Một góc làng thầy thuốc Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam |
Nằm ven sông Cổ Cò thơ mộng, làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) có số lượng thầy thuốc hành nghề y – dược đông kỷ lục.
Nhiều đời theo nghề
Được khai cơ cách đây trên 430 năm, làng Thanh Quýt được hình thành từ 4 xóm với cách đặt tên rất ư thuần Việt: Xóm Trên, xóm Dưới, xóm Rừng và xóm nằm giữa 3 xóm kia được đặt tên là xóm Chay. Tương truyền, khi tiến hành xây dựng đình làng, các vị trưởng nam, chức sắc của 7 tộc họ ngụ cư tại đây và các vị bô lão trong làng ăn chay nằm đất suốt 7 ngày đêm để dựng đình và trồng 7 cây chiêm chiêm để tượng trưng cho thất tộc tiên khai. Vì sự kiện này mà dân làng Thanh Quýt lúc đó đặt tên xóm có đình làng tọa lạc là xóm Chay. Tại xóm này hiện có dòng họ Nguyễn Văn “đứng đầu bảng” về làm nghề bấm huyệt bốc thuốc nên bà con trong xóm gọi tộc họ này là tộc “Nguyễn Văn Đông Y” để phân biệt với họ Nguyễn Văn khác đang cư ngụ tại làng. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đoàn – nguyên giảng viên Khoa Sử (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho biết: “Dòng họ của tôi làm nghề thuốc đã tròm trèm 9 thế hệ. Cứ vậy, bà con thân tộc truyền nghề cho nhau, hết đời này qua đời khác, số lượng lương y ngày càng đông thêm. Và đến nay con số này là 15 người”.
Ngoài ra, tại xóm Chay cũng có thêm 5 vị lương y ở các tộc Nguyễn Hữu, Lê Tự làm nghề bốc thuốc. Có anh bạn ở quận Cẩm Lệ thường về xóm Chay bốc thuốc cho vợ, cho mẹ tẩm bổ nói vui thế này: “Trước đây về Thanh Quýt mùi thuốc lá cay nồng lấn át (vì thời điểm đó hầu hết dân làng Thanh Quýt trồng thuốc lá – PV), còn bây giờ đến Thanh Quýt chỉ nghe mùi của các vị thuốc hòa quyện”. Các thầy thuốc “Nguyễn Văn Đông Y” chuyên về xương khớp và đặc biệt chuyên sâu, nổi tiếng khắp các tỉnh, thành về lĩnh vực sản phụ khoa.
Làm thầy thuốc khắp bốn bể năm châu
Đến bây giờ nhiều người cũng không thể giải thích nổi vì sao dân Thanh Quýt lại mê làm thầy thuốc? Đặc biệt, số lượng bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ và y tá, y sĩ là con cháu của làng lại đông, mà nói theo ngôn ngữ Quảng Nam là đông dày! Riêng tộc Nguyễn Hữu có số lượng bác sĩ nhiều nhất. Theo thống kê sơ bộ của Hội đồng gia tộc này, hiện đã có 42 bác sĩ, nha dược sĩ và gần 100 y tá là con cháu của tộc làm việc tại khắp các bệnh viện trong nước, tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Na Uy… Các tộc họ khác của làng Thanh Quýt như Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Văn… cũng đóng góp hơn 10 vị bác sĩ đa khoa và vài chục y tá, y sĩ. Gia đình ông Nguyễn Hữu Xếp ở California (Hoa Kỳ) có 6 người con thì cả thảy 6 người (4 trai, 2 gái) là bác sĩ đa khoa và nha sĩ y khoa. Hay như gia đình bà Biện Thoan ở xóm Chay có 10 người cháu nội – ngoại làm bác sĩ. Nói chuyện với phóng viên, thạc sĩ Nguyễn Văn Đoàn lý giải, có lẽ sau năm 1975, đất nước giải phóng, hòa bình lập lại là lúc ngành y “hot” nhất, có câu “Nhất y, nhì dược…” nên các bậc phụ huynh trong làng hướng con cháu mình vào ngành y để dễ lập thân, giúp đời. Thời đó, vào các trường y, dược không dễ, phải thực sự giỏi. Có trường hợp cho con thi ĐH Y Huế hay ĐH Y dược TP.HCM mấy năm liền, sau thấy khó vào mới cho thi trường khác, nhưng cũng yêu cầu con phải thi vào trường CĐ hoặc trung cấp y, dược, thế mới lạ. Cũng theo anh Nguyễn Văn Đoàn, nhà anh con cái học hành đàng hoàng, đứa nào cũng tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, nhưng mỗi khi có khách đến nhà là mẹ anh kêu hai cô em ruột của anh, làm bác sĩ lên khoe! Điều đáng mừng là những bác sĩ, dược sĩ, lương y ở làng thầy thuốc không thuộc loại “suốt ngày mài dao để chặt chém con bệnh” mà hành nghề bằng cả trách nhiệm và tình thương, trọng nghĩa, trọng tình.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc điều hành một loạt các bệnh viện Hoàn Mỹ dù bận trăm công ngàn việc cũng thường xuyên về làng, lặng lẽ góp tiền chăm lo vào hoạt động khuyến học của tộc. Bác sĩ Tùng cũng hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cung cấp trang thiết bị hiện đại cho phòng khám tại Trạm y tế xã Điện Thắng Trung nhằm giúp tất cả bà con trong xã đều được khám và chăm sóc y tế bước đầu một cách hiệu quả.
Theo Hội đồng gia tộc Nguyễn Hữu, trong tộc có 7 vị giáo sư, tiến sĩ, 30 thạc sĩ, 276 kỹ sư và cử nhân, 54 giáo viên cấp 3 và 10 người tốt nghiệp ĐH quân sự đang công tác trong nước và nước ngoài. Nói như anh Nguyễn Hữu Khanh, không riêng gì bác sĩ Tùng, những con dân của làng Thanh Quýt đều coi trọng và sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ nhau đến nơi đến chốn: “Nghĩa xóm tình làng gắn bó thủy chung/ Hạnh phúc khổ đau chung lưng đấu cật/ Tối lửa tắt đèn giúp nhau chân thật/ Trải lòng mình như lòng đất hiến dâng…”.
Không bàn sâu chuyện con cháu làng Thanh Quýt chọn học y – dược, anh Nguyễn Văn Đoàn đưa ra một ý tưởng hay: “Năm mới, phải tổ chức gặp mặt những người làm nghề y – dược ở làng để nghe họ giải thích vì sao lại mê làm… thầy thuốc! Mà đã mời thì phải mời luôn con rể, con dâu, cháu, chắt của các tộc họ đang làm trong ngành này nữa”. Nhưng, như thế, chắc phải dựng rạp ngoài… sân vận động mới đủ chỗ!”.
Bài, ảnh: Điền Gia Thạnh
Bình luận (0)