Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lãnh thổ và biển đảo được đưa vào đề thi Địa lý

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ khoảng 2/3 thời gian làm bài môn Địa lý trong buổi thi sáng 3/7, nhiều thí sinh đã ra khỏi hội đồng thi với tâm trạng phấn khởi và cho rằng đề thi không khó, nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và chỉ cần dựa vào Atlat là có thể làm được 50% bài thi.

Với tâm trạng phấn khởi, thí sinh Minh Đức (Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hóc Môn) dự thi tại điểm thi trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Q.Gò Vấp) chia sẻ: Đề thi môn Địa lý tương đối dễ, có khoảng 80% nhìn vào Atlat, vận dụng kiến thức từ bên ngoài là có thể làm bài được, chỉ có 20% là những câu học thuộc bài. Riêng ở câu 4 chứng minh nước ta có điều kiện tự nhiên phát triển ngành kinh tế biển và giải thích tại sao khai thác tài nguyên biển có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế biển và bảo vệ tổ quốc thì đòi hỏi thí sinh bên cạnh những kiến thức trong sách vở đã được học còn phải biết vận dụng kiến thức xã hội, đặc biệt là theo dõi về tình hình thời sự. Đối với em câu này không quá khó vì em sinh ra ở miền sông nước nên em biết được tầm quan trọng của khai thác tài nguyên biển. Với đề Địa lý này em nghĩ mình làm khoảng 80%, đây là môn thi em xét tuyển vào đại học.

Vừa hết 2/3 thời gian thi môn Địa lý, rất nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi.

Còn thí sinh Bế Thị Loan, trường THPT Đăng Hà (Bình Phước) nói: Đề không quá khó, vì đây chỉ là môn xét tốt nghiệp nên em không tập trung học bài nhiều. Tuy nhiên, nhìn vào Atlat em cũng có thể làm được 50%. Em thấy đề ra thi thật còn dễ hơn đề thi thử của tụi em. Tương tự, thí sinh Hồ Thanh Phước, trường THPT Âu Lạc (Gò Vấp) cũng hồ hởi cho biết: Đề không đánh đố, những câu hỏi rất rõ ràng. Đa số kiến thức nằm trong chương trình ôn tập, trong đó có 50% trong sách giáo khoa và 50% mang tính tổng hợp. Thí sinh phải biết vận dụng kiến thức tổng hơp vì các câu hỏi không hỏi trực tiếp, tuy nhiên câu hỏi cũng không đánh đố thí sinh nhiều. Đề này em làm được khoảng 50%.

Thí sinh thích thú với đề thi môn Địa lý sáng nay

Cùng với chủ đề biển đảo, nhiều thí sinh thích thú với câu 1 phần II dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam xác định các tỉnh của nước ta có đường biên giới trên đất liền chung với Trung Quốc. Thí sinh Nguyễn Đức Tiến (trường THPT An Lac) thi tại Hội đồng thi Đại học Sài Gòn, cho rằng với câu hỏi này giúp học sinh nhớ hơn, xác định rõ hơn về biên giới lãnh thổ của nước mình. "Em thấy đề thi năm nay không khó nhưng lại bám sát với những vấn đề đang "nóng" của đất nước như vấn đề về lãnh thổ và biển đảo", Tiến cho biết.

Theo các giáo viên, đề thi môn Địa lý vừa sức thí sinh, bám sát chương trình học. Các câu hỏi không đánh đố thí sinh, ngay cả phần vẽ biểu đồ cũng có yêu cầu rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho thí sinh. Đề thi đã cập nhật vấn đề thời sự về biên giới và biển đảo, qua đó khẳng định được chủ quyền về lãnh thổ trên biển, trên đất liền và không phận của Việt Nam. Câu 4 là câu có tính phân hóa cao. Để làm tốt câu này thí sinh phải có kiến thức tổng hợp khả năng phân tích tốt.

Đánh giá về đề thi Địa lý, thầy Nguyễn Văn Quang, Tổ trưởng môn Địa lý trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhận định đề thi tương đối dễ, có phân loại thí sinh với nội dung kiến thức trải rộng từ tự nhiên, kinh tế xã hội, dân cư… Trong 2 câu đầu khá dễ với thí sinh. "Các em nếu nắm bài kỹ chắc chắn sẽ đạt được 4 điểm. Đối với câu 3, vẽ biểu đồ, tuy học sinh ít được ôn tập dạng này nhưng vẫn có thể đạt được điểm tối đa nếu nắm vững kiến thức. Riêng câu 4 khá khó đối với học sinh. Với học lực trung bình, học sinh có thể làm từ điểm 7 trở lên", thầy Quang cho biết.

Theo Đan Phương/ Báo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)