Việt Nam chủ yếu XKLĐ chất lượng thấp, với hơn 90% là lao động nông thôn, trình độ thấp, không nghề, yếu ngoại ngữ. Vì vậy, lao động Việt Nam chủ yếu làm công việc của một lao động “3D”, Ntức làm trong môi trường nặng nhọc, khó khăn (difficult); dơ bẩn (dirty); độc hại, nguy hiểm (dangerous); không ổn định, thu nhập thấp…
Hiện nay có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về nước khoảng 1,5 tỉ USD. Một quan chức xuất khẩu lao độnh (XKLĐ) nói: “Nếu làm tốt hơn, ta có thể tạo nguồn thu ngoại tệ từ XKLĐ cao gấp vài ba lần con số 1,5 tỉ USD/năm”…
Nhưng nhìn vào thực trạng XKLĐ của Việt Nam hiện tại, để duy trì được con số 1,5 tỉ USD/năm đã là quá khó. Giám đốc một công ty XKLĐ cho rằng để có thể tăng nguồn thu ngoại tệ từ XKLĐ, phải làm cho được cùng lúc hai việc: Mở rộng thị trường gắn với việc tăng số lượng lao động đi XKLĐ; chủ yếu XKLĐ có nghề để đạt thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, cả hai việc này XKLĐ Việt Nam làm được chưa bao nhiêu!
Ba năm qua, mỗi năm Việt Nam đưa được 80.000 lao động đi XKLĐ và mục tiêu sẽ tăng lên 100.000 người/năm từ năm 2010 trở đi. Tiếng là XKLĐ sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng thực chất chúng ta cũng chỉ loay hoay với một vài thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và gần đây là một vài quốc gia Trung Đông.
Trong khi đó, Philippines với dân số không cao hơn Việt Nam, nhưng mỗi năm có hơn 1 triệu người đi làm việc ở 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo nguồn thu từ 12 – 14 tỉ USD/năm.
So sánh như vậy để thấy chúng ta còn thiếu một chiến lược tổng thể cho phát triển XKLĐ và thiếu cách làm chuyên nghiệp. Từ nhà quản lý đến chính quyền địa phương các cấp vẫn còn xem XKLĐ là bài toán giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo là chính.
Trong khi đó, các doanh nghiệp XKLĐ “vắt giò lên cổ” chạy theo đơn hàng của đối tác hơn là coi trọng công tác tuyển chọn, liên kết đào tạo, tạo nguồn lao động dự trữ có trình độ, chuyên môn cao. Nếu cứ theo cách này, mục tiêu chủ yếu XKLĐ có nghề kể từ năm 2015 như Bộ LĐ-TB&XH đặt ra khó có thể đạt được.
Theo N.Duy (nld)
Bình luận (0)