Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Lãng mạn Bãi Môn

Tạp Chí Giáo Dục

Bãi Môn phô diễn vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ trước biển bởi dải cát mịn, trải dài, bằng phẳng luôn thì thầm cùng những con sóng trước biển như khúc tình ca. Chính sự dịu dàng của biển xanh, cát trắng, độ dốc và làn nước trong xanh màu đã làm nên một bãi tắm có một không hai của miền Trung.

Có dịp đến đỉnh Đèo Cả (Phú Yên), theo hướng đông khoảng 7 km đến Bãi Môn, du khách sẽ không còn cảm giác mệt mỏi bởi một vùng non xanh nước biếc đẹp, lãng mạn, nơi thơ đẹp như nàng tiên nằm phơi mình trước biển. 
Thú vị hơn, phía tây bãi tắm còn có một con suối nước ngọt, sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và những tán cây rợp mát của khu rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả, chảy ngang qua bãi tắm rồi đổ nước ra biển, dòng nước ngọt nơi đây rất trong và mát, tạo nên phong cảnh kỳ thú hấp dẫn hơn. Ngoài việc đắm mình trong dòng nước biển du khách còn có thể tham gia nhiều trò chơi trên biển.
 Ngay từ sáng sớm, khi các đoàn thuyền đánh cá rẽ sóng bình minh vào bờ, du khách có thể tìm cách liên hệ với họ, mua các loại hải sản còn tươi rói và tự làm những món ăn dân dã mà hấp dẫn. Hơn nữa, nơi thiên nhiên hoang dã này sẽ giúp bạn có những ý tưởng nên thơ, sự táo bạo trong lĩnh vực kinh doanh nhất là du lịch, nuôi trồng thủy sản đối với vùng đất hứa còn nhiều tiềm năng này.
Khi nắng lên, du khách tiếp tục cuộc hành trình lên trạm Hải Đăng – Mũi Đại Lãnh nằm kề bên Bãi Môn với độ cao 700 m để thăm thú cảnh quan. Tại đây, bạn tham quan trạm Hải Đăng, đặc biệt là được lên cầu thang gỗ hình xoắn ốc trên 150 bậc ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp hoặc câu cá, mắc võng bên hàng dương, nghe chim rừng hót ríu rít.
Chiều mát, du khách được ngắm nhìn các thuyền đánh cá bủa vây lưới chủ, một cảnh tượng lạ mắt và kỳ thú khi vòm lưới rộng bất chợt căng phồng lên bởi luồng gió biển… Nếu ở lại qua đêm bạn có thể tham gia trò chơi chạy còng về nấu cháo rồi nhâm nhi với bao câu chuyện về biển.
Sau giấc ngủ ngon trong không gian thơm lừng của biển, nhớ dậy sớm để ngắm nhìn bình minh sớm nhất trên đất nước Việt Nam, tạo cho bạn một cảm giác là lạ như mình đang ở một thế giới mới với bao huyền thoại. Mặt trời mọc lên chầm chậm, đỏ ngòm như hòn lửa soi rọi ánh sáng phản chiếu xuống mặt biển thật kỳ diệu.
Sáng dần lên, bạn sẽ được ngắm nhìn những đoàn thuyền sau một đêm đánh bắt rẽ sóng trở về trong ánh sáng lấp lánh ban mai, hay tận mắt nhìn thấy nhiều loài côn trùng đẹp mắt đang say sưa hút mật loài hoa dại, và không khỏi tặc lưỡi bởi các chú chim chào mào, chim sâu xinh đẹp bất thình lình xuất hiện trước mắt bạn rồi bay đi quẩn quanh đâu đó.
Tuyệt vời nhất là được ngắm nhìn Bãi Môn từ trên cao, dưới ánh nắng chiều soi rõ ngọn sóng xô bờ. Có lẽ trong tâm hồn du khách cảm nhận một chuyến phiêu lưu nơi xứ "Nẫu" thật là khó quên.
Đại Lãnh, Bãi Môn, Đá Bia ba danh thắng quốc gia
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng hai danh lam thắng cảnh mũi Đại Lãnh – Bãi Môn và núi Đá Bia ở Phú Yên là danh thắng cấp quốc gia.
Mũi Đại Lãnh – Bãi Môn thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, là nơi vươn ra của dãy núi Đại Lãnh kết hợp với ngọn hải đăng – một công trình kiến trúc do bàn tay con người xây dựng, có tiềm năng phát triển du lịch.
Núi Đá Bia thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, là một danh thắng có hệ sinh thái đẹp, cùng với dãy núi Đại Lãnh, đèo Cả tạo nên một quần thể cảnh quan tự nhiên đặc trưng, thiên nhiên hùng vĩ. Hai danh thắng này gắn với những truyền thuyết lịch sử, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Tính đến nay, Phú Yên có 17 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được công nhận cấp quốc gia.
Theo Báo Đất mũi 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)