Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lặng thầm bước chân tình nguyện – Bài 1: Tình nguyện U50

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Anh Hiền (bên trái) trong màu áo tình nguyệnCho đến bây giờ, anh Lê Tài Hiền vẫn không nuối tiếc khi đã bỏ chức phó giám đốc để đi làm thanh niên tình nguyện.

Từ phó giám đốc đến… cán bộ nuôi heo

Năm 2003, nghe thông tin Tỉnh đoàn Khánh Hòa tuyển người đi công tác tình nguyện giúp đỡ đồng bào miền núi, anh Hiền đã quyết định đăng ký lên đường sau ba đêm liền suy nghĩ. Đang làm ăn yên ổn với chức vụ phó giám đốc cho một công ty nuôi tôm giống ở huyện Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) thì đùng một cái, bạn bè thấy anh khoác áo xanh lên miền núi làm thanh niên tình nguyện. Lúc đó, anh Hiền đã ở tuổi 45. “Tuổi tác với tôi không quan trọng, bởi nhiệt huyết mới là điều thôi thúc tôi nhất. Cái chính là mình thấy vui khi được giúp đỡ đồng bào dân tộc, được chứng kiến cảnh người dân ngày một tiến bộ lên”.

Những ngày đầu ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), đội thanh niên tình nguyện hơn 10 người của anh Hiền gặp vô vàn những khó khăn. Nước sinh hoạt không có, đội phải cử người thay phiên nhau lên suối xách nước, rồi tự lần mò tìm cách nối đường ống dẫn nước ngọt về. Nhìn những cánh đồng khô cằn chờ nước, đội của anh lên kế hoạch hướng dẫn bà con cách dự trữ nước bằng cách tạo những kênh mương chạy sát cánh đồng. Qua mùa nắng năm 2003, đồng bào dân tộc đã học được cách trữ nước theo cách này. Thấy mấy anh chị em tình nguyện, bà con ai cũng gọi với cái tên trìu mến là “cán bộ nước”, rồi những cái tên khác như cán bộ nuôi heo, cán bộ trồng rừng được “gán nhãn mác” sau khi đội tình nguyện hướng dẫn bà con cách nuôi heo hiệu quả, phổ biến cho bà con biết lợi ích của trồng rừng… Trồng được nải chuối to, bắt được con cheo béo bà con đều mang đến biếu đội tình nguyện một phần. Đời sống tình nguyện tuy thiếu thốn nhiều thứ nhưng ấm áp nghĩa tình. Khó khăn về vật chất anh em không sợ, chứ sợ nhất là mất uy tín với bà con. Hôm đi vận động người dân phải mắc màn lúc ngủ để đề phòng bệnh sốt xuất huyết, thấy một thanh niên người dân tộc Ê-đê không mang dép vì không có tiền mua, anh Hiền hứa… mai lên đội tình nguyện tặng cho đôi dép. Hôm sau trời tờ mờ sáng anh thanh niên nọ lên lấy dép, anh Hiền liền chạy đi mua. Thấy cán bộ tình nguyện hứa tặng dép mà giờ không có, anh kia “dỗi” bỏ về. Anh Hiền mua dép về tức tốc đuổi theo. “Cũng may là đuổi kịp giữa đường chứ không thì mất uy tín lắm. Bà con ở đây nghe mình nói cái hay, mình làm việc tốt thì làm theo và rất tin tưởng. Ai nói nhiều mà không làm thì họ rất ghét. Vậy nên phải giữ đúng lời hứa dù là việc nhỏ nhất”, anh Hiền thổ lộ.

Tin vào thế hệ trẻ

Sau ba năm ở Sơn Thái, thấy bà con nhiều nhà đã biết cách làm kinh tế mới, ý thức được nâng cao hơn, anh Hiền xin phép được chuyển công tác lên xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh). Hôm lên đường, bà con ai cũng hỏi cán bộ Hiền có về nữa không, nhỡ heo ốm biết kêu ai, nhỡ cá chết nhiều thì làm thế nào… Người lon gạo, người mấy gói mì tặng anh làm quà đi đường. “Lúc đó chia tay mà muốn ứa nước mắt, mới biết những ngày mình ở Sơn Thái ý nghĩa như thế nào”, anh Hiền bộc bạch. 5 năm làm thanh niên tình nguyện, đội của anh Hiền cũng có nhiều thay đổi. Có người gắn bó với đội một hai năm rồi “bức” trở về xuôi, có người giờ đã chuyển sang nơi này nơi khác nhưng trong thâm tâm, anh luôn dành những tình cảm trân trọng nhất dành cho những người tình nguyện trẻ. “Họ sống có ước mơ và lý tưởng, biết đồng cảm với những khó khăn của người dân. Được làm việc, sống cùng với các bạn trẻ, tôi dường như quên đi mất mình đang ở tuổi U50”. Tấm gương đầy nhiệt huyết của “lão” Hiền được nhiều tình nguyện trẻ noi theo. Có người làm tình nguyện được một thời gian thì muốn về xuôi ổn định cuộc sống, nhưng sau khi nghe anh Hiền động viên, họ đã trở lại tiếp tục khoác lên mình chiếc áo xanh.

Trong căn nhà “bà mẹ trẻ em” ở thôn Hòn Lay được xã Khánh Hiệp phân cho đội tình nguyện làm nơi cư trú, bữa cơm tối đa phần rau với chiếc radio kêu rè rè bên cạnh cũng đủ là niềm vui của mọi người. Sau bữa cơm, cả đội “họp giao ban” báo cáo tình hình. Anh Hiền hỏi thăm công việc của các tình nguyện trẻ: “Hôm nay nhóm anh Hiếu đào mương thế nào, nhóm cô Mai dạy học ra sao?… Ngày mai nhóm cô Thương sẽ đi dạy nuôi heo, nhóm anh Cường đi phát rẫy giúp dân nhé”… Lịch làm việc của đội không có ngày nghỉ chủ nhật.

Mục Đồng

Bình luận (0)