Y tế - Văn hóaThư giãn

Lành thơm một tấm lòng quê!

Tạp Chí Giáo Dục


Bìa quyển sách “Món ngon quê nhà”

Nhận được quyển sách “Món ngon quê nhà” của chuyên gia nghiên cứu văn hóa – TS. Dương Hoàng Lộc do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, tôi đã đọc một mạch. Tác phẩm lần này của anh viết về ẩm thực đã cuốn hút tôi bởi sự phong phú về nội dung, sự nhẹ nhàng, hấp dẫn ở cách trình bày, sự trong sáng, ý nhị, trẻ trung của người từng trải nghiệm. Và đặc biệt, tấm chân tình của tác giả dành cho từng món ăn, hương vị của quê nhà rất tha thiết, chuẩn xác, dễ thấm vào lòng người như lời tựa tác giả đã viết: “Thật ra, ăn đâu chỉ để no, để ngon mà qua đó còn hướng con người đến với Chân, Thiện, Mỹ”.

Từ xưa đến nay, món ăn Việt Nam đều có những nét riêng, sắc thái độc đáo của từng vùng miền, tạm gọi là văn hóa ẩm thực. Cốt lõi của văn hóa ẩm thực là “những tri thức hợp lý liên quan đến việc ăn ngon” và trụ cột của nó là nghệ thuật nấu ăn và khả năng thưởng thức. Cả hai việc này, tác giả đã thành công khi hướng đến người đọc bằng những tri thức khoa học về ẩm thực kết hợp với những phân tích nhẹ nhàng sâu lắng về văn hóa phong tục, kỹ thuật của chế biến món ăn và nâng tầm giá trị phi vật thể của ẩm thực. Do vậy, “Món ngon quê nhà” không chỉ đơn giản giới thiệu thức ăn ngon mà còn là hồi ức và cảm xúc đẹp đã luôn song hành với tác giả.

Thật vậy, thiện ý của anh khi viết sách này là cố gắng chia sẻ, chắt lọc, tìm tòi những món ăn đặc trưng của quê nhà, cái mà tác giả cho là tinh túy để trao tặng cho những ai muốn thưởng thức, muốn biết hoặc giải trí trong lúc thư nhàn. Do vậy, giọng văn ở mỗi bài viết của anh rất tự nhiên, giản dị, không hàn lâm kinh viện, cứ thong thả, nhẹ nhàng, thủ thỉ lắm điều nhiều chuyện về ẩm thực. Mỗi câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng lắng lại tiếng lòng của tình yêu quê hương, làm nổi bật tri thức văn hóa bản địa nơi anh từng sinh sống. Sâu sắc hơn, ẩn đằng sau những “món quà quê” này là nét đẹp của giáo dục nhân bản, đưa hơi ấm vào từng bữa cơm gia đình, đưa bạn hữu xích lại gần nhau, tôn trọng nhau, quý mến nhau, nhờ đó mang lại những giá trị tích cực trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, vươn đến giá trị “thực đạo” của người Việt, như anh chia sẻ: “…Nhiều món ăn nơi cửa thiền ngon và thanh đạm phải chăng nhờ vào tâm lành cùng hạnh nguyện phụng sự chúng sanh của người nấu?”. Quan niệm về ẩm thực của anh luôn có dấu ấn của văn hóa, lối sống đạo đức thiện lành. Phải chăng tác giả muốn gửi gắm thông điệp: Thông qua việc ăn uống, để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần hoàn hảo, thì khả năng linh cảm hay trí phán đoán sẽ khai mở, tâm trí thăng hoa và sự cảm nhận sẽ thuần khiết hơn?

Tôi tin rằng, quyển sách “Món ngon quê nhà” của TS. Dương Hoàng Lộc sẽ là một tài liệu bổ ích, lý thú đối với những người yêu mến văn hóa ẩm thực và đặc biệt là các bạn trẻ theo học chuyên ngành du lịch. Còn nhớ, hơn mười năm trước, khi đến Việt Nam, Philip Kotler – cha đẻ của Lý thuyết Marketing hiện đại đã khuyến khích: “Việt Nam hãy là bếp ăn của thế giới”. Đây là một nhận định sâu sắc của ông về truyền thống lẫn sự đa dạng ẩm thực của đất nước ta. Nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam đã đánh giá: “Việt Nam là thiên đường ẩm thực” với những món ăn đặc sắc, hương vị thơm ngon không thể quên ở mỗi điểm đến. Và ẩm thực Việt vẫn luôn “ghi điểm” với du khách quốc tế nhờ vị ngon đậm đà, ẩn chứa giá trị triết học sâu sắc hòa cùng vẻ đẹp tinh thần, nét tài hoa của dân tộc. Tác phẩm này của anh, một lần nữa đã củng cố thêm phần nào nhận định đó.

ThS. Nguyn Hiếu Tín

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)