh đã tham gia 173 vụ CNCH, cứu sống được 82 nạn nhân và tìm được 27 thi thể.
Đơn cử như vụ tìm kiếm cứu hộ ở tỉnh Cao Bằng. Nạn nhân rơi xuống hang sâu đã 3 năm chỉ còn bộ hài cốt nhưng chưa được đưa lên vì hang vừa nhỏ, vừa sâu, lối xuống dích dắc, xoắn ốc, trơn trượt. Quá trình xuống hang được 5m, 2m rồi 1m, anh liên tục phải dừng lại hít thở sâu lấy can đảm xuống tiếp. Hài cốt bị vùi lấp, anh tiếp tục mất hơn 1 tiếng đồng hồ dùng tay trần bới nhặt từng mẫu xương bỏ vào bọc. Nhặt xong hài cốt cũng vừa lúc hết dưỡng khí dưới hang bắt buộc anh phải thật nhanh leo lên.
“Đây là vụ tìm kiếm hết sức nguy hiểm. Ban chỉ huy đưa ra rất nhiều phương án nhưng phương án nào cũng nguy hiểm cho cán bộ chiến sĩ vì lối xuống hang hiểm trở, đá rơi liên tục. Nếu hang có khí độc hoặc thiếu dưỡng khí cũng ảnh hưởng đến tính mạng người làm nhiệm vụ. Tôi cũng đã rất hồi hộp khi đứng trước miệng hang vì chẳng may có chuyện gì sẽ bỏ lại gia đình, cha mẹ và 2 con nhỏ. Thế nhưng nhìn người nhà nạn nhân đang mong mỏi, hy vọng đã thôi thúc tôi thực hiện nhiệm vụ dù có phải hy sinh”, anh Thành nói.
Hay vụ cứu hộ ở Hà Giang, nạn nhân bị rơi xuống hang hơn 10 ngày, phân hủy nặng, bốc mùi. Khó hơn là hang này chưa người nào xuống, có khả năng rất sâu vì ở cao nguyên đá Đồng Văn có hang sâu tới 300m. Bằng kinh nghiệm và được sự tin tưởng của lãnh đạo, anh Thành đã cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ dù trong quá trình xuống hang đã bị nôn ói liên tục do mùi tử thi.
Anh Thành chia sẻ: “Để trụ được với nghề, ngoài trách nhiệm cần lòng dũng cảm, gan dạ, bản lĩnh đối diện mọi khó khăn, thử thách và hơn hết phải có lòng yêu thương con người. Vụ ở Cao Bằng, nhìn hình ảnh người thân quỳ xuống chắp tay vái lạy khi tôi vừa mang xác nạn nhân leo lên tới miệng hang khiến tôi hết sức xúc động và có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi công việc”.
Mỗi người mỗi công việc, ông Hồ Chí Cường – 70 tuổi (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh) cũng có cách làm đẹp cho đời của riêng mình. Tuyến đường kênh chữ T, đường Tổ 9, rạch Ông Đồ trên địa bàn xã Bình Chánh xanh, sạch đẹp hơn một phần là nhờ những luống hoa tự tay ông trồng. Đặc biệt, suốt 2 năm qua, bằng con xuồng tự trang bị, ông cần mẫn vớt rác trên các dòng kênh dọc những tuyến đường này. Từ chỗ rác tù đọng, nước ô nhiễm hôi thối, nay các dòng kênh đã bớt mùi hôi, sạch rác, nước trong.
“Thấy rác đọng lại lâu quá ảnh hưởng đến môi trường sống nên tôi phải vớt chứ không nghĩ gì đến tiếng tăm hay tiền bạc. Vớt rác để xóm ấp tôi sạch hơn, đẹp hơn và bà con có ý thức không vứt rác bừa bãi nữa”, ông Cường bộc bạch.
Xuyên đêm với các mẫu nghi nhiễm Covid-19
Trong cuộc chiến chống Covid-19 vừa qua, Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là một trong những đơn vị tuyến đầu chung sức, đồng lòng cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Từ đầu mùa dịch, trung bình mỗi ngày đội ngũ ở đây nhận được 50 mẫu xét nghiệm; con số này tăng lên gấp nhiều lần khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Quá trình xét nghiệm trải qua nhiều công đoạn, từ nhận mẫu, nhập chỉ định, tháo đóng gói, vệ sinh, đối chiếu, dán Lab ID, tách chiết, chạy PCR sàng lọc… Theo đó để kịp tiến độ, mọi người thay nhau làm xuyên suốt cả giờ nghỉ trưa, chiều tối đến 21 giờ. Đặc biệt khâu nhận mẫu và PCR phải đảm bảo túc trực 24/24.
Mới đây, TP.HCM đã tổ chức tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả lần 4. Qua 4 lần tổ chức từ năm 2014 đến nay, TP đã tuyên dương 477 tập thể và cá nhân (gồm 109 tập thể và 368 cá nhân). |
Bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn – Trưởng khoa Xét nghiệm – chia sẻ: “Gọi công tác xét nghiệm là công việc thầm lặng cũng đúng vì chúng tôi làm việc trong phòng kín nhưng tập thể luôn mong đóng góp hết mình cho công cuộc phòng chống dịch bệnh của cả nước và TP.HCM. Ngay từ đầu, khoa đã xây dựng và chuẩn hóa quy trình xét nghiệm trong thời gian sớm nhất để khi có dịch bệnh sẽ sẵn sàng ứng phó. Cùng với đó, khoa tiến hành đào tạo nhân viên đạt chuẩn kỹ thuật vì mục tiêu hàng đầu là bảo đảm an toàn cho con người. Nếu chỉ một người bị nhiễm thì cả ê-kíp bị cách ly, cả hệ thống có thể ngừng hoạt động ảnh hưởng chung đến yêu cầu công việc”.
Bác sĩ Mẫn cũng thừa nhận, thời gian đầu nhân viên rất sợ lây bệnh, nhất là khi nhận những mẫu bệnh dương tính. Những thao tác thận trọng tới mức dư thừa và mất thời gian đến 30 phút để nhận mẫu. Cảm thấy không ổn, khoa phải nhanh chóng tập huấn lại cho đội ngũ; đồng thời giải đáp những thắc mắc, tâm tư, đưa ra quy trình chuẩn để nhân viên áp dụng vừa nhanh chóng vừa an toàn.
“Kiến thức, kỹ thuật cao nhưng tinh thần không tốt thì cũng không thể chịu đựng được áp lực công việc cao. Sau khi được tập huấn lại, biết cách phòng vệ cho bản thân thì mọi người đều lăn xả, xông pha thực hiện nhiệm vụ”, bác sĩ Mẫn cho biết.
Nhớ lại những ngày sau Tết Nguyên đán 2020 cùng các nhân viên cấp tốc nhận và làm các mẫu xét nghiệm, bác sĩ Nghiêm Mỹ Ngọc – Phó khoa Xét nghiệm – kể: “Lúc bấy giờ áp lực công việc lớn nhưng các nhân viên đều nỗ lực, làm việc với tinh thần tập trung cao độ, không màng đến thời gian riêng tư hay gia đình. Một số nhân viên làm trực tiếp trong phòng phải đeo khẩu trang N95, mặc đồ bảo hộ trong thời gian 3-4 tiếng rất vất vả nhưng tất cả đều cố gắng trước tinh thần chung tay chống dịch”.
Tính đến nay, Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP – đã tiếp nhận và xử lý khoảng 30.000 mẫu bệnh phẩm. Có lúc chỉ trong 24 giờ, khoa tiếp nhận hơn 3.000 mẫu. Ngoài ra, khoa còn tham gia hướng dẫn đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho nhân viên xét nghiệm của bệnh viện khác ở TP.
Bài, ảnh: Minh Phương
Bình luận (0)