Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục không được tác động đến việc lựa chọn đối tác của nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Kim Văn Minh – Quyền Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi yêu cầu lãnh đạo quản lý, chuyên viên phòng giáo dục huyện không giới thiệu, không chỉ định, không tác động đến công tác lựa chọn đối tác, công ty phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá và công tác bán trú của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện.


Học sinh tiểu học TP.HCM trong một hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (hình minh họa)

Yêu cầu được nêu ra trong văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động giáo dục ngoài giời chính khoá tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện, ban hành ngày 6-7.

Ông Kim Văn Minh cho biết qua kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện nhận thấy việc hợp đồng, tổ chức thực hiện, hồ sơ thủ tục, quy trình kiểm tra, đánh giá chất lượng tổ chức tại một số đơn vị chưa được thực hiện theo nguyên tắc công khai; việc thông tin đến phụ huynh có nơi chưa đầy đủ, rõ ràng, dẫn đến dư luận của người dân chưa thực sự yên tâm, chưa đặt niềm tin vào công tác giáo dục và đào tạo. Ông đề nghị các trường chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh các hoạt động tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của đơn vị theo đúng hướng dẫn sau:

Đối với các đơn vị tham gia tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục STEM, STEAM, các phần mềm sử dụng phục vụ học sinh: Phảm đảm bảo đủ hồ sơ pháp lý, được Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP thẩm định đạt tiêu chuẩn, được cấp phép triển khai tổ chức hoạt động giáo dục trên địa bàn thành phố. Hồ sơ, hợp đồng với các trường phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định, tuân thủ quy trình, tổ chức thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký.

Biên bản họp, trao đổi với phụ huynh, đơn đăng ký học phải được phụ huynh của từng học sinh tự nguyện đăng ký.

Đối với hoạt động bán trú, cung cấp thực phẩm đối với các trường tổ chức bán trú: Các đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn bán trú phải có đủ hồ sơ pháp lý, đảm bảo năng lực trong cung cấp thực phẩm, suất ăn bán trú theo quy định pháp luật. Các đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn bán trú phải có đủ hồ sơ pháp lý chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, đảm bảo cung cấp thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, theo quy định.

Ông Kim Văn Minh yêu cầu, trong quá trình thực hiện nhà trường cần giám sát việc tổ chức; tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn giữa kỳ, cuối kỳ; lưu trữ hồ sơ đầy đủ, góp ý chấn chỉnh và ngưng hoạt động khi đối tác thực hiện không đúng quy định, hợp đồng. Cơ sở giáo dục khi ký kết hợp đồng phải có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý và năng lực của đối tác trước khi thực hiện.

Hiệu trưởng cần thông qua hội đồng trường, lấy ý kiến bộ phận chuyên môn và các bên liên quan để quyết định chọn đối tác tổ chức chương trình giáo dục ngoài giờ chính khóa tại đơn vị trên cơ sở đảm bảo chất lượng hoạt động dạy và học. Hiệu trưởng rà soát, bám sát các quy định về thu, sử dụng học phí, thu thỏa thuận, thu hộ và chi hộ để tổ chức thực hiện đúng quy định. Những nội dung cần tổ chức đấu thầu thì phải tổ chức theo đúng quy định trên tinh thần công khai, dân chủ, minh bạch. Sau khi ký xong hợp đồng cần gửi đầy đủ hồ sơ về phòng giáo dục để tập trung quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

“Phòng GD-ĐT sẽ tham mưu Thường trực UBND huyện tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hồ sơ pháp lý, chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện” – ông Kim Văn Minh nêu.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)