Một lớp học ở Lào (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Lào đang phải đối mặt với vấn đề chất lượng giáo dục thấp khi so sánh với các nước lân cận. Đây là vấn đề nổi cộm, gây lo lắng cho những người có trách nhiệm và cần có một động thái để giải quyết càng sớm càng tốt.
Hệ thống nông nghiệp hiện tại ở đất nước này là một lý do đáng quan tâm. Rất nhiều bậc phụ huynh không cho con mình đến trường học trong suốt mùa gieo trồng và thu hoạch (kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12) để chúng có thể ở nhà phụ giúp gia đình.
Mặt khác, số lượng giáo viên theo nghề trở về vùng nông thôn nơi họ sinh ra để làm việc không tương xứng với số người tốt nghiệp. Nguyên nhân của việc thiếu giáo viên này là do họ không thấy được sức hấp dẫn của quyết định trở lại quê hương dạy học – ông Lytou Baopao, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lào đã nhấn mạnh như vậy trong báo cáo gửi đến Ngân hàng Thế giới về việc phát triển giáo dục ở Lào. Ngoài ra còn có các vấn đề khác nữa như tình trạng thiếu giáo cụ và tài liệu giảng dạy, tỉ lệ lưu ban cao ở bậc tiểu học cũng như việc trì hoãn kế hoạch xóa mù chữ ở người lớn, thậm chí đôi khi giáo viên còn bị trả lương trễ vẫn còn tồn tại và đang được giải quyết.
Tuy nhiên, ông Lytou cũng nhấn mạnh rằng những thành tựu giáo dục đạt được trong thời gian trước đây cần được đánh giá cao. Từ năm 1975, với con số chỉ 10% dân số biết chữ tính trên toàn bộ số dân cả nước nhưng hiện nay con số này đã vươn lên đến 78% người trên 15 tuổi biết chữ. Số lượng trường tiểu học cũng tăng vọt từ 754 trường lên 1.123 trường kể từ khi Chính phủ tiến hành một cuộc vận động và thực hiện cách mạng lớn trong lĩnh vực giáo dục năm 2001. Kết quả mang đến là tỉ lệ học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi đến trường tăng từ 79% lên 91%; tỉ lệ học sinh tiểu học tăng từ 53% lên 68%.
Nhìn chung, các điều kiện tổng quát đã cho thấy chất lượng giáo dục ở vùng nông thôn và thành thị rõ ràng vẫn còn khoảng cách khá xa. Mọi người đều có thể nhận thấy tỉ lệ học sinh đến trường ở thủ đô Vieng Chan đạt đến 90-95%, trong khi ở các tỉnh nông thôn như Xieng Khuang, Luang Namtha, Phongsaly và Saravane chỉ có 40-45%. “Để đạt được và hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ, chúng ta phải có biện pháp khuyến khích trẻ em đến trường và hoàn thành bậc tiểu học từ đây cho đến năm 2015. Muốn làm được điều đó đòi hỏi nhiều công tác khác nhau phải được thực hiện và một sự đầu tư hợp lý và dài hạn từ nhân dân cũng như từng cá nhân” – ông Lytou chia sẻ.
Khuôn khổ phát triển hệ thống giáo dục (còn gọi là ESDF) giai đoạn 2009-2015 đã được thông qua bởi Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Thế giới đã đồng ý hỗ trợ tài chính cho nền giáo dục Lào thông qua Dự án phát triển II (EDPII). Dự án này nhận được 15 triệu đôla vào quỹ bổ sung từ Hiệp hội Phát triển quốc tế. Đây là một phần của trợ cấp và nợ dài hạn của Ngân hàng Thế giới dành cho Lào.
Theo đó, EDPII sẽ tiếp tục những thành công mà nó đã đạt được bằng cách tập trung vào việc gia tăng tỉ lệ học sinh học tiểu học cũng như tỉ lệ tốt nghiệp tiểu học ở 19 quận nghèo nhất ở 6 tỉnh, thành của mục tiêu dự án. Ngoài ra dự án này cũng quan tâm củng cố sự phát triển của các chính sách, chiến lược nhằm quản lý và thanh tra công tác giáo dục tiểu học để báo cáo kịp thời lên Bộ Giáo dục.
Ngọc Trúc
(Theo laovoices.com)
Bình luận (0)