Với 16000 km đường bờ biển, 1400 hòn đảo cát trắng, những cánh đồng hoa dại, những hang động đủ hình dáng… – những nét đẹp của tạo hoá mà sự giới hạn của ngôn từ không thể miêu tả hết, Hy Lạp có thể làm hài lòng bất kì du khách nào khó tính nhất trong việc lựa chọn điểm đến cho một kì nghỉ lãng mạn.
Năm 2006, Hy Lạp có 404 bờ biển và 5 bến thuyền được giải Cờ Xanh (Blue Flag) của châu Âu dành cho những bãi biển sạch đẹp và an toàn. Với mạng lưới giao thông thuận tiện đến hầu hết các đảo, Hy Lạp khiến các nước khác phải ganh tị vì số lượng dư thừa “thiên đường tìm thấy”, ai cũng có thể tự do tận hưởng mà không sợ phải cạnh tranh với bất kì đám đông du khách nào.
Bầu trời đầy nắng và những bờ biển cát trắng ấy đã đem lại tiếng tăm lâu năm cho ngành du lịch Hy Lạp nhưng gần đây, quốc gia này đang chuyển trọng tâm sang hướng khác. Thông điệp từ Bộ trưởng Bộ Du lịch Fani Palli – Petralia nhấn mạnh, Hy Lạp vẫn còn nhiều tiềm năng khác ít người biết, chẳng hạn như những làng nghề truyền thống phía Bắc, những con sông, những cánh đồng quanh vùng Yiannena phía Tây, những suối nước nóng tại các vùng xa xôi của đất nước. Du lịch Hy Lạp vẫn còn đang chuyển mình…
Một người bạn Hy Lạp bảo với tôi, hãy ngồi vào một quán nhỏ ở bất kì hòn đảo nào tại đây, ăn hải sản của vùng biển Địa Trung Hải kèm với phô mai, nhắm một chút rượu vang. Sau đó về nhà, cho dù có nấu lại đúng như vậy, chắc chắn bạn cũng không thể nào hương vị như thế. Có thể đó là bí mật của công thức nấu ăn với thực phẩm tươi, các loại dược thảo đậm đà như cây bạc hà, cỏ xạ hương, đặc biệt là dầu ôliu. Nhưng, đó cũng có thể là do không gian, do khung cảnh khi ăn chỉ có thể tìm thấy ở Hy Lạp, không thể lặp lại.
Trước khi đến Hy Lạp – một quốc gia có lịch sử từ gần 5000 năm, thịnh vượng và có nền văn minh dân chủ sớm hơn những nước khác, tôi nghĩ chuyến đi sẽ giống như một buổi học về lịch sử thế giới cổ đại. Quả vậy, Hy Lạp là mảnh đất của khảo cổ học với 17 di tích được xếp loại di sản văn hóa thế giới, trong đó có những cái tên rất quen thuộc như Delphi, Olympia, Acropolis với đền Panthenon…Phần lớn các di tích nằm ở vùng Peloponnese, trong số đó có những công trình cổ đại ngày nay vẫn còn được sử dụng như nhà hát Argos (tên con trai của thần Zeus và thần Niobe).
Thế nhưng tôi không chuẩn bị tinh thần cho một Hy Lạp hôm nay nhộn nhịp với những party và tưng bừng với các lễ hội, một Hy Lạp kế thừa truyền thống của thần rượu Dionysos. Có thể kể đến một số lễ hội đặc biệt như Gynaikokratia vào ngày 8 tháng 1 hằng năm – ngày “đổi vai trò” trong gia đình tại các làng ở phía Bắc Hy Lạp. Chị em phụ nữ được dành cả ngày tiệc tùng, vào quán café, các trung tâm vui chơi nơi phái nam thường tụ tập, trong khi đàn ông ở nhà rửa chén nấu cơm. Rồi lễ Phục sinh khi mà cả Hy Lạp chìm trong ánh nến và pháo hoa. Rồi vô số những lễ hội mùa hè, nổi tiếng nhất là Hellenic với đặc trưng là những vở nhạc kịch tổ chức tại các nhà hát có từ thời cổ đại.
Ở một đất nước mà những ngày nắng chiếm gần trọn thời gian của một năm này, người dân Hy Lạp mỗi bình minh lại chờ đợi thần mặt trời Helios đánh chiếc xe ngựa vàng từ thiên đường đi ngang qua những phố phường nhộn nhịp, cho đến khi chạm vào chân trời và chìm xuống đại dương. Ở nơi ấy, sóng biển Địa Trung Hải ngày ngày kể nhau nghe những câu chuyện thần thoại dưới nắng…
Thanh Nga / Phụ Nữ
Bình luận (0)