Những ngày này, đáng ra các tàu cá tại miền Trung đã xuất bến đánh bắt hải sản, tuy nhiên, do thiếu lao động nên không ít tàu phải nằm lại bờ…
Tàu cá nằm bờ
Những ngày sau tết, chúng tôi đến khảo sát tại một số cảng cá trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Khác với mọi năm, năm nay, lượng tàu thuyền đánh cá từ công suất nhỏ đến lớn nằm chật kín khu neo đậu tại các cảng cá. Nhiều chủ tàu cho biết, vào thời điểm này, đáng ra các tàu thuyền đã nối đuôi nhau xuất bến, vượt sóng ra khơi đánh bắt hải sản ở các ngư trường gần xa. Nhưng năm nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên nhiều tàu chưa xuất bến, trong đó có việc thiếu lao động.
Hàng loạt tàu cá nằm bờ vì thiếu lao động.
Tại cảng cá Hòn Rớ, hàng trăm tàu cá loại lớn của tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh lân cận vẫn nằm bờ. Trong số hàng trăm tàu đang neo đậu tại đây, chỉ có một vài tàu đang chuẩn bị dụng cụ thiết yếu để xuất bến. Anh Trần Quốc Việt, chủ tàu cá KH – 90567 cho biết, tàu của anh chuẩn bị xuất bến vì đã đủ lao động. Mùa biển 2013, các lao động trên tàu cá của anh có thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá nên năm nay họ tiếp tục gắn bó với tàu của anh. Có lẽ anh Việt là một trong số ít chủ tàu may mắn có đủ lao động đi biển trong những ngày đầu năm. Ông Trịnh Xuân Đạm, một chủ tàu cá tại Phước Đồng, than thở: “Chuyện thiếu lao động đầu năm thường xảy ra và các chủ tàu thường tiên lượng được vấn đề này. Tuy nhiên, năm nay, lao động biển bỏ biển quá nhiều, ngoài tầm dự báo của tôi”. Không tìm được lao động, chiếc tàu cá công suất trên 400CV của ông Đạm cũng chưa thể xuất bến, lãng phí từng ngày.
Nhiều lao động biển cho biết, do mùa biển trước thu nhập quá thấp khiến họ không còn bám trụ với các chủ tàu, đó cũng là bất đắc dĩ, điều mà không ngư dân nào muốn. Anh Mai Hữu Chiến, một ngư dân tại phường Vĩnh Trường có hơn 10 năm làm cho nhiều chủ tàu cá, cho biết, mùa biển vừa qua, thu nhập của anh chưa tới 3 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể có những tháng lênh đênh trên biển không dư được đồng nào. Theo anh Chiến, giữa lao động và chủ tàu đã có thỏa thuận mức ăn chia. Bởi thế, khi ra biển, các lao động đều làm việc cật lực, mong đánh được nhiều hải sản vì điều đó đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao. Thế nhưng, do biển mất mùa, sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, nên họ khó bám trụ với nghề.
“Tôi là lao động chính trong gia đình có 4 miệng ăn, nhưng mỗi tháng thu nhập chưa đầy 3 triệu đồng là quá ít. Với số tiền này phải chạy ăn từng bữa, nói gì đến chuyện cho con ăn học đàng hoàng. Không đi biển, vợ chồng tôi vay mượn tiền mua ít dụng cụ làm nghề bẫy tôm hùm giống, dù đó là kế sinh nhai tạm thời nhưng còn sướng hơn lênh đênh trên biển hàng chục ngày mỗi tháng”, anh Chiến bày tỏ.
Thu nhập không ổn định
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tỉnh Nam Trung bộ vốn có thế mạnh về đánh bắt xa bờ, trong đó có nghề khai thác cá ngừ đại dương. Mỗi tàu câu cá ngừ đại dương thường cần ít nhất 10 lao động, tuy nhiên, thời điểm sau tết có rất nhiều tàu cá ở cả 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều gặp khó khăn chung là thiếu lao động trầm trọng. Để có lao động, nhiều chủ tàu đi khắp nơi tìm người, thậm chí có chủ tàu còn đặt cọc trước tiền đi biển cho các lao động từ 1,5 – 3 triệu đồng/người, tùy theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, cũng đã có nhiều chủ tàu đưa tiền cho người lao động rồi, nhưng đến lúc xuất bến, những lao động này mất hút. Bà Trần Thị Hải, một chủ tàu cá tại Hòn Rớ cho hay, tàu của bà đã bỏ tiền đặt cọc cho một số lao động và theo dự kiến sẽ xuất bến vào mùng 6 Tết, tuy nhiên, trước giờ tàu nhổ neo, những lao động đã được ứng tiền đều không có mặt, vậy nên tàu cá của bà không thể xuất bến như dự định.
Hiện tại, cơn sốt khan hiếm lao động biển nói chung và lao động cho nghề câu cá ngừ đại dương đang lan rộng ở nhiều vùng biển. Mỗi chuyến biển, chủ tàu bỏ ra hàng trăm triệu đồng chi phí ban đầu; còn lao động cũng mong đánh được nhiều tôm, cá. Vậy nhưng, trong năm qua lại thêm một năm thất bát của nghề biển nên nhiều ngư dân và chủ tàu đều lâm vào cảnh khó khăn. Theo nhiều ngư dân, cứ hễ thu nhập của các chuyến biển giảm sút là ngay lập tức có nhiều bạn thuyền lại dịch chuyển đi nơi khác, làm những công việc khác.
Mặt khác, tiền công của lao động biển thường phụ thuộc vào từng chuyến biển, nên chủ tàu cũng khó chắc chuyện ổn định thu nhập cho các lao động, do đó sợi dây liên kết giữa họ khó bền vững. Chính vì tính chất bấp bênh này khiến các chủ tàu cá khó giữ chân bạn thuyền. Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, mùa biển năm 2013 có thể nói là năm mất mùa nhất trong vòng 50 năm qua. Theo ông, nếu nhà nước hỗ trợ ngư dân vốn liếng, đóng tàu lớn, làm ăn lớn, nâng cao thu nhập cho lao động nghề biển thì họ mới yên tâm bám biển.
VĂN NGỌC (SGGP)
Bình luận (0)