Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Lào Cai: 4 bố con một người dân tộc Pa Dí đều là cử nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là 4 bố con ông Pờ Sảo Mìn, 65 tuổi, người dân tộc Pa Dí hiện ở xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Là nhà thơ có tiếng của vùng Tây Bắc, ông Mìn được bà con huyện Mường Khương khen ngợi là gia đình có tinh thần hiếu học.

Theo lời kể của cựu giáo chức Trịnh Quang Hãnh hiện là hàng xóm của ông Pờ Sảo Mìn, ông Mìn mồ côi cha từ nhỏ vì cha bị bọn phỉ sát hại trên đường đi công tác. Sau đó không lâu mẹ lại qua đời vì bị bệnh hiểm nghèo nên Pờ Sảo Mìn được cán bộ của huyện Mường Khương đưa về nuôi dưỡng.
Ông Pờ Sảo Mìn đang đọc báo điện tử để cập nhật thông tin.
Bà con vùng cao huyện Mường Khương lâu nay không chỉ biết Pờ Sảo Mìn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là nhà thơ duy nhất của dân tộc Pa Dí (một trong số dân tộc rất ít người nằm trong nhóm Tày – Nùng của miền núi phía bắc Việt Nam), mà họ còn khen ngợi gia đình của ông là một trong số không nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở địa phương có tinh thần hiếu học.
Nhà giáo ưu tú Cao Văn Tư, nguyên giám đốc sở Giáo dục – đào tạo tỉnh Lào Cai, phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lào Cai, khẳng định với chúng tôi: “Gia đình ông Pờ Sảo Mìn xứng đáng là một tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó để học tập và đỗ đạt cao của tỉnh Lào Cai rất cần được biểu dương cổ vũ.  Bởi vì ngoài sự quan tâm đặc biệt của nhà nước ra đối với học sinh dân tộc ít người, rất cần sự động viên, giúp đỡ nhiều mặt của gia đình đối với con em của mình trong thời gian đi học xa nhà.”
Từ một thiếu niên không biết chữ do hoàn cảnh gia đình và từ một người đi chăn ngựa cho cơ quan huyện Mường Khương sau kháng chiến chống thực dân Pháp và tiễu phỉ ở vùng biên giới, Pờ Sảo Mìn đã vừa làm, vừa học và tốt nghiệp văn hóa cấp II.
Năm 1970, Pờ Sảo Mìn là một trong những thanh niên dân tộc ít người đầu tiên của tỉnh Lào Cai được chọn sang học nghề cơ khí luyện kim ở Tiệp Khắc. Do có năng khiếu về văn học nên sau khi trở về quê hương làm công nhân được vài năm, Pờ Sảo Mìn đã xin chuyển sang làm việc ở hội văn nghệ tỉnh Lào Cai. Tiếp đó anh là người thứ hai ở tỉnh Lào Cai (sau nhà văn người dân tộc Mông Mã A Lềnh) được chọn thẳng vào học và sau đó tốt nghiệp với bằng cử nhân sáng tác văn học (khóa 2) của  trường viết văn Nguyễn Du.
Hiện nay, Pờ Sảo Mìn là nhà thơ có tiếng của vùng Tây Bắc và ông đã được trao một số giải thưởng văn học – nghệ thuật ở trung ương và địa phương, trong đó có giải thưởng Phan Si Păng đợt đầu năm 2002 trị giá 10 triệu  đồng cho tập thơ Cây hai ngàn lá (giải thưởng Phan Si Păng là giải thưởng cao nhất về văn học – nghệ thuật của UBND tỉnh Lào Cai xét tặng 5 năm một lần).
Con trai cả của ông Pờ Sảo Mìn – anh Pờ Vần Nam, sinh năm 1975, là cử nhân văn hóa dân tộc của trường ĐH Văn hóa Hà Nội, hiện là phó giám đốc Trung tâm Văn hóa – thể thao huyện Mường  Khương. Pờ Vần Nam có vợ là cô giáo Vương Thị Hồng (người dân tộc Nùng ), tốt nghiệp trường CĐ Sư phạm Lào Cai, hiện làm việc ở trường mầm non xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương.
Con gái thứ ba của ông Mìn – chị  Pờ Sử Quý, sinh năm 1977, có trình độ cao nhất nhà vì có tới 2 bằng cử nhân (ngành Du lịch và Ngoại ngữ) của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, hiện đang làm việc trong ngành du lịch của thủ đô Hà Nội.
Còn cậu con trai út Pờ Sủ Cường, sinh năm 1978, là cử nhân ngoại ngữ của trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, hiện đang giảng dạy tại trường THCS xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Trước đây, Pờ Sủ Cường đã xa nhà gần 100 cây số tới dạy học ở xã vùng sâu vùng xa Cốc Lầu, bây giờ anh lại chuyển sang công tác ở xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà.
Tâm sự với chúng tôi, nhà thơ Pờ Sảo Mìn rất tự hào về người vợ hiền đảm của ông là  nữ cựu giáo chức Thền Lền Dín (59 tuổi, người Nùng, cùng quê ở vùng cao Mường Khương) đã vượt qua nhiều gian khó của thời bao cấp để bám bản dạy học trò vùng cao và cùng chồng dạy bảo ba người con ăn học đến nơi đến chốn.
Pờ Sảo Mìn rất vui trước sự thành đạt của các con, ông bảo tất cả là nhờ ơn Đảng và chính phủ đã có chính sách ưu đãi với đồng bào các dân tộc ít người, trong đó có dân tộc Pa Dí.
Phạm Ngọc Triển/Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)