Những năm gần đây, mặc dù ngành y tế các địa phương được đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất và được tạo điều kiện để thu hút bác sĩ giỏi, nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô về các bệnh viện ở các TP lớn để khám chữa bệnh.
Bên cạnh hậu quả tang thương, vụ tai nạn giao thông tại địa bàn H.Núi Thành, Quảng Nam giữa xe container và xe 16 chỗ chở khách ở Quảng Ngãi ra Đà Nẵng khám chữa bệnh (KCB) khiến 10 người tử vong, 11 người bị thương vào ngày 14.2 vừa qua đã cho thấy một nghịch lý tồn tại đã lâu nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Hậu quả của nghịch lý này không chỉ gây quá tải cho các bệnh viện (BV) lớn, tốn kém chi phí đi lại của người dân mà còn làm lãng phí các cơ sở y tế tuyến cơ sở.
Người bệnh đến chờ đăng ký khám bệnh tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi (ảnh chụp lúc 15 giờ 50 ngày 20.2.2023). HẢI PHONG
Đi khám lúc nửa đêm
Để tìm hiểu nguyên nhân người dân Quảng Ngãi thường ra Đà Nẵng KCB dù trên địa bàn tỉnh này không thiếu BV, 2 giờ 30 sáng một ngày cuối tháng 2.2023, PV Thanh Niên lên một chuyến xe chuyên chở người từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng để KCB. Trên chuyến xe ấy, có rất nhiều người còn có mặt tại nhà xe sớm hơn chúng tôi.
Anh Q., cán bộ một xã miền núi của H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), nói anh phải dậy lúc nửa đêm, chạy xe máy chừng 15 km đến điểm hẹn với nhà xe. Anh Q. cho biết anh bị hơi khó thở vùng cổ, khó ngủ nên ra BV đa khoa (BVĐK) Đà Nẵng khám. Hỏi sao không khám ở Quảng Ngãi, anh Q. bảo ra Đà Nẵng "chắc hơn, dễ ra bệnh hơn". Anh còn kể có lần khám ở một BV tại Quảng Ngãi, các bác sĩ (BS) bảo phải can thiệp mạch vành nhưng khi ra BVĐK Quốc tế Huế, BS bảo anh chỉ bị hở van tim, không vấn đề gì. "Uống thuốc xong, nhiều năm nay thấy sức khỏe bình thường", anh Q. nói. Rồi mỗi người góp mỗi chuyện rằng khám ở các cơ sở y tế ở Quảng Ngãi thì không ra bệnh hoặc chẩn đoán sai nên ra Đà Nẵng khám cho yên tâm.
Nhà xe hôm đó có 2 chiếc xe 29 chỗ chở người đi khám bệnh ở Đà Nẵng. Chủ xe tư vấn luôn cho từng người, khám bệnh gì thì nên đến BV nào. Khi đến Đà Nẵng khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, 2 chiếc xe chia nhau chở người bệnh đến các BV họ cần khám như: Đa khoa, Sản Nhi, Ung bướu, Quân y… Lúc 6 giờ 30, xe chở chúng tôi đến BVĐK Đà Nẵng. Ở phòng khám đang có cả trăm người, trong đó hơn một nửa nói giọng Quảng Ngãi, còn lại là Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum và Bình Định. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết nhiều người chỉ đi khám bệnh thông thường, kiểm tra sức khỏe vì họ cho rằng ở đây khám nhanh, còn ở địa phương mất thời gian hơn, nhiều loại thuốc có khi không có để mua. Đó là chưa kể chỉ đi đến cửa BVĐK Đà Nẵng đã có nhân viên hướng dẫn bốc số, đi lại khám ở các phòng… với thái độ hòa nhã, thậm chí còn ưu tiên khám bệnh và cấp đơn thuốc cho người Quảng Ngãi trước để họ không trễ chuyến xe về trong ngày.
Theo một chủ xe chuyên chở người đi khám bệnh ở Đà Nẵng, những người ở vùng miền núi xa như Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà hay TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi), muốn đi khám bệnh phải thức từ nửa đêm. Địa phương có nhiều xe chở người đi khám bệnh nhất là H.Bình Sơn với 6 chiếc, trong đó loại 29 chỗ có 2 xe, 4 xe dưới 50 chỗ ngồi. Tính cả tỉnh Quảng Ngãi, có trên dưới 30 xe loại này. Ngoài ra, xe hợp đồng, xe xen ghép… cũng có cả chục xe mỗi ngày nối nhau ra Đà Nẵng.
Không chỉ ở Quảng Ngãi, tình trạng người dân không tín nhiệm BV ở địa phương đang rất phổ biến ở nhiều tỉnh khác. Lập gia đình đã hơn 4 năm nhưng vẫn chưa có con, giữa tháng 2 vừa qua, vợ chồng anh N.Đ.Q (30 tuổi, trú P.Trường Chinh, TP.Kon Tum) đến khám tại BVĐK tỉnh Kon Tum. Thế nhưng BV chỉ nhận khám cho người vợ, còn chồng thì được nhân viên y tế giới thiệu vào các BV lớn ở TP.HCM với lý do ở Kon Tum chưa có máy xét nghiệm tinh dịch. Còn tại Phú Yên, mặc dù ở tỉnh này có khá nhiều BV tuyến tỉnh như: BVĐK tỉnh, Mắt, Sản Nhi, Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền, Da liễu… nhưng nhiều người dân vẫn đi vào các BV lớn ở TP.HCM hoặc ra Đà Nẵng, Huế để KCB.
Chưa tạo sự yên tâm cho người bệnh
Giải thích về tình trạng nói trên, BS Huỳnh Thị Thuận, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đó là do nhu cầu KCB ngày càng cao nên nhiều người chọn đi lên tuyến trên; nhưng cũng phải thừa nhận người dân Quảng Ngãi còn chưa tin tưởng vào năng lực của BS ở đây. Một nguyên nhân nữa là do các BV ở Quảng Ngãi còn thiếu trang thiết bị y tế hiện đại, các thiết bị đang sử dụng thì đã lâu năm nên bắt đầu hư hỏng, chập chờn.
Bình Định có BV Da liễu T.Ư Quy Hòa, BV Ký sinh trùng Quy Nhơn (đều thuộc Bộ Y tế), BVĐK tỉnh, BV Bình Định cùng các BV tư nhân khác được đầu tư bài bản, hiện đại nên đã đáp ứng được phần nào nhu cầu KCB cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, BVĐK tỉnh Bình Định đã ký kết hợp tác với các BV hàng đầu ở TP.HCM, Hà Nội để thực hiện chuyển giao kỹ thuật điều trị mới, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ y BS trong công tác KCB… Tuy nhiên, nhiều người ở tỉnh Bình Định vẫn chọn đến KCB tại một số BV lớn tại TP.HCM, Hà Nội…
Nhiều người từ Quảng Ngãi, Quảng Nam đến đăng ký khám bệnh ở BVĐK Đà Nẵng. PHẠM ANH
Nhiều người cho rằng dù được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ BS giỏi nhưng các cơ sở y tế ở Bình Định chưa thực sự tạo được sự yên tâm cho người bệnh trong công tác khám, điều trị các bệnh hiểm nghèo, các bệnh yêu cầu kỹ thuật điều trị cao… Đặc biệt, tỉnh Bình Định có sự giao thương rất lớn với TP.HCM (có tới gần 300.000 người Bình Định đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM) nên nhiều BS là con em của tỉnh này đến TP.HCM để làm việc, kéo theo nhiều người dân cũng chọn các BV lớn ở đây để KCB.
Chất lượng cần đồng đều giữa các tỉnh, thành Trước thực tế nhiều người bệnh từ các tỉnh đến TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế KCB, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), cùng với việc các địa phương cần có chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ thu hút BS giỏi yên tâm công tác, Bộ Y tế luôn có các hoạt động nâng cao chất lượng nhân lực, trình độ chuyên môn của các BS tuyến tỉnh. Từ nhiều năm qua, các BV tuyến T.Ư đều duy trì rất hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến tỉnh đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn. Nhiều kỹ thuật cao như can thiệp mạch trong điều trị bệnh lý tim mạch, mổ sọ não, mổ cột sống… đã được thực hiện tại tuyến tỉnh. Ngoài ra, Bộ Y tế có chương trình đưa BS về công tác tại vùng khó khăn, thiết lập mạng lưới KCB từ xa. Các BV đầu ngành như K, Bạch Mai, Việt Đức, Nhi, E đều có hệ thống tư vấn, hội chẩn từ xa. Qua đó, rất nhiều ca bệnh khó đều được chuyên gia đầu ngành tham gia hội chẩn, đưa ra chỉ định phác đồ điều trị. Từ năm 2021, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai nền tảng y tế từ xa kết nối 1.000 BV, đến nay đã đạt 2.000 BV tham gia mạng lưới này. Theo TS Phạm Văn Tác, Giám đốc Dự án thí điểm BS trẻ tình nguyện về vùng khó khăn (Dự án 585), từ năm 2015 đến nay đã có 504 BS thuộc 121 huyện khó khăn, biên giới, biển đảo của 34 tỉnh. Các BS được đào tạo chuyên khoa cấp 1 các chuyên ngành và về công tác theo nhu cầu từ địa phương đề xuất. Dự án 585 đã tuyển dụng, tổ chức đào tạo và bàn giao 15 khóa đào tạo BS chuyên khoa cấp 1 thuộc 11 chuyên ngành tại 3 trường gồm: Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) và Trường ĐH Y Dược Hải Phòng cho 354 BS tình nguyện. Kết quả cho thấy các BS thực hiện được hầu hết các kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật nơi họ về công tác. Hàng chục nghìn lượt KCB và rất nhiều ca mổ khó được các "BS 585" thực hiện đã giúp nhiều người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên. TS Tác đánh giá để người bệnh không phải đi xa KCB mà yên tâm điều trị ngay tại quê nhà, yếu tố quan trọng là nâng cao chất lượng nhân lực cho y tế địa phương, kết hợp cùng chính sách đãi ngộ thỏa đáng giúp các BS giỏi yên tâm công tác. Liên Châu |
Tại Kon Tum, BS Võ Văn Thiện, Giám đốc BVĐK tỉnh, cũng thừa nhận việc người dân đến KCB tại các BV lớn là không thể tránh khỏi. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nhân lực, trang thiết bị, trình độ chuyên môn của đội ngũ y BS tại địa phương còn hạn chế, chưa tạo sự yên tâm cho người dân. Theo BS Thiện, một số bệnh nhân muốn lựa chọn BS giỏi, chuyên môn sâu mà BVĐK tỉnh Kon Tum chưa có thì dĩ nhiên họ sẽ chọn đến những BV có BS giỏi hơn.
"Ví dụ như chuyên khoa về tim mạch can thiệp, họ muốn đến các BV lớn để chụp động mạch vành, trong khi đó BVĐK tỉnh Kon Tum không có điều kiện để chụp động mạch vành", BS Thiện nói.
Tương tự, các cơ sở y tế công lập của Gia Lai hiện cũng đang thiếu các khoa chuyên sâu và nhiều trang thiết bị giúp chẩn đoán bệnh có tính chính xác cao. Bên cạnh đó, một phần còn do cơ sở vật chất xuống cấp dẫn đến thực trạng mỗi năm, hàng ngàn lượt người dân ở Gia Lai đã tìm đến các trung tâm y khoa lớn của cả nước như Huế, TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… để KCB. (còn tiếp)
Theo TNO
Bình luận (0)