Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Làng tỷ phú

Tạp Chí Giáo Dục

Bài cuối: Lao đao những phận đời

Chú Phước đang sàng cát bắt nghêu

Không đánh bắt được, nhiều tàu gắng gượng ra khơi thì lại thiếu lao động. Thời làm ăn khấm khá, lao động các nơi đổ về xã Phước Tỉnh làm thuê rất đông. Giờ đây, khi nghề đánh bắt tôm cá gặp khó khăn nên công nhân lần lượt bỏ đi xứ khác hoặc thay đổi nghề nghiệp. Các chủ ghe giờ muốn kiếm được “bạn” phải thông qua “cò” với chi phí 200.000 đồng/ thủy thủ.
Bỏ biển lên bờ
Từ khi các chủ ghe người thì bán nhà, kẻ bán ghe hoặc đậu bờ chờ thời gian thích hợp để tiếp tục ra khơi thì một số gia đình làm nghề “ăn theo biển” phải tìm cách khác để mưu sinh. Không biết có phải “ông trời” thương những người dân nơi đây hay không mà khi cầu Cửa Lấp được khánh thành thì ngay dưới chân cầu, ẩn mình trong những luồng cát trắng mịn, dưới dòng nước xanh trong đã xuất hiện rất nhiều nghêu. Những con nghêu nhỏ xíu như hạt gạo mà người dân nơi đây gọi là “con giống”. Họ phải thật tinh mắt mới nhận biết được chúng. Gia đình chú Phước, người huyện Long Hồ – tỉnh Vĩnh Long đến vùng “đất hứa – Phước Tỉnh” được gần 5 năm, chú Phước cho biết: “Khi mới đến đây gia đình tui làm nghề xẻ thịt cá bò – một loại cá có thịt rất thơm và dày. Khi tàu ghe đánh bắt được mùa, giá công họ trả cho tôi cũng tạm ổn. Hai năm nay tuy cá có ít đi giá thị trường lại giảm còn một nửa nên họ đã ép tiền ngày công của chúng tôi. Đùng một cái họ trả tiền công cho chúng tôi chỉ còn 70%. Quá bức xúc chúng tôi quyết định chuyển đổi sang công việc cào nghêu, dù cơ cực hơn nhưng thu nhập cũng tạm được, khỏe thì làm, ốm thì nghỉ ở nhà”. Anh Vũ Lan, trước đây làm thuê cho ghe Phước Tỉnh, sau này thấy mọi người đi cào nghêu thu nhập hàng tháng hai người cũng được 4-5 triệu đồng vậy là quyết định bỏ tàu vô bờ làm. Anh Lan cho biết: “Bạn trên tàu tui và các tàu khác bây giờ chuyển đổi công việc nhiều lắm, có anh về quê lấy vợ rồi ở nhà làm ruộng. Chuyển sang công việc này, cuộc sống tuy khó khăn nhưng được cái ai cũng chân thành, đoàn kết, gắn bó với nhau. Lúc mới làm nghề tui có biết gì đâu, thấy họ làm được cũng mua đồ nghề theo họ ra sông. Tuần đầu cứ “hùng hục” cào, sàng, đãi nhưng không thấy gì, tôi chán lắm. May sao sau này gần gũi với các cô chú ở đây, họ bắt đầu chỉ cho biết thế nào là con nghêu. Nói thật với anh, làm công việc này nó cũng cực như đi biển vậy. Dầm mình cả chục tiếng đồng hồ dưới nước, khi lên bờ hai hàm răng “đánh nhau” chan chát, tay chân nhợt nhạt, hút điếu thuốc mà cầm cũng không nổi. Nhưng bù lại thu nhập bình quân một ngày cũng được khoảng 2 trăm ngàn” – “Được chụp hình lên báo kìa, cô chú cười thật tươi nghe!”. Đó là tiếng mấy cô mấy chị ngồi làm bên cạnh cô chú Chánh – Bảy. Không biết đó có phải là nguồn động viên với họ hay không mà khi tôi đưa máy lên chụp hình cô chú cười rất tươi, tiếng cười thật hồn hậu. Khi hỏi chuyện về công việc, cô chú như được dốc bầu tâm sự, cô Bảy nói: “Cô chú ở Kiên Giang vô đây cùng sắp nhỏ làm nghề cào nghêu được hơn hai năm nay, giờ còn hai vợ chồng già sớm tối nương tựa với nhau. Không còn khỏe làm lúc nào mệt thì nghỉ, ráng dành dụm chút đỉnh để về quê, còn công việc này tụi nhỏ nó làm tốt rồi”. Tôi hỏi vậy các con cô chú đâu, cô Bảy tiếp lời và chỉ tay về phía mấy thanh niên bên cạnh “Tụi nhỏ đó, bây giờ chúng “đủ lông đủ cánh” rồi nên cô chú cho ra thuê ở riêng. Năm trước khi mới vô đây làm được ít tháng, thằng hai nó quen bạn gái cũng ở tỉnh khác tới, thấy tụi nó quấn quýt lại làm cùng một công việc cuối năm rồi cô xin phép gia đình bên gái cho chúng nó về ở với nhau. Bây giờ thì cô chú vui lắm, con dâu cô có bầu được 3 tháng rồi”. Đến lúc phải đem sản phẩm đi bán, trong cái bắt tay thật chặt của chú Chánh là những ưu tư khó có lời giải?
Nỗi lòng
Do cuộc sống khó khăn và thất học những người như cô Bảy, chú Phước, anh Vũ Lan chỉ mong sao có một cuộc sống ổn định. Cào nghêu được giá đấy, nhưng nó cũng bấp bênh như nghề đi biển, nay có mai không. Chú Phước có một cậu con trai tên Tâm. Vì cuộc sống của cha mẹ là đời “du canh, du cư” nên Tâm chỉ được học hết lớp 5 rồi theo cha mẹ nay đây mai đó. Tôi chợt nghĩ nếu cuộc sống của gia đình chú Phước cứ như thế này thì tương lai của Tâm sẽ ra sao? Còn anh Tư, chị Hạnh con của cô chú Chánh – Bảy chỉ ước mong sao dành dụm được chút tiền, mua được miếng đất dựng tạm căn chòi lá cho vợ sinh con là toại nguyện lắm rồi. Rời xóm cào nghêu, tôi sang khu vực làm ghẹ. Họ là những người lao động làm thuê cho các chủ vựa. Nhưng với tình hình biển giã mất mùa thế này họ cũng gặp không ít khó khăn. Tội nhất là những đứa trẻ ở đây phải ngày ngày cùng với cha mẹ bóc ghẹ thuê cho chủ vựa và mong được đến trường. Trước đây nghề biển được mùa ngày công các chủ vựa trả cho họ rất cao. Còn giờ đây hàng ít không có để làm mà tiền công cũng bị bớt xuống. Trong số những con người cần mẫn gõ đập càng ghẹ ở đây, em Trần Phúc (15 tuổi), có lẽ là người hồn nhiên nhất! Mùi ghẹ sơ chế bốc lên rất khó chịu từ bếp lửa cứ quanh quẩn bên người nên những người làm công việc này phải vừa quấn khăn vừa bịt khẩu trang. Còn riêng Phúc thì vẫn cười nói hồn nhiên: “Nhà con có 5 người, ngoại trừ em út được đi học còn lại gia đình 4 người, ngày qua ngày cả nhà con cứ cặm cụi với từng chiếc càng ghẹ, để kiếm tiền mua gạo. Anh hai lớn nhất nhà cũng thất học như con. Nhưng chú biết không, dù không được đi học nhưng con vẫn biết đọc, biết viết đấy, chú thấy con có giỏi không!?”. Tôi khen con rất giỏi! Rồi tiếng cười của em lại cất lên đã làm cho tôi thấy đắng nghẹn nơi cuống họng. Có lẽ đó là niềm vui của đứa trẻ, được cười được khóc như “tự nhiên” của nó. Còn em Trần Thị Thúy, học sinh lớp 6N Trường THCS Trần Nguyên Hãn, cuộc sống có phần may mắn hơn khi 5 năm học ở tiểu học Thúy đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. “Ngoài giờ đến trường, 3 chị em con vẫn ráng làm thêm (bẻ càng ghẹ) để phụ giúp cha mẹ, dù cha mẹ rất vất vả nhưng luôn động viên khuyến khích chị em con phải gắng học và phải học thật giỏi để sau này mới không khổ cực như cha mẹ. Vì vậy chúng con quyết tâm học thật giỏi” Thúy nói. Khi tôi hỏi Phúc và Thúy: Các em có ước mơ gì cho mình và gia đình không? Nghĩ một chút rồi cả hai đều nói: “Không biết ước mơ gì!?”, sau đó như nghĩ ra điều gì Thúy nói nhỏ với tôi: “Con mong bố mẹ luôn khỏe mạnh, làm có tiền để chúng con được tiếp tục đi học. Con sợ bị thất học lắm!”. “Làng tỷ phú” ngày nào giờ đây đìu hiu đã kéo theo không biết bao nhiêu phận đời trôi nổi theo những con sóng biển vô tình.
Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)