Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Lặng thầm sau những kệ sách

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Thu Trang lặng thầm nhen ngọn lửa văn hóa đọc
“Người làm công tác thư viện không đơn thuần chỉ đảm nhận công việc mở khóa, kiểm tra thẻ học sinh (HS) rồi ghi sổ, tìm sách cho các em mượn… Trên hết, bên cạnh các công việc không tên, người thủ thư phải biết cách gợi mở, dẫn dắt HS đến với những trang sách hay, trao cho các em chiếc chìa khóa để mở kho tri thức…” – cô Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ thư viện Trường Tiểu học Lý Công Uẩn (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), bày tỏ.
Thư viện xanh giữa sân trường
Đều đặn mỗi tuần 3 ngày thứ hai, tư, sáu, giờ ra chơi, sân trường Tiểu học Lý Công Uẩn lại bắt đầu rộn rã tiếng bước chân của học sinh đi về phía Vườn sách tuổi thơ. Sau khi các bạn cộng tác viên đưa tủ sách lưu động từ thư viện xuống sân trường kê ngay ngắn, các em chọn sách và tìm cho mình một chỗ ngồi nơi hàng ghế đá kê sẵn hoặc một góc cây xanh nào đó để tự do thả hồn vào những trang sách. Ở Vườn tuổi thơ này, mọi hoạt động chọn sách, chọn góc đọc của học sinh đều diễn ra một cách trật tự, những nụ cười và lời chào nhau thân thiện, không hề có sự chen lấn, xô đẩy. Em Hải Yến, một học sinh lớp 5, chia sẻ: “Giờ ra chơi trong các ngày thư viện lưu động mở cửa, em đều đến Vườn tuổi thơ để đọc sách. Ở đây em được tìm hiểu rất nhiều điều bổ ích qua những trang sách. Hôm nào tiết học hơi nặng thì em tìm sách truyện tranh để thư giãn, còn hôm nào thấy tinh thần thoải mái thì em tìm đọc sách nói về Trường Sa, Hoàng Sa để hiểu hơn về chủ quyền của Tổ quốc”.
Vườn tuổi thơ luôn là nơi tập trung đông học sinh từ 5 năm nay với 1.200 đầu sách, phong phú về thể loại. Thêm vào đó là các chương trình như: Ngày hội tặng sách, Ngày hội đọc sách đã trở thành hoạt động định kỳ ở ngôi trường này. Đâu đó người ta vẫn lo lắng văn hóa đọc mất dần trong giới trẻ, thì ở đây, bên cạnh các hoạt động vui chơi như nhảy dây, đá cầu trong giờ ra chơi, hoạt động đọc sách đã góp phần kích thích niềm đam mê tìm hiểu của học sinh, đẩy lùi các thói quen xấu dẫn đến sự ù lì như chơi game trên điện thoại, máy tính… Thầy Nguyễn Hữu Chính, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mô hình thư viện xanh nằm trong chương trình xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhằm đưa sách xuống tận sân trường phục vụ cho học sinh vào giờ ra chơi. Bên cạnh đó, nhà trường còn chủ trương cho thư viện điểm sách hay ở bảng tin, tổ chức giới thiệu sách vào giờ chào cờ đầu tuần… Mỗi năm vào định kỳ, nhà trường tổ chức ngày đọc sách với sự tham gia đông đảo của học sinh, phụ huynh, tổ dân phố nhằm đem lại hiệu quả cũng như khơi dậy tinh thần đọc sách từ trường học về đến mỗi nhà”.
Người thủ thư tận tụy

Vườn tuổi thơ ở Trường Tiểu học Lý Công Uẩn trong giờ ra chơi luôn thu hút học sinh
Thầy Nguyễn Hữu Chính chia sẻ: “Để sách thực sự có ích đối với học sinh, phần lớn phụ thuộc vào người thủ thư. Người phụ trách công việc lặng thầm sau những kệ sách nhưng lại có vai trò tác động rất lớn tới niềm đam mê đọc sách trong mỗi học sinh, giáo viên. Và đó đồng thời là người giữ lửa cho kho tri thức luôn ấm bởi sự nâng niu, trân trọng. Cô Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ thư viện nhà trường là một trong những người như vậy!”.
Với gần 10 năm làm công tác thư viện tại trường, cô Trang không chỉ làm tròn vai trò thủ thư mà còn là một người nắm giữ và trao niềm đam mê tìm tòi, đọc sách đến từng học sinh, giáo viên trong trường. Theo đó, vừa qua cô vinh dự được công nhận là cán bộ thư viện giỏi cấp thành phố.
Cô Trang tâm sự: “Tôi đến với nghề vì đam mê đọc sách. Ngày nhỏ cứ nghĩ, chỉ cần làm công tác thư viện là có thể tha hồ đọc sách. Quả đúng như vậy, được tiếp cận với sách mỗi ngày là niềm hạnh phúc lớn. Thế nhưng đó cũng là một trách nhiệm không hề nhỏ. Chỉ riêng khâu để một quyển sách từ nhà sách về đến thư viện trường, đưa sách lên giá mất ít nhất là chục công đoạn xử lý, từ vào sổ tổng quát, đóng dấu, dán nhãn, bao bọc, xếp theo thể loại”. Đó là chưa kể, cứ nhận về một đầu sách mới, cô Trang lại cặm cụi trước cả đêm, nắm nội dung rồi tiếp đến là chọn cách giới thiệu hấp dẫn nhất để mỗi tháng, ở chương trình giới thiệu sách dưới cờ, cô lại truyền niềm đam mê, kích thích sự tò mò của học sinh và giáo viên để họ tìm đến với thư viện. Cô Trang cho biết: “Thông thường tôi chọn sách để giới thiệu dưới cờ theo chủ đề của tháng. Những cuốn được chú ý là sách có giá trị giáo dục như: Hạt giống tâm hồn, rèn luyện kỹ năng, sách văn học, sách lịch sử… “Nhìn những bìa sách có nếp gấp nhăn, tôi vừa xót xa vừa vui. Xót vì người đọc không biết giữ gìn, vui vì biết rằng như thế cuốn sách đã qua tay nhiều bạn đọc”, cô Trang chia sẻ.
“Để sách thực sự có ích đối với học sinh, phần lớn phụ thuộc vào người thủ thư. Người phụ trách công việc lặng thầm sau những kệ sách nhưng lại có vai trò tác động rất lớn tới niềm đam mê đọc sách trong mỗi học sinh…”, thầy Nguyễn Hữu Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Công Uẩn, cho biết.
Vào những ngày cuối tuần, cô Trang lại tranh thủ thời gian đến các nhà sách. Tìm tòi, đọc và lại loay hoay chọn ra những tựa sách hay, cuốn nào thư viện chưa có, cô bỏ tiền túi mua về để giới thiệu cho học sinh, giáo viên. Cô nói rằng, dù đồng lương còn khá eo hẹp nhưng bỏ ra vài chục ngàn để đem lại vốn hiểu biết thêm cho nhiều người thì coi như mình đã giàu có gấp nhiều lần.
Còn nhớ cách đây không lâu, để giới thiệu quyển Kỷ yếu Hoàng Sa đến với học sinh, cô Trang đã phải mất hai tuần để nghiền ngẫm. Cô tìm đến nhà sách, tìm tư liệu trên mạng đọc rồi thống kê, gút lại nội dung. Sau đó nghĩ đến cách giới thiệu… “Cuốn sách này có quá nhiều tư liệu và hình ảnh hay, ý nghĩa. Trong khi đối tượng hướng đến của mình chủ yếu là học sinh tiểu học nên để giới thiệu sao cho vừa dễ hiểu, vừa hấp dẫn, gợi được sự tò mò của các em không phải là việc dễ. Thành quả thu lại ngoài sự mong đợi của tôi khi cả giáo viên và rất đông học sinh tìm đến để mượn đọc, thậm chí có nhiều em còn trao đổi về nội dung”, cô Trang nói.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Phải có lòng đam mê sách
Chia sẻ chuyện nghề, cô Trang trầm giọng nói: “Lâu nay nhiều người cứ nghĩ, công tác thư viện chỉ là việc mở cửa, lấy sách cho học sinh mượn. Thực ra, giữa muôn vàn câu chuyện không tên, để làm tốt được nghề “làm dâu trăm họ” này đòi hỏi phải có lòng đam mê sách, trân quý sách mới có thể truyền lửa cho người đọc. Đó là mấu chốt để giữ cho ngọn lửa văn hóa đọc cũng như khám phá tri thức được thường xuyên, liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác!”.
 

Bình luận (0)