Người làng tiếp sức mùa thi bằng những phòng trọ miễn phí, những bữa cơm thấm đậm tình người vì hơn hết, những mệ, những mẹ hiểu rằng: trong nhà có con đi thi cha mẹ chúng ngồi trên đống lửa!
Tiếp sức cho các sĩ tử trong mùa khoa cử không chỉ có ở trung tâm thành phố mà còn ở những làng ven đô như làng Hương Chữ (Hương Trà), làng Phú Mỹ, làng Phú Dương (Phú Vang)… của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Nằm giáp danh với thành phố Huế về phía Bắc với 2 trường được chọn làm địa điểm thi là trường THPT Đặng Huy Trứ và trường Tiểu học Hương Chữ, làng quê Hương Chữ mấy hôm nay tấp nập người dân từ phương xa đổ về.
Từ nơi xa về, các thí sinh bớt bỡ ngỡ khi luôn có các TNV tươi cười tư vấn nhiệt tình.
Chiếc xe ôm chở hai bố con ông Lê Công Kỷ (55 tuổi) và em Lê Thị Thảo (Quảng Ninh- Quảng Bình) đỗ ngay trước cổng trường Tiểu học Hương Chữ, những tình nguyện viên (TNV) kiêm xe ôm, kiêm hướng dẫn viên nhanh chân đưa 2 bố con đến nhà chị Hà Thị Hằng Nga sắp xếp chỗ ở.
Nhà chị Nga có 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ, chị thu xếp phòng cho 2 con, rồi đưa Thảo vào ở phòng trong. Chị cho biết : “Thảo là con gái, cho em nó ở phòng trong cho tiện, nếu có thí sinh nam, chị cho ở gác trên”. Xong xuôi đâu đó, anh Ngọc chồng chị Nga chở vợ đi chợ mua thức ăn về nhà tiếp thêm dinh dưỡng cho thí sinh.
Không khí bữa cơm gia đình làm ấm lòng các sĩ tử.
Anh Lê Đông, bí thư xã Đoàn Hương Chữ cho biết: qua khảo sát có khoảng 450 chỗ ở miễn phí cho người nhà và thí sinh. Bình quân mỗi gia đình nhận từ 5-7 người. Chỗ ở mà xã Đoàn lựa chọn phải có điều kiện giúp các thí sinh thấy thoải mái để ôn tập.
Đội TNV của Hương Chữ có khoảng 35 người, chủ yếu là đoàn viên cơ sở trong đó có những TNV ở các làng chủ yếu làm thợ, làm nghề trong làng. Anh Lê Tin (làm thợ cắt tóc tại chợ La Chữ đã nghỉ làm mấy hôm nay để tham gia tiếp sức mùa thi ở đội 2 Hương Chữ) cho biết: “ Mỗi năm chỉ một mùa tuyển sinh nên mình cũng nghĩ làm vài ngày, tranh thủ giúp được ai thì giúp”.
Đối với các thí sinh không biết đường đi lại, TNV còn kiêm luôn "xe đạp ôm".
Mới ngày đầu tuyển sinh, anh Tin đã làm hàng chục cuốc xe ôm miễn phí cho các bạn thí sinh phương xa. Thí sinh Trần Đình Tĩnh (Hà Tĩnh) thi lần 2 vào trường Đại học Nông Lâm cho biết: “Em chưa biết địa điểm thi nên khi mấy bác xe thồ chở đến đầu làng, thấy cũng lo sợ không có TNV, nhưng khi mấy anh chị đưa đến nhà người dân để ở trọ thì em hoàn toàn yên tâm. Người dân ở đây rất nhiệt tình”.
Mỗi gia đình cho ở miễn phí đều chuẩn bị mùng, mền, chiếu gối để thí sinh có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng. Mệ Hà Thị Chắt (cụm 3 La Chữ) – cán bộ hưu trí của xã Hương Chữ tâm sự: “Cháu chắt mình ở răng, thì cho con cái của họ ở rứa chứ không đối xử khác đâu. Nhà mệ ở chừng 10 người, nếu đông quá, mệ đưa qua nhà con trai út, qua nhà hàng xóm, ở đây ai ai cũng rộng cửa đón thí sinh cả. Con ai cũng như cháu mình cả mà”.
2 hôm nay, sáng nào mệ Hoàng Thị Nghệ (76 tuổi, thôn Dưỡng Mông, Phú Mỹ) cũng đi chợ từ 7h sáng, để mua rau, cá thịt phục vụ thí sinh. Mệ Nghệ cho biết: “Làng tui không có quán cơm bụi, sợ mấy cháu mất công đạp xe 4, 5 cây số để ăn cơm, tui đã đi chợ, nấu cho mấy cháu ăn chung với gia đình luôn”.
Mệ Nghệ chuẩn bị bữa ăn cho các sĩ tử ở tỏng nhà.
Bữa cơm thịnh soạn dọn ra với đầy đủ cá, thịt, rau. buổi chiều lại thêm món chè đậu xanh, đậu đỏ nữa vậy mà mỗi ngày mệ chỉ thu của thí sinh 20.000đ cho 3 buổi ăn: trưa, chiều, tối. Thí sinh Lê Viết Bình (ở Nghĩa Thành, Quảng Ngãi) đã ăn cơm 3 buổi đều tấm tắc khen ngon. Bình cho biết: “Nếu mà mệ không nấu, chắc tụi em không biết ăn ở mô luôn. Mệ nấu ngon lắm”.
Ở làng, người dân thường giao nhà cho các sĩ tử, tự do học hành, tự do sinh hoạt. Bác Hà Văn Dũng (cụm 5, Hương Chữ), người 3 năm liền tiếp sức mùa thi, cho biết: phải tạo tâm lý thoải mái cho các cháu thì tụi nó mới học hành đuợc. Chứ nó muốn coi ti-vi để giải trí, mình cấm tụi nó, thì làm sao nó học đuợc. Học hành căng thẳng, mệt mỏi lắm chứ”.
Để các thí sinh ở nhà mình thật thoải mái, bác Dũng đã mua 8 cái bóng đèn, trang bị khắp nhà, mỗi góc còn có thên cái bàn con, ngồi ở đâu trong nhà cũng học được. Với nhiệt tình đó, năm ngoái 3 thí sinh ở nhà bác đã đậu đại học Huế, thỉnh thoảng ghé nhà bác chơi, còn gọi bác bằng bố.
Bác Dũng cười vang: “Tụi nó tội lắm, quê ở Hà Tĩnh, Thanh Hoá, mỗi lần mưa lụt, mấy phụ huynh ngoài quê còn gọi điện thoại vô hỏi thăm nhà tui nữa. Ở đời như rứa có chi sướng bằng nữa hả cô”.
Hoàng Thùy (dan tri)
Bình luận (0)