Việc hứa hẹn bằng thời gian luân chuyển (5 năm) có thể là 1 giải pháp hay nhưng khó khả thi. Hiệu quả nhất là ưu đãi cho giáo viên dựa trên kinh phí đầu tư cho giáo dục. Ngoài ra, có thể luân chuyển Thứ trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc Sở… Nếu thành công, sẽ chọn được đội ngũ cán bộ tài giỏi thực sự, có kinh nghiệm thực tiễn cao.
Bạn đọc Thanh Phương (Hà Nội) nêu ý kiến xung quanh chủ trương Giáo viên có thể "đi nghĩa vụ" 5 năm.
Phải “vẽ” được đường đi
Giáo viên tiểu học ở Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Nếu mục đích luân chuyển cán bộ là nhằm tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế – xã hội… thì trước khi luân chuyển, phải có tổng kết và rút kinh nghiệm về những gì đã đạt được và chưa được. Chẳng hạn: Nhiệm kỳ trước, người tiền nhiệm, cấp ủy có người tiền nhiệm, đơn vị của người tiền nhiệm đã làm được gì? cái gì chưa được và tại sao?… Có như vậy thì người được luân chuyển mới có "đường " để đi!
Và công tác qui hoạch, luân chuyển sẽ không chỉ là nhiệm vụ riêng của Đảng, của chính quyền mà của toàn dân, những người có khả năng đều có thể chia sẻ và gánh vác nếu vị trí mới có nhiều khó khăn.Với ngành giáo dục cũng thế.
Ngoài ra, tôi nghĩ, mục tiêu lớn nhất của việc thúc đẩy giáo dục cho các vùng, miền khó khăn của đất nước là nhằm công bằng hoá giáo dục cho công dân.
Do đó, phải xác định ngân sách đầu tư dành cho mọi đối tượng thụ hưởng giáo dục quốc dân là bao nhiêu? Vàcác lợi thế xã hội được tính ra bằng tiền là bao nhiêu? Sau đó, công khai để các cơ sở đào tạo (không kể công lập hay tư thục, trong hay ngoài nước) sẽ chung sức cùng Nhà nước phát triển sự nghiệp giáo dục ở những vùng, miền khó khăn.
Lãnh đạo cũng phải luân chuyển
Về đối tượng luân chuyển, phải chăng chỉ có giáo viên?
Từ cơ sở, các địa phương cho đến Trung ương, chúng ta đang có rất nhiều cán bộ lãnh đạo có năng lực. Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao, vùng khó khăn… cũng cần phải có những cán bộ lãnh đạo có tâm và có tầm.
Tôi nghĩ, nhân dân cả nước chắc chắn sẽ không phàn nàn khi Bộ GD – ĐT tăng thêm mấy Thứ trưởng và một số cấp Vụ trưởng. Và chính số tăng thêm này sẽ được luân chuyển (tăng cường) đến các vùng, các miền cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo.
Ở các địa phương, nếu cần, cũng có thể luân chuyển cả Giám đốc Sở, các Trưởng phòng… về những vùng, miền có nhu cầu. Các chuyên gia, các nhà quản lý ở lại phải tập trung cao độ vào nhiệm vụ của mình hơn, và cũng không phải băn khoăn nhiều khi được (bị) luân chuyển.
Nếu thành công, chúng ta sẽ chọn được đội ngũ cán bộ tài giỏi thực sự, có kinh nghiệm thực tiễn cao.
Và làm theo cách này thì chủ thể của những quy định về luân chuyển sẽ không chỉ là giáo viên.
Ưu đãi cao, nhưng phải cam kết về chất lượng
Việc hứa hẹn bằng thời gian luân chuyển (5 năm) có thể là 1 giải pháp hay nhưng rất khó khả thi.
Theo tôi, hiệu quả nhất là ưu đãi cho giáo viên dựa trên kinh phí đầu tư cho giáo dục.
Việc chi cho giáo viên phải xác định là đầu tư, chứ không phải là chi hành chính thường xuyên.
Ví dụ: sau khi khảo sát, Bộ GD-ĐT quyết định đầu tư cho giáo dục của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là 100 tỷ đồng/năm. Qua mở thầu, chọn được 2 trường dân lập và 1 trường công lập trúng thầu. Ngoài lương của nhà trường, vốn ngân sách của Nhà nước sẽ cấp vào tài khoản cho giáo viên tình nguyện lên đó 20 triệu đồng/năm. Nhưng với điều kiện, trình độ học sinh phải đảm bảo đạt được một trình độ nhất định (theo yêu cầu của Bộ).
Như vậy, 1 giáo viên trẻ, tâm huyết nếu có quyết tâm và giảng dạy có hiệu quả thì sau 10 năm, ngoài lương, họ sẽ có ưu đãi lên tới 200 triệu đồng.
Tôi chắc, với trách nhiệm và tình cảm gắn bó, cộng với những ưu đãi về kinh tế như vậy, sẽ có nhiều người ở lại gắn bó với vùng sâu, vùng xa…
Đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng giáo dục giữa miền xuôi với miền ngược.
Thanh Phương (Hà Nội) (Vietnamnet)
Bình luận (0)