Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Làng nghề cần hỗ trợ tìm thị trường

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân đang hoạt động cầm chừng tại xưởng sản xuất mây tre đan xã Phú Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội – ảnh: Thoa Nguyễn

Trao đổi với TBKTSG Online về chính sách hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn nói rằng để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, các làng nghề cần được hỗ trợ khai thông thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Theo ông, vấn đề khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp làng nghề là gì?

Ông Vũ Quốc Tuấn: Vấn đề khó khăn và trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp làng nghề hiện nay là thị trường thay vì nguồn vốn như trước đây. Bởi ở nhiều làng nghề, sản phẩm làm ra từ giữa năm 2008 đến nay vẫn chưa bán được. Nhiều lô hàng ở một số làng nghề như ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội) vẫn đang tồn kho. Hàng cũ chưa bán được, hợp đồng mới năm 2009 chỉ có khoảng 50 – 60% so với năm ngoái nên nhiều hộ kinh doanh chưa dám vay vốn. Không có thị trường thì rất khó cho vấn đề khuyến khích các hộ kinh doanh vay vốn, tái sản xuất.

Vậy theo ông, ngoài hỗ trợ về bù lãi suất vốn vay, các doanh nghiệp làng nghề cần thêm sự hỗ trợ nào nữa?

Các hiệp hội cơ sở đã và sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh ở làng nghề với các ngân hàng. Tuy nhiên, cần thiết có sự tham gia của chính quyền cấp tỉnh, thành và các sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành. Bởi đây là nơi có thể nắm được rõ nhất tình hình của từng doanh nghiệp, từng làng nghề, những ai, doanh nghiệp làng nghề nào cần hỗ trợ để đề xuất với ngân hàng.

Ông có những đề xuất gì để doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở làng nghề nằm trong chính sách được hỗ trợ thực sự được hưởng hỗ trợ từ chính sách trên?

Các doanh nghiệp làng nghề, nhất là các hộ kinh doanh ở làng nghề rất hạn chế về trình độ. Ngành ngân hàng nên thể theo thực tế để giảm bớt mức độ những yêu cầu thủ tục hành chính và yêu cầu về khả năng sinh lời.

Tôi đề nghị giảm bớt mức độ yêu cầu, xóa bỏ các thủ tục phiền hà chứ không phải coi nhẹ, bỏ qua những yêu cầu này. Một số chi nhánh ngân hàng đã chủ động gặp doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lập phương án sản xuất và tiếp cận vốn tín dụng. Tôi nghĩ các ngân hàng nên mở rộng cách làm trên.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng nên có biện pháp xử lý các khoản nợ cũ mà các doanh nghiệp đã vay với lãi suất cao trước đây. Theo quy định của chính sách hỗ trợ lãi suất hiện hành, nếu các doanh nghiệp chưa trả hết nợ cũ sẽ không được vay nợ mới với lãi suất được hỗ trợ. Nhưng các doanh nghiệp khó có thể trả được nợ cũ; ngân hàng có thể khoanh số nợ này lại, hoặc giảm lãi suất.

Hiện tại, được hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn là niềm vui cho các doanh nghiệp, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn không dám vay bởi đầu ra cho sản phẩm không có, hàng làm ra không bán được. Vì vậy, các ngành chức năng cần quan tâm việc khai thông thị trường cho doanh nghiệp làng nghề, nhất là thị trường trong nước.

Chúng tôi mong muốn chính sách kích cầu của Chính phủ sẽ quan tâm tới cả việc tăng "sức mua có khả năng thanh toán" của dân bằng các biện pháp tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho dân, nhất là ở nông thôn. Và tạo việc làm thì có nhiều cách, trong đó có việc tăng đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Nếu được hỗ trợ kịp thời thì ngoài việc đảm bảo việc làm cho hơn 5 triệu lao động trong làng nghề, các doanh nghiệp còn có thể đón nhận và tạo việc làm cho nhiều lao động bị mất việc ở các khu công nghiệp hay các doanh nghiệp khác.

THOA NGUYỄN (TBKTSG)

 

Bình luận (0)