Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động cao cấp cũng khó tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại các trung tâm giới thiệu việc làm ở TPHCM, hơn 80% hồ sơ của ứng viên có trình độ đại học, sau đại học vẫn "trùm mền" từ đầu năm đến nay 

Ngay sau Tết Kỷ Sửu, chị Đ.T.H, giám đốc nhân sự một nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng tại Bình Dương, quyết định nghỉ việc để tìm cơ hội việc làm mới. Nhưng đến nay, chị vẫn chưa tìm được nơi đầu quân phù hợp với chuyên môn cũng như kinh nghiệm làm việc của mình.

Ứng viên đăng ký tìm việc tại Chương trình Việc làm của Báo Người Lao Động

10 năm kinh nghiệm cũng phải… chờ

Với kinh nghiệm gần 10 năm trong lĩnh vực nhân sự, từng làm việc ở các nước trong khu vực châu Á, được tham gia những chương trình đào tạo trong và ngoài nước, chị H. tự tin nghĩ rằng mình rất dễ tìm kiếm việc làm mới. Thực tế hoàn toàn trái ngược. Chị chưa nhận được lời mời nào của nhà tuyển dụng. Chị cho biết: “Có lẽ mức lương công ty cũ trả khá cao khiến các doanh nghiệp (DN) e ngại khi đọc hồ sơ xin việc của tôi. Ở công ty cũ, ngoài lương, tôi còn được hưởng những phúc lợi khác rất hậu hĩ. Đáng nói là, tôi không thể đầu quân về công ty cạnh tranh vì đã có một cam kết không được làm việc cho công ty cạnh tranh một thời gian sau khi nghỉ việc”. Chính vì lý do đó mà đến nay, chị H. vẫn… thất nghiệp.
Trở về từ Mỹ với bằng tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh của Đại học California, 5 năm kinh nghiệm làm quản lý dự án cho Công ty World Financial Group (Mỹ), anh Phan Nhật Tân đã gởi hồ sơ tìm việc nhiều nơi. Ngoài mạng tuyển dụng vietnamwork, anh còn gởi hồ sơ tìm việc qua các báo. Nhưng gần 2 tháng trôi qua, anh vẫn chưa tìm được việc làm. “Vị trí mà tôi ứng tuyển là trợ lý giám đốc, kinh doanh hay quản lý kinh doanh. Tôi cũng biết thời buổi khó khăn nên đưa ra mức lương chỉ khoảng 800 USD/tháng. Nhưng vẫn chưa có nơi nào nhận”- anh phân trần. 
"Chưa bao giờ khó khăn như hiện nay"

Gần 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, giám sát kinh doanh, anh Trương Hoàn Vũ (quận Bình Tân- TPHCM) quyết định tìm việc làm mới với mong muốn có được môi trường năng động hơn. Thế nhưng, khi ứng tuyển vào vị trí quản lý kinh doanh, anh được rất ít DN mời phỏng vấn. Anh tâm sự: “Chưa bao giờ tìm việc khó khăn như hiện nay. Nếu trước đây với kinh nghiệm của mình, tôi có thể dễ dàng tìm việc thì hiện nay, điều ấy dường như chẳng có tác dụng. Tôi sẽ tiếp tục gởi hồ sơ tìm việc, chấp nhận đi xa nếu công ty đó phù hợp với mình”.
Còn anh Lê Quang Hòa, từng làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu tại TPHCM, khi công ty gặp khó khăn, anh cũng nghỉ việc để tìm việc làm mới. Tìm đến Chương trình Việc làm Báo Người Lao Động để gởi hồ sơ, anh cho biết: “Tôi có thể làm kế toán doanh thu hay công nợ miễn sao phù hợp với chuyên ngành kế toán mà tôi đã học. Tôi biết không dễ tìm được việc làm ngay nhưng vẫn cố gắng. Ngoài mức lương rao tuyển không cao, sắp tới, tôi còn theo học chương trình cao học tài chính để tạo ra giá trị mới cho mình”.

Với thực tế tuyển dụng tại các trung tâm GTVL ở TPHCM cũng như tại Chương trình Việc làm Báo Người Lao Động, hơn 80% hồ sơ của ứng viên có trình độ đại học, sau đại học vẫn “trùm mền” từ đầu năm đến nay.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc bộ phận tuyển dụng Công ty Tư vấn Nguồn lực Việt:

Chọn giải pháp “ngủ đông”
Trong giai đoạn khó khăn, các DN thường chọn giải pháp “ngủ đông” để bảo toàn DN. Thay cho việc tuyển chọn nhân lực cao cấp bên ngoài rất tốn chi phí, các DN chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nội bộ. Chính vì thế, lao động có trình độ cao sẽ càng khó có cơ hội việc làm trong giai đoạn hiện nay.

Bài và ảnh: Huỳnh Nga (nld)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)