Lao động chen chân nhau nộp hồ sơ tại sàn giao dịch việc làm đầu năm 2009. Ảnh: N.HUÊ |
Tại phiên giao dịch việc làm tháng 2-2009 của Hà Nội diễn ra ngày 20-2-2009, một lượng lớn lao động là người đang có việc vẫn đi tìm việc mới. Bà Vũ Thị Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, những phiên giao dịch trước, cung thường không đủ cầu nhưng đến hai phiên giao dịch gần đây, cầu lớn hơn cung.
Chen chân tìm việc
Khung cảnh dễ nhận thấy tại phiên giao dịch việc làm tháng 2-2009 đó là cảnh người lao động chen nhau tìm việc. Bãi gửi xe của trung tâm không còn chỗ trống, người lao động phải chịu giá gửi “cắt cổ” bên ngoài để mong tìm được việc. Đỗ Thị Hồng Nhung, tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia cho biết, đây là lần đầu tiên cô tìm đến trung tâm giao dịch việc làm. Ra trường từ tháng 8-2008 nhưng đến giờ Nhung cũng như một nửa số bạn trong lớp ĐH vẫn chưa tìm được việc làm. Đến phiên giao dịch này, cô đã “thủ” sẵn 5 bộ hồ sơ để “rải”. May mắn, cô đã tìm được một công việc ưng ý nhưng nhà tuyển dụng yêu cầu hồ sơ photo. Đến khi photo được hồ sơ về thì Nhung không thể len được vào phòng phỏng vấn vì quá đông. Lãnh đạo trung tâm giới thiệu việc làm của Hà Nội cũng khẳng định phiên giao dịch này, số người đến vượt xa dự kiến của ban tổ chức. Không được may mắn như Nhung, một số cựu sinh viên Khoa Tin học, Viện ĐH Mở, Hà Nội đã phải “rút” về từ sớm do không tìm được vị trí nào phù hợp với ngành nghề đào tạo. Không chấp nhận “thất bại” như thế, Nguyễn Thị Hải, tốt nghiệp Khoa Thông tin thư viện ĐH Văn hóa Hà Nội đã tìm đến giải pháp làm trái ngành. Trong thời gian đi tìm việc, Hải đã tranh thủ học để lấy chứng chỉ ngành kế toán. Cô đến phiên giao dịch để mong tìm được công việc liên quan đến ngành nghề này. Với cô, tìm được việc, có thu nhập trong thời gian này là may rồi.
Nhu cầu lao động ngành thương mại, dịch vụ tăng
Bà Vũ Thị Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công nên ảnh hưởng đến thị trường tuyển dụng lao động. Cụ thể, tháng 12-2008, chỉ có 60 doanh nghiệp tham gia tìm lao động, trong khi, trung bình ở những phiên giao dịch trước đó, con số này lên tới 120 – 130 doanh nghiệp. Đặc biệt, tháng đầu năm 2009, chỉ còn 36 doanh nghiệp tham gia giao dịch tìm kiếm lao động. Đáng lo ngại là hiện nay, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao như ô tô, tài chính hoặc những ngành có liên quan đến vốn nước ngoài (FDI) cũng đang cắt giảm nhân công. Trong tháng 2 này, bà Thanh hy vọng các công ty đang bước vào chu trình sản xuất mới, tín hiệu trên thị trường lao động sẽ khả quan hơn. Trong phiên giao dịch tháng 2-2009 đã có 106 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động ngành thương mại, dịch vụ của các doanh nghiệp tăng trên 40%; ngành công nghệ thông tin tăng khoảng 10%; lao động sản xuất tăng 10%. Bà Thanh cũng cho biết, kết thúc phiên giao dịch tháng 2-2009 đã có hơn 1.300 người lao động được tuyển trực tiếp trên tổng số 2.654 người được phỏng vấn.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)