Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Làng nghề đúc đồng Đại Bái: Tiêu điều vì thiếu điện

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hàng nghìn chiếc máy  đắp chiếu, mạng nhện giăng đầy, hàng trăm hợp đồng “bể” theo lịch cắt điện “2 ngày ngắt, một ngày đóng” của chi nhánh điện lực sở tại.

Làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh) có 184 hộ, trong đó 68 hộ sản xuất lớn, doanh thu hằng năm trên 60 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động. Hai tháng nay, điện liên tục bị cắt khiến không khí sản xuất ở làng nghề trở nên tiêu điều, công nhân bỏ đi, các hợp đồng lớn nhỏ gần như đổ bể.
Xoay kiểu gì cũng “chết”
Sau những lần họp lên họp xuống cùng chính quyền, chi nhánh điện lực sở tại, nhiều người vẫn đặt niềm tin điện sẽ phát bình thường, để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, họ càng chờ lại càng thất vọng. Bởi lịch cắt điện “2 ngày ngắt, một ngày đóng” đã ấn định luôn trong vài tháng. Nhiều hộ gắng níu chân thợ bằng cách bỏ tiền túi chi trả tiền sinh hoạt, tiền lương cho thợ ăn nghỉ… chờ điện.
Ông Phạm Văn Khu, chủ doanh nghiệp Vạn Khánh buồn bã: “Điện cúp nhiều quá, công nhân không có việc làm, bỏ đi hết. Để giữ thợ, chúng tôi phải trả lương đều đặn, dù thợ không làm việc. Hơn hai tháng nay, doanh số của doanh nghiệp tôi giảm đến 90%. Chúng tôi đang phải chấp nhận bù lỗ, cố bám được ngày nào thì bám, để chờ điện. Nhưng nếu tình hình không cải thiện, hàng chục hộ ở làng nghề này đến nước phá sản. Lấy đâu tiền trả lãi ngân hàng, trả lương công nhân”.

Thiếu điện, không khí làng nghề tiêu điều, máy móc chỏng chơ (Ảnh: Đoàn Tân)
Cùng cảnh ngộ, xưởng sản xuất của anh Cương phải đóng cửa gần 2 tháng nay. 10 người thợ thì hơn một nửa đã bỏ đi, số còn lại ăn không nằm chờ. Sản xuất đình trệ, công nhân bỏ đi, hợp đồng đổ bể, nhưng mỗi ngày anh phải chi trên dưới 10 triệu đồng để giữ người, giữ nghề.
Còn anh Hoàng Trí Chung, công nhân làm việc tại doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng than: “Mất điện, không có việc làm, thu nhập kém, hằng đêm phải đi soi cua, ếch bán để có thêm thu nhập”.
Quá nhiều hợp đồng bị hủy, nhiều hộ chấp nhận đầu tư máy phát điện công suất lớn. Nhưng điện năng từ máy phát lại không đảm bảo công suất sản xuất. Anh Cương cho hay: “Đầu tư máy phát đã tốn kém, điện lại không đủ cho sản xuất, mỗi ngày tốn 300.000 đồng tiền dầu nhưng cũng chỉ đủ cho sinh hoạt. Xoay kiểu gì cũng chết. Doanh nghiệp nào đầu tư càng lớn, chịu lỗ càng lớn và càng nhanh đến bờ vực phá sản”.
Lỗi tại… máy tính
Các bảng thông báo cắt điện mà ông Nguyễn Huy Mạnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Điện lực huyện Gia Bình đưa đến hộ sản xuất không hề có con dấu, chữ ký. Còn trong lịch cắt điện các hộ sản xuất tại xóm Trại và xóm Ngoài của  thôn Đại Bái, có 30% số hộ được ưu tiên ngày cắt ngày đóng,  nhưng 70% còn lại theo lịch “2 ngày cắt, 1 ngày đóng”. Những điều không bình thường này đã gây tâm lý bức xúc cho người dân trong thôn.
Ông Mạnh thừa nhận việc làm không bình thường từ lịch cắt điện, và cho biết lỗi do đánh máy. Ông Mạnh hứa: “Lỗi tại máy tính. Chúng tôi đã sửa lại bản thông báo này và sẽ sớm gửi lại các hộ sản xuất”, trong khi thời gian phát lịch này đến các hộ đã hơn một tháng qua.
Ông Lại Đắc Bình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Ninh lại đổ lỗi cho các doanh nghiệp  tập trung quá nhiều trong làng nghề. Đường dây và các trạm biến áp không đủ để cung cấp điện, nên mới dẫn đến tình trạng thiếu điện. Ông Bình cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, chỉ còn cách các hộ dân đóng góp kinh phí, để ngành điện đầu tư thêm trạm biến áp, đầu tư thêm đường dây truyền tải, vì nhu cầu sản xuất làng nghề quá lớn, lượng điện hiện nay không thể đáp ứng nổi.

Theo Đoàn Tân
Đất Việt

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)