Ngày 17/1, phóng viên có mặt tại trường THCS Sa Pả (thị trấn Sa Pa) và bất ngờ trước tình trạng ngôi trường này đã đóng cửa khi mới vào tiết học thứ 2. Nguyên nhân là học sinh đua nhau bỏ học lên rừng chặt đào mang đi bán.
Tình trạng "chặt kèm theo phá" cây đào ở huyện Sapa (Lào Cai) không chỉ làm mất dần cảnh quan, môi trường trên địa bàn, mà còn phát sinh nạn học sinh đua nhau bỏ học đi chặt đào.
Trao đổi với Hiệu trưởng Nguyễn Thị Luyến, cô cho biết: Từ ngày mùng 10/1 đến nay các em học sinh bỏ học rất nhiều, so với những năm trước tăng đột biến. Lớp có học sinh đi học nhiều nhất cũng chưa “quá bán“. Trường đã cử các giáo viên đến từng hộ gia đình để vận động phụ huynh thúc dục con em mình đến trường để bảo đảm chương trình.
Nhưng những câu trả lời nhận được từ phía phụ huynh là: "Cho bọn trẻ nghỉ học vài hôm đi chặt đào kiếm tiền tiêu tết, đi học cô giáo có cho chúng nó tiền không?". Vì vậy, dù hết lời động viên lẫn răn đe thì học sinh vẫn "đua" nhau nghỉ học.
Đến các điểm trường khác chúng tôi cũng gặp tình trạng như vậy ở xã Bản Hồ, Lao Chải… Các giáo viên ở đây tâm sự, chỉ mong tết này qua nhanh để các em học sinh đến trường trở lại.
Điều đáng lo nữa là nhiều em nhỏ 7 đến 8 tuổi trèo lên tận những quả núi chót vót rất nguy hiểm đến tính mạng để chặt những cành đào mang xuống thị trấn bán.
Tại thị trấn Sapa cảnh tượng rất nhiều em nhỏ ngồi la liệt ôm những cành đào "rao bán". Em Lý Láo Sử nói: “Để kiếm được cành đào đẹp, cháu phải đi nửa ngày đường mới có. Những cây đào ở gần đây người ta chặt hết từ lâu rồi, còn nhiều đứa bạn cháu chặt được cành đào thì trời đã tối, bỏ lại sợ bị mất nên chúng nó ở lại đốt lửa ngủ trong rừng luôn, chờ sáng sớm hôm sau mới về“.
Cô Trần Thị Sự, Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết: Phòng thường xuyên tổ chức đi kiểm tra, kết quả tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt 85%. Song có một số trường tỷ lệ các em nghỉ học quá cao như Sa Pả, Lao Chải, San Bản Hồ… Mặt khác, trách nhiệm của chính quyền một số xã trong việc vận động, quản lý học tập của các em học sinh hầu như không có.
Hiện tượng học sinh một số trường trên địa bàn huyện bỏ học đi chặt cành đào bán ở thị trấn là chuyện có thật và diễn ra phổ biến trong thời gian qua. Phòng rất mong báo chí lên tiếng để các cơ quan chức năng và người dân thấy được tác hại của việc chặt đào ở Sapa nói riêng, các tỉnh miền núi nói chung để hiện tượng này không còn tái diễn những năm tiếp theo.
Ông Thào A Seng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sapa bức xúc: Với chức năng là bảo vệ rừng, thấy đào cổ thậm cả đào non bị chặt phá rất xót xa. Nhưng kiểm lâm lại không ngăn cản được tình trang này, vì luật pháp không có điều khoản cấm khai thác đào.
Theo TTXVN
Bình luận (0)