Nhắc đến Langbiang, đông đảo du khách trong và ngoài nước đều khá quen tên và dành cho miền đất huyền thoại này tình cảm hết sức đặc biệt. Bởi, từng tên đất, tên làng và từng tộc người sống hiền hòa dưới chân núi hùng vĩ này đều gắn với những câu chuyện tình thi vị và lãng mạn. Và, đây còn là miền đất ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa rất riêng…
Langbiang huyền thoại
Hơn một thế kỷ đi qua và đã có nhiều thay đổi; song, câu chuyện huyền thoại về sự hình thành dãy núi Langbiang cao nhất cao nguyên Lâm Viên (2.167m) vẫn còn ẩn chứa bao nhiêu điều kỳ thú. Nhâm nhi giọt rượu cần sóng sánh bên bếp lửa rực hồng, già làng Krajan Plin say sưa kể: Ngày xưa, xưa lắm, chàng K’Lang (bộ tộc Lạch) và nàng Hơ Biang (bộ tộc Cil) là đôi uyên ương tài sắc nhất vùng này. Mỗi khi họ thổi khèn, đánh chiêng, hát đối đáp cùng nhau thì hoẵng đứng ngẩn ngơ, hươu nai sững sờ và ma quỷ quên làm chuyện hại người. Thế nhưng, cha của Biang là tù trưởng JRềnh cấm đoán không cho con gái “bắt” K’Lang làm chồng vì hai dòng tộc có mối thù truyền kiếp.
Đôi trai gái đã trốn vào một vùng núi cao hiểm trở để chung sống. Tù trưởng JRềnh rất tức tối cho người tìm bắt hai người. Nhóm người của tù trưởng JRềnh đã rượt đuổi và bắn tên có tẩm thuốc độc. Nàng Hơ Biang đỡ mũi tên nhắm vào K’Lang và đã chết dưới mũi tên oan nghiệt đó. K’Lang than khóc suốt mấy ngày đêm và đã trút hơi thở cuối cùng bên xác người yêu. Mộ hai người nằm cạnh nhau trên một ngọn núi cao…
Cái chết bi thương của K’Lang và con gái khiến tù trưởng JRềnh thức tỉnh. Ông đã xóa bỏ hận thù và lấy tên hai người đặt cho dãy núi Langbiang để nhắc nhở con cháu đời sau. Câu chuyện tình chung thủy và bất hạnh ấy khiến Ngọc Hoàng phải xúc động. Người sai một vị thần xuống trần đắp cao thêm ngọn Langbiang cao vút đến tận bây giờ…
Làng nghệ sĩ “chân trần”
Tựa hồ như được sinh ra từ núi Langbiang linh thiêng và huyền thoại, con cháu các tộc người Cil, Lạch bao đời sống hiền hòa dưới chân ngọn núi này đều rất tài hoa. Đặc biệt, tài năng về âm nhạc phát xuất hết sức tự nhiên và nhiều người trở thành những nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi mà không cần học hành qua bất cứ trường lớp âm nhạc nào. Con trai, con gái Kơ Ho – Lạch, Cil ở bon Langbiang có giọng hát thánh thót như tiếng chim họa mi buổi sớm, róc rách như tiếng suối Dà P’lah – ngọn núi thiêng không bao giờ cạn nước và cuộn trào như dòng Đạ Nhim giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
Lý giải vì sao nhiều người có giọng hát trong vắt như tiếng suối giữa rừng, cao vút như đỉnh Langbiang bốn mùa sương trắng, các già làng kể về truyền thuyết Bảy con ve sầu; Chuyện rằng, khi đứa trẻ ra đời, cha mẹ đi tìm bắt bảy con ve sầu và mời thầy mo về làm lễ. Thầy mo cúng và lấy từng con ve sầu cọ, vuốt gần thanh quản trên cổ đứa bé rồi nướng cho bé ăn; lớn lên đứa bé có chất giọng rất tốt và bền bỉ như tiếng ve sầu…
Chỉ có hơn 500 hộ, với 2.000 nhân khẩu sống quần tụ trong phạm vi chưa tới một cây số vuông, nhưng bon Langbiang có đến 12 nhóm chiêng hoạt động thu hút hàng trăm nam nữ, nghệ nhân các tộc Lạch, Cil tham gia. Và càng ngạc nhiên hơn, khi tất cả nghệ sĩ, ca sĩ, nghệ nhân của các nhóm chiêng ở đây đều là nông dân; ngày lên nương rẫy, tối về bay bổng theo điệu cồng, tiếng chiêng rất điệu nghệ như những ca sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu. Các nhạc sĩ ở đây cũng chưa qua trường lớp đào tạo nào về âm nhạc nhưng đã viết hàng chục ca khúc hay được nhiều người yêu thích. Những ai yêu âm nhạc mỗi khi đến Langbiang đều đắm mình trong những ca khúc có lúc mượt mà, đằm thắm, có lúc cuộn chảy nồng nàn đậm chất Tây Nguyên do chính các nhạc sĩ “chân trần” ở miền đất này sáng tác như: Nồng nàn cao nguyên, Tạm biệt suối nguồn, Chuyện tình Langbiang của Krajan Dick (nguyên Phó đoàn ca múa Dân tộc Lâm Đồng); Giữ ấm bếp hồng, Langbiang S’Ning, Em hãy về của Krajan Plin (nghệ nhân, già làng bon Langbiang); hay Mừng lúa mới của Păngting Tưr…
Từ vùng đất hoang sơ đậm chất văn hóa; từ những ca khúc mộc mạc của các nhạc sĩ “làng” đã thổi vào tâm hồn; nuôi nấng, bồi dưỡng tình yêu âm nhạc cho các chàng trai, cô gái Lạch, Cil để rồi xuất hiện những con “chim sơn ca” bay ra từ nương rẫy, từ buôn làng để đến với các sân khấu lớn, tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam. Một Bonneur Trinh với ca khúc Langbiang S’Ning đã xuất sắc đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 2002; Hai dì cháu Krajan Út và Cil Pơi đã vượt qua hàng ngàn thí sinh trong cả nước để có mặt trong đêm chung kết Giải Sao Mai năm 2003 và Cil Pơi đã đoạt giải khuyến khích; Hai năm sau (2005), làng ca sĩ chân đất Langbiang lại có thêm Krajan Sik xuất sắc giành huy chương vàng Cuộc thi hát dân ca toàn quốc. Còn nhạc sĩ – nghệ nhân – già làng Krajan Plin cũng đã đoạt 3 huy chương vàng toàn quốc, nhiều huy chương bạc tại các liên hoan, hội thi và được mời sang Mỹ, Pháp biểu diễn…
Nhạc sĩ Krajan Dick tự hào nói: “Đã là con của núi rừng Langbiang thì ai cũng yêu âm nhạc từ khi máu trong người biết chảy, ai cũng biết múa hát…”. Hiện nay, bon Langbiang có hàng chục ca sĩ thành danh trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, hàng trăm nghệ nhân tham gia biểu diễn tại các CLB văn hóa cồng chiêng. Có thể nói, chưa có nơi nào ở nước ta tỉ lệ nghệ sĩ, ca sĩ chiếm trên tổng số dân đông nhất như ở bon Langbiang.
Miền rượu ngon, sơn nữ đẹp
Langbiang còn được biết đến với món “độc” là rượu cần rất thơm ngon nổi tiếng và miền đất có sơn nữ xinh đẹp nhất trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Khi hỏi rượu cần ở Langbiang có tự bao giờ, già làng Păng Ting Póh (86 tuổi, ở Bon Dơng II) lắc đầu: “Mình không biết đâu, chỉ biết nghề làm rượu cần có từ ngàn xưa, từ đời bà cố mình, truyền đến đời mẹ mình và đến bây giờ…”. Ở Langbiang nhà nào cũng làm rượu cần; trước đây chủ yếu để phục vụ lễ, Tết, mỗi khi gia đình hay dòng tộc có chuyện vui, buồn; hiện nay, rượu cần làm để bán cho các điểm biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách mỗi khi đến Langbiang. Năm 2013, Cồng chiêng và rượu cần Langbiang đều được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ.
Còn nói về miền gái đẹp, già làng Krajan Plin gật gù: “Con gái ở đây mũi cao, mắt cong và sâu, dáng mỹ miều giống nữ thần Apsara trong truyền thuyết…”. Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương – cũng đồng tình: “Có lẽ, không nơi nào phụ nữ có đôi mắt, sống mũi và dáng đẹp như thế…”.
Với vẻ đẹp hoang dã như một bông lan rừng, đôi mắt long lanh đen láy trên gương mặt tròn thanh thoát, nước da mịn màng màu đồng hun trong bộ trang phục truyền thống, Kra Jan Jut Jui – sơn nữ của bon Langbiang – đã được vinh danh Hoa hậu miền sơn cước tại cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2007; (cuộc thi tổ chức duy nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hàng ngàn thí sinh trong nước). Và các sơn nữ: Cil Rilin, Cil Dalin, Krajan Pheny, Krajan Loen đã lọt vào vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011…
Mùa xuân về, đỉnh Langbiang bồng bềnh trong sương trắng; bon Lạch lại rộn ràng bước vào mùa hội mới. Cồng chiêng, rượu cần và sơn nữ vai trần xinh đẹp nhảy múa bên ánh lửa bập bùng có thể làm các tao nhân mặc khách chênh chao quên mất lối về…
Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)