Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lặng lẽ nghề hát bè…

Tạp Chí Giáo Dục

Ca sĩ Hà Linh và nhóm bè Cadilac trong live show Bài hát Việt   

Một ca khúc thành công, người ta chỉ quan tâm đến ca sĩ như: trang phục, phong cách biểu diễn… chứ chẳng mấy ai để ý đến một lực lượng mà công việc của họ đóng góp tuy nhỏ nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là những người hát bè…
Nghề “tôn” giọng hát
Để tôn giọng hát của người ca sĩ lên, bên cạnh các loại nhạc cụ, người ta còn sử dụng đến chính giọng hát của những ca sĩ khác. Đó có thể là những câu hát đệm theo lời ca nhưng cũng có khi chỉ là các âm thanh có nhạc điệu phát ra từ miệng người khác, đấy là công việc của người hát bè. Nếu như trên thế giới, hát bè là một nghề đã có và phát triển từ rất lâu, có những ban nhạc chỉ chuyên đi hát bè cho các ca sĩ, thậm chí những ca sĩ nổi tiếng bao giờ cũng có một ê kíp hát bè riêng cho mình thì ở Việt Nam, công việc này mới chỉ được coi trọng những năm gần đây, khi công việc thu và làm đĩa phát triển nở rộ. Lúc đầu, nó cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi phòng thu, dần dần mới bắt đầu phát triển ra các sân khấu, đầu tiên là các live show lớn được tổ chức quy mô của các ca sĩ tên tuổi, sau đó là những chương trình, cuộc thi mang tính chất “live” như Bài hát Việt, Sao Mai điểm hẹn, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Việt Nam idol… Hiện nay, các ca sĩ thường chọn từ hai đến ba người hoặc một nhóm nhạc để hát bè cho có nhiều màu sắc hơn, giúp giọng ca chính dễ dàng nổi bật. Việc hát bè đòi hỏi những người cùng hát phải cực kỳ “ăn rơ” với nhau, các giọng phải đều, thẳng tắp như một sợi chỉ, không được “lòi” ra một từ nào, nếu không sẽ rất dễ “phô”. Tất cả thống nhất một cách hát, cách lấy hơi, chỗ này sẽ hát thế nào, chỗ kia “xử lý” ra sao cho liền một mạch. Chính vì thế, các ca sĩ thường chọn những nhóm bè “ruột” để làm việc với nhau lâu dài trong phòng thu lẫn trình diễn ngoài sân khấu.
Lặng lẽ phía sau ca sĩ…
Chỉ việc đứng sau và hát theo ca sĩ, điều này khiến một số người nghĩ rằng công việc của người hát bè là đơn giản nhưng trên thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Ngoài việc có giọng còn phải có khả năng “thẩm âm” thật tốt, nghe nhạc cực chuẩn, nhanh nhạy trong khả năng tách bè vì họ đâu được hát những giai điệu đẹp mà chỉ phụ họa cho ca sĩ chính, có những bè phải hát rất “ngang” nên phải tìm cách bè sao cho phù hợp với ca sĩ hát chính. Nhưng không phải ca sĩ chính nào cũng có thời gian để cùng thu với người hát bè, có khi người hát bè được đưa nhạc để thu bè trước, rồi sau đó ca sĩ chính sẽ lựa theo bè để hát vào. Người hát bè phải tự nghe nhạc mà hát, lúc ấy, họ không phụ thuộc vào bè chính, giai điệu chính của bài hát mà hoàn toàn như một nhạc cụ độc lập, tự mình xử lý những tình huống trong ca khúc để hỗ trợ cho ca sĩ một cách hiệu quả nhất. Công việc này đòi hỏi người hát bè phải có kiến thức nhạc lý sâu, rộng vì hầu hết khi nhận một ca khúc, họ phải dựa vào đó sáng tạo ra một cách bè cho mới lạ, hấp dẫn. Nghề này khá vất vả, để hát bè cho một ca khúc thường cần đến cả buổi trong phòng thu, thu nhập lại không phải là cao, từ 1 – 3 triệu đồng cho cả nhóm bè trong một ca khúc, việc cũng không thường xuyên bởi không phải bài hát nào cũng có hát bè, cơ hội xuất hiện trên sân khấu cũng không nhiều, chỉ trong những chương trình được đầu tư kỹ lưỡng, dàn dựng cẩn thận mới có sự góp mặt của những nhóm bè nên lực lượng hát bè chuyên nghiệp khá “mỏng”. Một trong những nhóm nhạc chuyên hát bè rất thành công là Thế hệ mới, họ xuất hiện ngay từ những ngày đầu khi nền công nghiệp thu âm mới phát triển ở Việt Nam, rất ít thấy họ biểu diễn một cách độc lập ngoài sân khấu nhưng Thế hệ mới lại là cái tên thường xuyên trong CD của các ca sĩ nổi tiếng, làm việc trong phòng thu nhiều hơn. Tương tự, nhóm bè Cadilac thời gian qua cũng là sự lựa chọn số một của các ca sĩ trẻ đến “ngôi sao” khi thực hiện album hay live show. Huỳnh Lợi xuất thân là một ca sĩ hát rất tốt nên khi lập nhóm bè mang tên mình đã nhanh chóng tạo được uy tín trong giới ca sĩ lẫn khán giả. Cả ba nhóm bè này có rất nhiều show. Còn những nhóm bè không chuyên hoặc “thường thường bậc trung” thì thỉnh thoảng mới có việc làm nên thu nhập cũng không ổn định.
Họ – những người hát bè cứ lặng lẽ đứng đằng sau ca sĩ, âm thầm góp công sức của mình giúp ca khúc trở nên hay hơn, ca sĩ chính được khán giả ủng hộ nồng nhiệt hơn. Với họ, như thế là đã trọn vẹn một niềm vui khi lựa chọn nghề này.
 
HOÀNG HÀ

Bình luận (0)