Công việc tại các rạp chiếu phim vốn khá đơn giản, nhẹ nhàng lại ở trong mát và thời gian khá linh động cho những bạn sinh viên muốn đi làm thêm kiếm tiền. Nắm bắt tâm lý này, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm “ma” đã lợi dụng để dụ dỗ, lừa gạt những người nhẹ dạ cả tin nộp tiền lệ phí tìm việc. Thế nhưng, thời gian qua đi tiền thì đã đóng mà việc không thấy, trung tâm tìm kiếm việc làm cũng “lặn” mất tăm.
Địa chỉ trên đường Trần Hưng Đạo – nơi người viết đóng giả đến xin việc vào rạp chiếu phim |
Bí ẩn những trung tâm môi giới việc làm
Đối tượng phần lớn là sinh viên có số tiền rất eo hẹp, thế nhưng lại rất chịu chi khi tin vào những lời hứa hẹn béo bở của những “cò” việc siêu hạng và chuyên nghiệp. Bạn Thùy Dung (sinh viên ĐH Sư phạm – TP.HCM) cho biết: “Làm ở các rạp chiếu phim thời gian khá linh động, ngoài giờ học nên tôi đã liên hệ ở trung tâm xin việc trên đường CMT8. Tôi đến ghi tên để lại địa chỉ, số điện thoại và nộp 300.000 đồng phí xin việc. Lần thứ nhất, tôi được cho địa chỉ đến phỏng vấn lại kêu đóng thêm 200.000 đồng nữa. Tôi không đồng ý, nên quay lại lấy tiền thì được cho một địa chỉ khác đi phỏng vấn ở Pico Plaza, nhưng tới nơi thì không có tuyển người như ở trung tâm đã ghi. Tôi quay lại thì chỉ nhận được câu trả lời “tiền này không lấy lại được đâu em, em đi phỏng vấn em chống đối người ta, người ta không nhận em, ở đây chúng tôi có nhận phản hồi rồi”. Dựa vào cớ đó là họ “xù” tiền”.
Trên các trang tìm việc trên mạng thường đăng bừa với nội dung “làm thêm tại CGV mức lương từ 7-10 triệu/ tháng, nộp hồ sơ đi làm ngay, không phải chờ đợi, bảo đảm uy tín…” chỉ việc nhấn vào nút nộp hồ sơ là sẽ có người liên hệ phỏng vấn ngay. Thế nhưng, nơi gọi đến lại không phải công ty “chính chủ” mà là một trung tâm khác tự xưng là được CGV ủy nhiệm chỉ tuyển người riêng cho hệ thống rạp chiếu phim. Có lẽ, vị trí hệ thống rạp chiếu phim này nằm ở những trung tâm thương mại lớn đã khiến cho không ít bạn sinh viên có nhu cầu tìm việc phải “nổi sóng”, muốn vào làm ngay.
Tôi liên hệ địa chỉ trên một website tìm việc trên mạng, không mất công nộp hồ sơ xin việc online, chỉ gọi vào điện thoại hỗ trợ là được “đặc cách” mang hồ sơ đến nộp trực tiếp. Một căn nhà khá khang trang nằm trong một con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, không có bảng tên chỉ những tờ quảng cáo chi chít những công việc cho các ứng viên tham khảo. Trước tiên, tôi phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân vào một tờ giấy “Thông tin ứng viên”. Sau khi xem qua thông tin thì chỉ hỏi có mang theo hồ sơ không? Tôi được dẫn lên lầu 1, theo như giải thích là tôi sẽ gặp trưởng phòng nhân sự, một nhân viên hành chính và một người phụ trách sắp xếp vị trí làm việc. Kết thúc buổi phỏng vấn, nhân viên hành chính yêu cầu muốn đi làm ngay thì phải nộp 500.000 đồng là ngày mai đi làm ngay. Khi hỏi sao tuyển dụng lại phải nộp tiền thế chân thì nhận được câu trả lời: “Đây là phí quy định bắt buộc của người phỏng vấn nếu muốn đi làm!”. Sau đó, chị ta tính cho với mức lương 7 triệu/tháng thì nộp 500.000 đồng có là gì đâu!”.
Bạn Ái Điệp cũng từng bị trung tâm này “xử đẹp” 300.000 đồng, sau khi nộp tiền đợi 1 tuần mà vẫn không thấy gọi đi làm. Đến hỏi thì chỉ nhận được lý do đợt này đông người xin việc nên ưu tiên người đến trước. Sau 3 lần đến đòi lại tiền không được thì tôi đã quyết định xem như tiền đó là tiền “ngu”, lần sau rút kinh nghiệm bởi không có chỗ nào phỏng vấn nhân viên là lấy tiền cả”.
Không chỉ công việc tại rạp chiếu phim mà ngay công việc bán hàng tại các trung tâm thương mại lớn cũng được lợi dụng để trục lợi. Sau khi nhận được lời hứa hẹn “em cứ về đi rồi chúng tôi sẽ a lô thông báo bạn đi làm” thì người tìm việc cứ đợi mãi mà chẳng thấy ai gọi đi làm, tất cả chỉ là chờ đợi cho tới khi người tìm việc tự bỏ cuộc.
“Không có nơi tuyển dụng nào phải đóng tiền trước!”
Đây là khẳng định của ông Phạm Viết Phúc – Giám đốc Công ty Viễn thông Việt Hùng. Ông chia sẻ: “Trước đây công ty tôi cũng bị nhiều ứng viên gọi về phản ánh tình trạng bị dùng tên tuổi của công ty để phỏng vấn tìm người làm. Kẻ xấu họ lên những trang tìm việc tìm những công ty đang có nhu cầu tìm việc rồi mạo danh để đăng tin. Sau đó, có ứng viên họ sẽ phỏng vấn và thu tiền. Trên thực tế, không có bất kì một nơi tuyển dụng nào phải đóng tiền trước. Các công ty muốn tuyển người họ chỉ đăng tin tuyển người thấy ứng viên nào phù hợp họ sẽ gọi phỏng vấn và đi làm. Mọi chế độ được trao đổi kỹ hôm phỏng vấn từ thời gian thử việc, lương, các chế độ khác…”.
Để khiến cho người xin việc tin, thì ngoài việc nhẹ lương cao, thì các chế độ đãi ngộ cũng được nhắc tới như ngày lễ là 300% lương + thưởng, tăng ca tăng 150% lương. Đặc biệt là yêu cầu tuyển dụng khá dễ dãi, không cần kinh nghiệm, không cần trình độ, số lượng tuyển đông, tặng sổ tiết kiệm… tuy không mới nhưng chiêu này vẫn còn lừa được khá nhiều người nhẹ dạ.
Để không bị lừa thì người tìm việc nếu có tìm việc trên mạng thứ nhất, nên chọn những công ty ở những website uy tín về tìm việc và nhìn kỹ những công ty nghiêm túc thường có dấu “đã xác thực” ở trên đầu. Nghĩa là những công ty này đã được kiểm tra về thông tin công ty, nhu cầu tuyển dụng là đúng. Ngược lại những công ty “đang chờ xác thực” thì không nên nộp hồ sơ sớm. Thứ hai, với những thông tin tuyển dụng tìm thấy thì nên trực tiếp đến nộp hồ sơ, miễn trung gian nếu có thông tin tuyển dụng “ma” sẽ nhận được thông báo là không tuyển dụng. Thứ ba, lỡ rơi vào “hang hùm” thì nên tìm cách thoái thác đi ra ngoài khi bị đề cập đến vấn đề “đặt cọc công việc” bằng một khoản tiền nho nhỏ để giữ chân.
Có lẽ số tiền từ 300.000-500.000 đồng không phải là quá lớn nên chẳng ai muốn đứng ra tố cáo làm gì và chỉ xem như đó là “tiền… ngu” rồi cho qua chuyện. Cảnh báo không có việc gì nhẹ lương cao thế nhưng vẫn có những người nhẹ dạ cả tin, tin vào những lời hứa hẹn lừa phỉnh để rồi mất tiền mà không có việc làm. Chiêu cũ xài lại, các “cò việc làm” vẫn lừa được nhiều người, đặc biệt là những bạn sinh viên, những người cần việc.
Bài, ảnh: Phạm Quyên
Bình luận (0)