Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Phải đầu tư đồng bộ, gầy dựng được niềm tin

Tạp Chí Giáo Dục

Từ những năm 2000, các bệnh viện tuyến T.Ư, đặc biệt là các bệnh viện lớn tại TP.HCM đã luôn quá tải. Việc một giường bệnh có 2 – 3 bệnh nhân trở thành chuyện… bình thường.

Lãng phí y tế tuyến cơ sở

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Có tâm lý chưa tin tưởng tuyến dưới

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Bao giờ bệnh nhân bớt khổ?

Bệnh nhân (BN) ở các tỉnh dồn về TP.HCM khám chữa bệnh (KCB) càng đông từ khi luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực trong năm 2008 giúp BN có nhiều quyền lợi hơn. Cùng với đó, điều kiện giao thông thuận lợi cũng là yếu tố khiến BN đến các TP lớn KCB ngày càng gia tăng.

Những đề án giảm tải

Chính vì vậy, ngày 26.5.2008, Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó là ông Nguyễn Quốc Triệu đã ký Quyết định số 1816 phê duyệt đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện (BV) tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB" (còn gọi là Đề án 1816).

Việc phê quyệt Đề án 1816 được lý giải là do tác động của cơ chế thị trường và biến động về mặt tổ chức của y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến huyện, cùng với chất lượng hoạt động của y tế cơ sở sa sút, tình trạng BN bỏ qua tuyến dưới dồn về tuyến trên gây quá tải đối với các BV tuyến T.Ư và BV tuyến tỉnh là khá phổ biến. Vấn đề 2 – 3 BN nằm chung một giường xảy ra ở nhiều BV.

Đề án 1816 nêu ra 3 mục tiêu lớn: Nâng cao chất lượng KCB của BV tuyến dưới, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các BV tuyến trên, đặc biệt là các BV tuyến T.Ư; và Chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Phải đầu tư đồng bộ, gầy dựng được niềm tin - Ảnh 1.

Một số BN vừa xuống xe trung chuyển bước vội vào BV Chợ Rẫy khám bệnh lúc rạng sáng

Đến ngày 11.3.2013, Đề án 1816 được nâng tầm khi Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó Nguyễn Thị Kim Tiến ký Quyết định số 774 về việc phê duyệt Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020 nhằm giúp nâng cao năng lực KCB cho các BV vệ tinh thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế. Giúp người dân được KCB chất lượng cao tại các BV vệ tinh, không phải lên tuyến trên. Đề án BV vệ tinh ưu tiên 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi…

Cần đổi thay thực chất

Sau một thời gian những đề án nói trên được triển khai, PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, nhìn nhận trong lĩnh vực nhi khoa, các BV tuyến tỉnh đã học được nhiều kỹ thuật cao do tuyến trên chuyển giao như ECMO, thở máy, lọc máu… giúp cứu sống nhiều BN. Tuy nhiên, với một số bệnh lý phức tạp thì các tỉnh vẫn phải chuyển lên TP.HCM.

"Hiện về kỹ thuật nhi khoa, TP.HCM 10 phần thì các tỉnh đã làm được bằng 7, 8 phần, thậm chí bằng 10, như BV đa khoa Đồng Nai, Nhi đồng Đồng Nai", PGS-TS Thanh Hùng cho hay. Tuy nhiên, theo ông, tình trạng hiện nay là dù BV tỉnh có phát triển cách mấy đi nữa thì BN vẫn không thật sự tin tưởng mà chỉ thích BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố ở TP.HCM vì thói quen, sự tin tưởng từ trước đến giờ, và vì họ có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Bên cạnh đó còn có sự phát triển không đồng đều các chuyên khoa trong cùng một BV, có tỉnh phát triển sản khoa mạnh, có tỉnh phát triển nhi khoa mạnh… Do đó, PGS-TS Thanh Hùng cho rằng cần có sự quan tâm, đầu tư về con người và các BV tuyến trên vẫn tiếp tục chuyển giao kỹ thuật để BV tuyến dưới phát triển đồng đều hơn.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, cho biết thêm việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, chẳng hạn như đặt stent, thay khớp, ECMO…, đã có hiệu quả nhưng chưa đi sâu. Theo bác sĩ Việt, chuyển giao kỹ thuật là phải theo mô hình bệnh tật của địa phương. Thứ nhất, các bệnh cần cấp cứu thì ưu tiên chuyển giao. Thứ hai, bệnh nào chiếm tỷ lệ cao ở địa phương thì chuyển giao trước, song song đó phát triển kỹ thuật chuyên sâu khác. Trong khi đó, thực tế hiện nay lại đang ưu tiên chuyển giao kỹ thuật KCB những bệnh "ngon ăn", tức những kỹ thuật ít gây tai biến hoặc có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn. Điều này dẫn đến mất đi mục đích chính là phục vụ số đông BN nên đa số vẫn lên TP.HCM để KCB.

Lãng phí y tế tuyến cơ sở: Phải đầu tư đồng bộ, gầy dựng được niềm tin - Ảnh 2.

Nhiều BV tỉnh đã phát triển khám chữa bệnh về tim mạch nhưng BN vẫn tập trung về Viện Tim TP.HCM. DUY TÍNH

"Có bao nhiêu BV tuyến tỉnh điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hay bỏng? Không có vì đó là những bệnh "không có ăn". Điều này lý giải vì sao BV Chợ Rẫy đông nghịt BN bỏng, hô hấp", bác sĩ Việt giải thích.

Cũng theo bác sĩ Việt, tại BV Chợ Rẫy, các chỉ định phẫu thuật loại 1, đặc biệt chiếm gần 70%. Đây là những loại phẫu thuật do tuyến dưới chuyển lên vì vượt chuyên môn. 30% phẫu thuật còn lại là những bệnh có nhiều bệnh đi kèm hoặc cùng lúc phải thực hiện 2 phẫu thuật. Còn với BN đi khám ngoại trú, tự đi và không có bảo hiểm y tế chiếm khoảng 45%. "BN ở tỉnh vào nội trú tại BV Chợ Rẫy chiếm đến trên 80% và ngoại trú cũng chiếm đến khoảng 80%", bác sĩ Việt nói.

Lý giải vì sao rất nhiều BN được chuyển hoặc tự lên TP.HCM, theo bác sĩ Việt, là do cấu trúc hệ thống y tế hiện nay gồm các tuyến xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành, T.Ư. Nhưng tất cả các tuyến này về chức năng đều giống nhau. Ví dụ như bệnh ruột thừa thì từ tuyến huyện đến tỉnh, đến T.Ư đều có thể điều trị được. Do đó, tâm lý BN là "thôi lên BV lớn luôn cho rồi chứ ở dưới chi".

Mặt khác, hiện nay quy định về danh mục thuốc bảo hiểm y tế ở tuyến xã, huyện, tỉnh và tuyến T.Ư khác nhau. Đây là bất cập vì tuyến xã ít thuốc hơn huyện, huyện ít hơn tỉnh và tỉnh ít hơn T.Ư. BV ở huyện, tỉnh điều trị được bằng loại thuốc A nhưng không được chỉ định thuốc A vì bảo hiểm không chi trả, phải tuyến T.Ư mới chỉ định được. Theo lãnh đạo một số BV lớn ở TP.HCM, cũng có lẽ vì điều này mà BN thay vì ở tuyến huyện, tuyến tỉnh thì đi luôn lên tuyến T.Ư. Giải pháp khắc phục được nêu ra là nếu thuốc đã có trong phác đồ của Bộ Y tế thì ngay cả trạm y tế cũng có thể kê cho BN.

Ngoài ra, việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc của các BV ở TP.HCM, T.Ư là rất lớn nên cũng thu hút BN hơn. Trong y học hiện đại, có thể bác sĩ giỏi nhưng không có máy móc chẩn đoán thêm để xác định chính xác bệnh tật thì cũng khó giữ được BN.

Không thể chỉ dựa vào BV tuyến trên

Theo TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, việc chuyển giao kỹ thuật điều trị ung thư thời gian qua đã giúp nâng cao năng lực cho một số BV tỉnh. Chẳng hạn như BV tỉnh Cà Mau đã có Khoa Ung bướu và làm chủ kỹ thuật xạ trị. Tuy nhiên, cũng còn nhiều đơn vị không có đầy đủ trang thiết bị để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mổ, hóa trị, xạ trị.

Điều này dẫn đến tình trạng BN vào BV để hóa trị hoặc mổ khối u nhưng không có xạ trị thì BN cũng không tin tưởng nên đi tìm nơi có đầy đủ mọi phương pháp trị ung thư. Thực tế hiện nay có đến 60 – 70% BN tỉnh lên BV Ung bướu TP.HCM và chấp nhận bỏ bảo hiểm y tế (không chuyển tuyến), tỷ lệ chiếm đến 40 – 50%. Lý do, BN nghĩ các BV ở TP.HCM có cơ sở vật chất, con người tốt hơn so với tuyến tỉnh, mặc dù các BV tỉnh đã có thể phẫu thuật một số loại ung bướu như: tuyến giáp, ung thư đại tràng, mổ các bướu lành tính…

Một trong những lý do khác mà BN lên TP.HCM là chi phí điều trị ở các trung tâm lớn tại đây cũng bằng ở địa phương, nên BN sẵn sàng đi tìm các BV uy tín ở TP. "Ở nước ngoài, BV chủ động phát triển năng lực kỹ thuật. BV nào kỹ thuật càng cao, uy tín càng lớn thì chi phí càng nhiều nên sẽ chọn lọc BN", TS-BS Quốc Thịnh nói.

Do đó, theo TS-BS Quốc Thịnh, các địa phương cần phải nâng cao năng lực đồng bộ y tế tuyến cơ sở, vì trong lĩnh vực ung bướu thì đầu tư phẫu thuật, hóa trị không khó, cái khó là đầu tư xạ trị. Song song đó là gây dựng niềm tin cho BN, đây là quá trình lâu dài, quan trọng là sự chủ động của các địa phương chứ không thể chỉ dựa vào các BV tuyến trên.

Theo Duy Tính/TNO

 

Bình luận (0)