Ngày 4.7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp khoảng 220 thị trưởng các đô thị xảy ra bạo loạn. Trong nỗ lực trấn áp bạo lực kéo dài nhiều đêm sau khi cảnh sát bắn chết thanh niên 17 tuổi Nahel, ngày 3.7, Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin tuyên bố, 45.000 cảnh sát và hiến binh được triển khai trên khắp nước Pháp.
Lãnh đạo Pháp nỗ lực kiểm soát làn sóng bạo lực.
Tổng thống huỷ công du nước ngoài
Tổng thống Emmanuel Macron hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức vốn dự kiến bắt đầu từ ngày 2.7 để xử lí cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kì của ông kể từ cuộc biểu tình "Áo vàng" lan rộng khắp nước Pháp vào cuối năm 2018 – Reuters cho hay.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào lúc 19h30 tối 2.7 với các thành viên cấp cao của Chính phủ sau 5 đêm bất ổn ở vùng Paris. Thủ tướng Elisabeth Borne, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin và Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupond-Moretti tham dự cuộc họp tại Điện Elysee để đánh giá tình hình trên cả nước.
Một quan chức Pháp giấu tên tham gia cuộc họp tiết lộ với New York Times, ông Macron yêu cầu chính quyền “tiếp tục làm mọi việc để lập lại trật tự và đảm bảo bình yên trở lại”. Quan chức này nói thêm, ông Macron cũng yêu cầu “thực hiện một dự án dài hạn để hiểu sâu căn nguyên của tình hình”. Tiếp đó, ngày 4.7, ông Macron sẽ tổ chức cuộc gặp khoảng 220 thị trưởng các đô thị xảy ra bạo loạn – văn phòng tổng thống thông tin.
Hồi giữa tháng 4, ông Macron tuyên bố cho bản thân 100 ngày để mang tới sự hoà giải và thống nhất một đất nước bị chia rẽ sau các cuộc đình công và thậm chí cả biểu tình bạo lực phản đối tăng tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, cái chết của Nahel đã thổi bùng những vấn đề tồn tại. Hơn 3.000 người đã bị bắt giữ sau khi Pháp triển khai các biện pháp an ninh hàng loạt.
Nỗ lực lập lại trật tự
Chính phủ Pháp cho biết, cuộc bạo loạn mới nhất xảy ra sau đám tang của Nahel ngày 1.7 ở ngoại ô Nanterre của Paris, ít dữ dội hơn so với những đêm trước.
Kể từ khi Nahel bị bắn, những kẻ bạo loạn đã đốt ôtô, cướp phá các cửa hàng, đồng thời nhắm mục tiêu vào các cơ quan nhà nước – tòa thị chính và đồn cảnh sát. Có 10 trung tâm thương mại đã bị cướp phá trong làn sóng bất ổn và hơn 200 siêu thị cũng đã bị tấn công, cùng với rất nhiều cửa hàng thuốc lá, ngân hàng, cửa hàng thời trang và cửa hàng thức ăn nhanh, theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire.
Trong khu vực Paris, nhà của thị trưởng L'Hay-les-Roses, ông Vincent Jeanbrun, bị tấn công khi vợ con ông đang ngủ trong nhà. Thủ tướng Elisabeth Borne đã tới L’Hay-les-Roses để bày tỏ sự ủng hộ thị trưởng. Bà gọi vụ tấn công là không thể chấp nhận được, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ sẽ áp dụng các hình phạt nghiêm ngặt hơn với những người tấn công các đại diện địa phương.
Ngày 2.7, bà của Nahel – thanh niên bị cảnh sát bắn chết trong khi chặn giao thông ở ngoại ô Paris ngày 27.6 – chia sẻ mong muốn ngừng bạo loạn trên toàn quốc. Bà cho biết, những kẻ bạo loạn đang sử dụng cái chết của Nahel, 17 tuổi, như một cái cớ để gây ra bất ổn và gia đình muốn được yên bình.
"Tôi nhắn nhủ những phần tử bạo loạn hãy dừng lại. Nahel đã chết" – bà Nadia nói trên BFM TV.
Sĩ quan cảnh sát có liên quan tới vụ bắn chết Nahel thừa nhận đã bắn một phát súng gây tử vong. Sĩ quan cảnh sát nói với các nhà điều tra rằng, ông muốn ngăn chặn một cuộc rượt đuổi cảnh sát nguy hiểm. Luật sư Laurent-Franck Lienard đại diện cho sĩ quan cảnh sát này cũng khẳng định, thân chủ không có ý định giết Nahel.
Về diễn biến bạo loạn, điểm nóng lớn nhất trong đêm 2.7 là Marseille. Tại đây, cảnh sát bắn hơi cay và đụng độ trên đường phố với thanh niên xung quanh trung tâm thành phố cho đến tận đêm khuya. Tình trạng bất ổn cũng xảy ra ở Paris, thành phố Riviera của Nice và ở phía đông Strasbourg.
Cảnh sát trưởng Paris Laurent Nunez cho biết, còn quá sớm để nói rằng, tình trạng bất ổn đã được khống chế.
"Thiệt hại rõ ràng là ít hơn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục huy động lực lượng trong những ngày tới. Chúng tôi đang rất tập trung, không ai tuyên bố chiến thắng" – ông nhấn mạnh.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)