Băn khoăn đây là chiến lược của ngành hay của quốc gia, một số lãnh đạo đại học cho rằng nhiều chỉ tiêu vẫn chưa rõ ràng, thiếu giải pháp đồng bộ cũng như chưa chỉ rõ ai là người thực thi, trách nhiệm ra sao…
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng ĐH Xây dựng: "Chiến lược giáo dục phải là chiến lược quốc gia".
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Tiến Dũng. |
Chiến lược này vẫn còn vạch ra theo kiểu của các chiến lược kinh điển, vẫn còn những từ có tính hình thức như thế nào là "Quán triệt tư duy"? Những nhà thực thi và hoạch định chính sách phải biến ý tưởng của chiến lược thành hiện thực như thế nào.
Căn cứ vào hoàn cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay, nên xem những mục tiêu nào cốt lõi nhất có thể làm trước thì thực hiện luôn chứ không phải là vạch ra những thứ rất dài để tiến tới mục tiêu ấy trong khi khả năng tài chính, con người chưa thực hiện được ngay.
Đối với trường đại học, việc tự chủ tự chịu trách nhiệm là như thế nào, việc tạo nguồn lực thực sự cho ngành giáo dục đã làm chưa? Trường quốc lập hoàn toàn bị ràng buộc, như vậy chúng ta có triệt tiêu khả năng của các trường này không. Nếu giả sử có cơ chế mở hoặc động hơn cho các trường công lập thì có thể tạo thêm chất lượng học thật sự cho sinh viên và tạo thêm nguồn lực cho trường.
Nếu nói giáo dục là quốc sách thì tất cả các Bộ, ngành, các cấp đã tham gia chiến lược này như thế nào? Cần phải có những bổ sung, điều chỉnh để chiến lược này không phải chỉ ngành giáo dục thực hiện mà còn cho các cấp, Bộ, ngành. Chiến lược giáo dục phải là chiến lược quốc gia.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Trường quốc lập hoàn toàn bị ràng buộc, như vậy chúng ta có triệt tiêu khả năng của các trường này không?" Ảnh: Tiến Dũng. |
PGS.TS Trần Đức Viên – Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp Hà Nội: "Đây là chiến lược của ngành giáo dục hay của quốc gia?"
PGS.TS Trần Đức Viên. Ảnh: Tiến Dũng. |
Cần làm rõ chiến lược giáo dục và mục tiêu quốc gia về giáo dục, và đây là chiến lược của ngành hay là của quốc gia. Trong chiến lược này, có nhiều chỉ tiêu cần phải đạt tới năm 2020 nhưng dường như các biện pháp để thực hiện chỉ tiêu đó còn chưa được rõ. Nòng cốt của sự đổi mới chính là giáo viên. Trong chiến lược cũng chỉ rõ về chuẩn giáo viên năm 2020 nhưng hệ thống chính sách đi theo nhiều chỗ chưa rõ nét.
Tôi hài lòng về mục tiêu giáo dục đại học nhưng vẫn muốn góp ý thêm để hoàn chỉnh. Thứ nhất, chỉ tiêu giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ đúng với nhu cầu và hòa nhập với thế giới nhưng làm thế nào để đạt chỉ tiêu đó. Thứ hai, một trong những vấn đề quan trọng nhất của chiến lược phát triển giáo dục đại học đó là phát triển khoa học công nghệ, nhưng chiến lược này cũng chưa thể hiện rõ.
Thứ ba, giáo dục sau đại học chưa được chú trọng. Thứ tư, chiến lược có nói đào tạo nhân lực cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Xã hội đây có thể là người dân, doanh nghiệp, nhà nước và có thể là các tổ chức quốc tế. Nhưng trong chiến lược không đề cập tới đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ các tổ chức quốc tế.
Tôi coi tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học là một trong những giải pháp đột phá nhưng chiến lược lại không coi đó là giải pháp trọng tâm. Chiến lược đã hình thành rồi thì ai thực hiện. Chỉ Bộ GD&ĐT hay tất cả các Bộ, Ban, Ngành? Tôi tin là sẽ có những giải pháp kèm theo để phục vụ cho vấn đề của chiến lược.
GS.TS Trần Hữu Nghị – Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng: "Trong chiến lược giáo dục, quản lý phải là giải pháp lớn".
GS.TS Trần Hữu Nghị. Ảnh: Tiến Dũng. |
Nếu thầy giáo không có tầm, không có phương pháp giảng dạy tốt khiến học sinh không ham thích thì chưa chắc có thể làm được gì. Đặc biệt, nếu phương pháp không thu hút, không hấp dẫn thì hiệu quả rất thấp. Còn kiến thức không đủ thì cũng không được.
Hiện nay, việc giảng dạy trong nhà trường luôn luôn ở dạng một chiều, tức thầy nói gì trò nghe theo. Trong khi lẽ ra phải để học sinh phản biện lại. Vừa rồi, có những ý kiến cho rằng sẽ không tôn sư nếu như người học đưa ra nhận xét, phản hồi về thầy giáo. Nhưng tôi thấy, học sinh chưa bao giờ tốt như hiện nay. Thầy giáo dạy không tốt, các em phản ánh ngay. Ngược lại, những người càng nghiêm, các em càng thích.
Quản lý đại học rất khó vì vậy chúng tôi phải áp dụng chương trình ISO. Để quản lý thầy cô, trước hết hàng tháng thầy cô phải tự đánh giá, sau đó đến bộ môn, học sinh, phòng đào tạo đánh giá. Chúng tôi có phiếu nhận xét hằng tháng của thầy giáo. Tôi nghĩ, nếu không quản lý giáo viên tốt thì chẳng bao giờ có được lớp học nghiêm chỉnh. Do đó, trong chiến lược giáo dục, quản lý phải là giải pháp lớn.
11 giải pháp chiến lược cho giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009-2020 |
– Đổi mới quản lý giáo dục – Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân và mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục – Đổi mới chương trình và tài liệu – Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập, kiểm định và đánh giá cơ sở giáo dục – Xã hôi hóa giáo dục – Tăng cường đầu tư cở sở vật chất kỹ thuật – Gắn đào tạo với nhu cầu xã hội – Hỗ trợ giáo dục đối với các vùng miền và người học được ưu tiên – Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu – Xây dựng các cơ sở giáo dục tiên tiến |
Tiến Dũng (theo VNE)
Bình luận (0)