Văn hóa ứng xử học đường còn hạn chế, mạng xã hội có quá nhiều thông tin trái chiều, một số hoạt động dạy và học chưa thiết thực… là một trong những vấn đề học sinh (HS) đặt ra tại chương trình “Gặp gỡ giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT với HS TP năm 2017” diễn ra ngày 28-3.
HS mong muốn được thầy cô trang bị nhiều kiến thức sát với thực tế cuộc sống. Ảnh: D.Bình |
Chương trình có chủ đề “HS TP với văn hóa ứng xử học đường” với 160 HS tiêu biểu đại diện khối các trường THPT và TT GDTX tham gia.
Bạo lực bằng… ngôn từ
Đó là thực tế mà em Ngô Mỹ Uyên, HS Trường THPT Phú Nhuận nêu ra. Mỹ Uyên cho rằng: “Nhà trường có nhiều biện pháp xử lý bạo lực học đường nhưng em cho rằng bạo lực học đường không chỉ đánh nhau mà còn là bạo lực tinh thần. Một số bạn trẻ dùng ngôn từ, sức mạnh đám đông làm tổn thương tinh thần của người khác”.
HS này nêu lên thực tế, gần đây clip quay lại hình ảnh khá nhạy cảm của một nữ sinh 15 tuổi bị tung lên mạng, nhiều bạn trẻ vào bình luận với ngôn từ khiếm nhã khiến nữ sinh này tự tử. Hay trường hợp một nam sinh lớp 9 sát hại bạn nữ là việc tàn nhẫn nhưng bạn bè, giới trẻ lại thờ ơ, thậm chí có nhiều lời đùa giỡn trên mạng xã hội. Từ những dẫn chứng này, Mỹ Uyên cảm nhận bạn trẻ ngày càng trở nên vô cảm trên mạng xã hội lẫn trong môi trường học đường.
Nhiều HS khác cho rằng, bên cạnh những thông tin tích cực, mạng xã hội còn có hàng loạt thông tin trái chiều, tiêu cực ảnh hưởng đến giới trẻ. Vì vậy, nhiều em đặt vấn đề là làm thế nào để trở thành người sử dụng mạng xã hội thông minh? “Mạng xã hội, cụ thể facebook là một phần không thể thiếu của HS. Tuy nhiên, những clip đánh nhau, chửi nhau, những bình luận tục tĩu diễn ra nhiều. Vậy HS phải làm thế nào để tận dụng mạng xã hội hiệu quả nhất, không gây ảnh hưởng xấu đến mọi người?”, một HS Trường THPT Đinh Thiện Lý băn khoăn.
Cũng từ mạng xã hội, các em được tiếp cận nhiều luồng văn hóa. Đức Huy, HS Trường THPT Việt Úc chia sẻ: “Chúng em đang sống trong thế giới mở, hội nhập với quốc tế. Theo đó, lối sống ở nước ngoài tự do, phóng khoáng có thể không phù hợp với phương Đông. Chẳng hạn như một MV ca nhạc nước ngoài có các ngôn từ, trang phục không phù hợp với trẻ dưới 18 tuổi. Vậy ngành GD-ĐT có cách nào định hướng HS sống hòa nhập quốc tế nhưng không làm mất bản sắc văn hóa Việt hay không?”.
Nói về mạng xã hội, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị nhà trường quan tâm đến nội dung này cụ thể hơn như tổ chức các buổi tập huấn, chuyên đề về sử dụng mạng xã hội một cách có chọn lọc. Trong khi không chặn được hết trang mạng thì phải có tác động cá nhân như tạo trang mạng xã hội liên kết với HS để kịp thời phát hiện những chia sẻ tiêu cực nhằm có biện pháp xử lý. Riêng bản thân mỗi HS phải biết chia sẻ, nhìn nhận thông tin, lọc lại hình ảnh và biết phản bác các thông tin chưa đúng…
Một số hoạt động cần đổi mới
Cùng với những băn khoăn về sử dụng mạng xã hội, HS cũng đề xuất nhiều ý kiến để nội dung các tiết học trở nên thiết thực hơn, đặc biệt là với bộ môn giáo dục công dân và ngữ văn.
“Ngành GD-ĐT đã quan tâm đến giá trị của bộ môn giáo dục công dân và đưa bộ môn này vào kỳ thi THPT quốc gia. Em thấy môn học này có một số kiến thức cần thiết nhưng chưa phù hợp với lứa tuổi…”, Trần Đặng Mai Anh, HS THPT Lam Sơn đề xuất.
Võ Phi Thành Đạt, HS lớp 11 B11, THPT Nguyễn Du cho rằng, môn văn mang nội dung hay nhưng phương thức truyền đạt trong thời kỳ hội nhập sâu và rộng này không còn phù hợp. Thành Đạt đề xuất, Sở GD-ĐT nên xây dựng chương trình thiết thực hơn như văn học ứng dụng, đem những câu chuyện thiết thực ra để HS ứng dụng lý thuyết vào thực tế.
Ngoài việc góp ý để các môn học gắn liền với ứng dụng thực tế hơn, HS cũng đề đạt cho hoạt động của phòng tư vấn tâm lý và các tiết chào cờ, sinh hoạt chủ điểm… Vũ Thị Thu Cúc, HS Trường THPT Trần Khai Nguyên nêu thực tế: “HS rất sợ nói ra vấn đề của mình do chưa cảm nhận được sự lắng nghe, thấu hiểu từ gia đình, thầy cô, bạn bè. Các trường đều thành lập phòng tư vấn tâm lý nhưng hoạt động chưa hiệu quả, HS ít tin tưởng. Do đó, em muốn phòng tư vấn tâm lý hoạt động mạnh mẽ hơn”.
Đỗ Nhật Vi, HS Trường THCS-THPT Đức Trí cũng đặt vấn đề: “Giờ chào cờ, thầy cô thường phát biểu hoạt động, thi đua… còn HS ở dưới thường ồn ào, mất trật tự. Vậy có cách nào để giờ chào cờ nghiêm túc hơn, HS cư xử có văn hóa hơn?”.
Về những vấn đề này, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT cho biết: “Việc xây dựng chương trình nhằm giáo dục nhân cách cho HS không phải từ THPT mà cấp học nhỏ đã thực hiện. Sắp tới SGK mới sẽ bổ sung nhiều nội dung mới gắn liền với hoạt động thực tế, gần gũi với HS”. Ông Tân cho rằng, giáo viên, nhà trường phải suy nghĩ, điều chỉnh, đưa thêm nội dung dạy học giáo dục giúp HS xây dựng văn hóa tốt, biết đề kháng trước thông tin xấu để cùng chung tay xây dựng văn hóa Việt ngày càng tốt…
Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT cũng chia sẻ: “Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho các trường tạo nhiều màu sắc trong giờ sinh hoạt dưới cờ để tiết sinh hoạt này thiết thực, sinh động hơn”.
Phát biểu kết luận, ông Lê Hồng Sơn đề nghị các trường tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tổ chức nhiều hoạt động hơn cho HS. Ông nhấn mạnh: “Nhà trường phải xếp thời khóa biểu, dành thời gian hợp lý cho các chuyên đề sinh hoạt ngoại khóa, tiết học ngoài nhà trường…”.
Dương Bình
Bình luận (0)