Nhà thiết kế lừng danh Karl Largefeld (hãng Chanel) luôn khiến giới thời trang phải ngả mũ thán phục bởi những sáng tạo tuyệt vời đến không tưởng của ông. Những đêm diễn từng mùa của ông cũng không ngoại lệ. Từ bối cảnh siêu thị đến đại lộ nữ quyền đầy sáng tạo, sô diễn Chanel thu đông 2015 diễn ra trong một quán cà phê phong cách Pháp đặc trưng với quầy bar, những anh bồi bàn lịch lãm và các quý cô sành điệu ngồi tán gẫu trong những bộ trang phục thời thượng.
Trong khi đó, sàn catwalk của Gucci trong tuần lễ thời trang thu – đông 2015 lại mô phỏng ga tàu điện ngầm tại Milan với những ô gạch lát tường nhỏ và biển báo Exit dọc lối đi. Sô diễn của Kenzo bắt đầu với 6 khối phông di chuyển theo bước chân của người mẫu như một bức tường di động, sau đó xoay lại thành bức phông nền nhiều màu sắc huyền ảo. Phong cách thanh lịch của Dior được nhà tạo mốt áp dụng cho sân khấu catwalk của sô diễn mới nhất vừa diễn ra ở Paris. Không gian của trung tâm Lourve được bao quanh bởi tông hồng pastel thật tao nhã và ngọt ngào. Thương hiệu Givenchy lại đưa máy game, xe đạp, cột bóng rổ của khu vui chơi lên sân khấu làm bối cảnh để minh họa cho tinh thần hiện đại và nổi loạn của mình. Sô diễn của Louis Vuitton được thực hiện tại bảo tàng nghệ thuật Louis Vuitton Fondation. Khoảng không gian hiện đại dưới những mái vòm phản chiếu được tận dụng làm sàn diễn cho bộ sưu tập thu- đông 2015 đủ sức khiến những mẫu thiết kế của nhà tạo mốt này nổi bật và tăng thêm sự sang trọng.
Sàn diễn của Marc by Marc Jacobs cực kỳ ấn tượng với một thảm cỏ xanh mướt ngay giữa lòng New York. Sân khấu của show Alexander Wang ấn tượng không kém khi không sử dụng quá nhiều ánh sáng, chỉ một vệt sáng giữa sàn catwalk để làm bật lên người mẫu và những bộ trang phục mang hơi hướng gothic.
Một sàn diễn bừng sáng từ bên dưới với những bóng đèn neon và dàn loa như sân khấu của các nhạc hội là ý tưởng quá tuyệt của thương hiệu Saint Laurent. Và cuối cùng, Giám đốc sáng tạo Sarah Burton của thương hiệu Alexander McQueen chọn nhà tù Conciergerie (Paris) làm nơi tổ chức buổi diễn thời trang thu đông 2015 của mình. Bối cảnh đẹp dù có phần u ám là một lựa chọn phù hợp cho bộ sưu tập mới của Sarah Burton lấy cảm hứng từ phong cách Victorian (phóng khoáng, gợi cảm và rất nữ tính).
Thực tế, sự cạnh tranh trong làng thời trang ngày càng khắc nghiệt. Đó là cuộc chiến tìm khách hàng, nhất là khi kinh tế suy thoái toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sở thích mua sắm của các tín đồ thời trang. Nhưng đó vẫn chưa là gì so với nạn đạo, nhái, chôm ý tưởng mẫu thiết kế. Chỉ vài phút sau khi một sô diễn thời trang kết thúc, hình ảnh trình diễn đã xuất hiện đầy trên các trang mạng. Cùng với việc cập nhật của giới tín đồ thời trang, giới làm hàng nhái cũng nhanh chóng vào cuộc để sớm có được những mẫu hàng nhái tương tự. Thậm chí, những mẫu hàng nhái còn có mặt trên thị trường sớm hơn cả những mẫu hàng thật. Sau bao phen đau đầu vì thua lỗ, các hãng thiết kế đã tìm được giải pháp.
Giờ đây, những sô diễn tại các tuần lễ thời trang chỉ mang tính chất quảng cáo cho thương hiệu. Những gì công chúng được xem tại các tuần lễ thời trang công khai thường rườm rà, công phu và cực kỳ đắt đỏ, cũng đồng nghĩa rất khó nhái. Những bộ sưu tập này mang tính trình diễn là chính. Trong khi đó, những sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường với khả năng hơn 90% tín đồ thời trang sẽ chọn mua đều nằm trong các sô diễn tiền sưu tập (pre-collection). Sự kiện này chỉ dành riêng cho các đại lý với những mẫu thiết kế không quá đắt tiền, đơn giản và đậm chất ứng dụng tinh tế.
Sau khi sự kiện pre-collection kết thúc, buổi diễn tại tuần lễ thời trang cho giới báo chí đậm tính sân khấu mới bắt đầu. Khi theo dõi những tuần lễ thời trang, không ít người đã thốt lên: “Nhà tạo mốt ngày càng điên khi đưa ra những mẫu thiết kế không thể mặc được”. Nhưng những mẫu không mặc được ấy càng chứng minh nhà tạo mốt đã phải vất vả cỡ nào trong cuộc chiến giữ thương hiệu với giới làm hàng nhái.
Bình luận (0)