Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Lao động “chui” ở xứ hàn: Kì 2: Thế giới ngầm trong đời sống “chui”

Tạp Chí Giáo Dục

Công nhân Việt Nam ra ngoài làm “chui” trong một hãng giày da
Như một xã hội thu nhỏ, thế giới sống “chui” của lao động Việt Nam ở xứ Hàn tồn tại một mặt trái đầy cạm bẫy – một thế giới ngầm đúng nghĩa. Từ chuyện những cá nhân trộm vặt cho đến các băng nhóm giang hồ sẵn sàng đâm chém đồng hương (người Việt) để cướp của…
Đối với người Hàn Quốc, việc giữ gìn uy tín cũng như thể hiện tính tự giác nơi công cộng được đánh giá rất cao. Chính vì thế mà hệ thống an ninh phục vụ cho các dịch vụ công cộng như camera quan sát trong các box điện thoại, trên các chuyến tàu xe hay trong các siêu thị… được họ bố trí tương đối đơn giản, gọn nhẹ. Đây chính là những mảnh đất màu mỡ để một số lao động xấu tính người nước ngoài, trong đó có “người Việt xấu xí”, khai thác triệt để. Ban đầu chỉ là những chuyện vặt vãnh như đi tàu mà không phải trốn vé, gọi điện thoại thẻ không phải trả tiền (thẻ được nối vào một sợi chỉ, khi đã thông máy người dùng sẽ kéo chiếc thẻ ra – PV). Về sau, thấy ngon ăn một số đối tượng chuyển sang hành nghề trộm cắp tại các cửa hàng, các siêu thị.
Từ chuyện trộm vặt
Trong số những tay trộm vặt trong cộng đồng người Việt sống “chui” ở khu vực Incheo, có lẽ K. “hai ngón” là người nổi tiếng nhất. Quê ở một tỉnh miền Trung, K. nhập cảnh vào Hàn Quốc khoảng năm 2000, khi mà phong trào đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) lan rộng khắp cả nước. Sau khi hết hạn hợp đồng, thay vì về nước K. “hai ngón” quyết định ở lại hành nghề… ăn cắp. Từ nước hoa cao cấp, đồng hồ hiệu cho đến điện thoại đắt tiền… chỉ cần “a lô” cho K. một tiếng là vài ngày sau sẽ có hàng ưng ý, giá rẻ hơn thị trường một nửa. Anh V., một người sống cùng thời cho biết: “Mang tiếng là lao động “chui” nhưng K. sống “vương giả” còn hơn người dân bản địa. Trong khi đa số đồng hương phải đi lại bằng xe buýt, xe điện ngầm thì K. lúc nào cũng xe hơi bóng lộn, thậm chí anh ta còn thuê hẳn một người Hàn Quốc làm tài xế riêng cho mình… Việc ăn uống của K. “hai ngón” cũng phải diễn ra ở các nhà hàng lớn, có người phục vụ tận nơi… Nhiều người Hàn Quốc mơ có một cuộc sống như K. cũng không được”. Tuy nhiên, “lưới trời lồng lộng”, chỉ vương giả bằng nghề trộm cắp được vài năm, mánh lới chôm chỉa của K. cũng bị cảnh sát phát hiện. Trong một lần giả làm khách mua hàng tại siêu thị ở thủ đô Seoul, K. và 3 đồng bọn đã bị cảnh sát phát hiện và bắt tại trận khi cả nhóm vừa “thó” xong 3 chai rượu ngoại và 5 chai dầu thơm cao cấp. Sau vài năm thụ án về tội trộm cắp, đầu năm 2012, K. và đồng bọn được phóng thích và đã bị trục xuất về nước.
Có “thu nhập” thấp hơn, song nghề “đá xế” – tức là trộm xe máy, xe đạp cũng được nhiều đối tượng lười nhác lao động lựa chọn như là một kiểu “làm việc nhẹ, hưởng lương cao”. Thu nhập từ “nghề” này không cao so với việc trộm cắp trong siêu thị nhưng bù lại nó dễ thực hiện và ít nguy hiểm hơn. Nguyên do người Hàn Quốc ít quan tâm bảo vệ loại phương tiện này bởi giá trị của những chiếc xe gắn máy không cao. Phần vì nó dễ tiêu thụ do công nhân nước ngoài, trong đó có người Việt Nam rất cần nó để tiện cho việc đi lại. H.V, một người bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam cách đây ít lâu chia sẻ: “Không giống như người Việt, người Hàn lơ là chuyện này lắm. Xe gắn máy tính ra tiền Việt chỉ khoảng 2-3 triệu đồng, một số tiền quá nhỏ so với mức sống của người Hàn Quốc. Xe gắn máy chủ yếu được họ dùng để chở hàng. Sau khi xong việc, họ ít khi đem vào kho cất giữ mà bỏ ngay ở cổng để hôm sau đi tiếp. Chỉ cần biết một chút kiến thức về kỹ thuật bẻ khóa, khởi động máy là có thể leo lên phóng vèo…”. Cũng theo tiết lộ của H.V, trong khoảng thời gian gần 3 năm sống “chui” ở Hàn Quốc, H.V cùng một vài người bạn thực hiện gần 100 vụ, “kiếm chác” thêm hơn trăm triệu đồng. Sở dĩ nhóm này “làm ăn” dễ dàng là do trong nhóm có một người trước đây làm nghề sửa khóa, trong khi đó bản thân V. là một thợ sửa xe có tay nghề trước khi đi XKLĐ. 
Đến cướp bóc đồng hương
Không chỉ làm “người Việt xấu xí” trong mắt người dân bản xứ, nhiều công nhân người Việt còn thành lập băng nhóm để hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Từ bảo kê, tổ chức đánh bạc, cho vay nặng lãi… tất cả đều có trong cái xã hội sống “chui” nơi đất khách. Và tất nhiên, đối tượng mà các băng nhóm này nhắm tới không ai khác mà chính là những người đồng hương nghèo khó của mình. Theo lời một số người từng chứng kiến các vụ cướp bóc và thanh trừng nhau thì thủ đoạn của các băng nhóm này thực hiện tàn độc không thua kém bất kỳ băng nhóm đầu gấu bản địa nào. Thông thường, những băng nhóm này hình thành trên cơ sở đồng hương, đồng sở thích và tổ chức hoạt động khá chặt chẽ, có kẻ cầm đầu, có quân sư, thám báo và trang bị hung khí, vũ khí. Một băng nhóm là nỗi khiếp sợ cho công nhân phải kể đến là băng N.A ở thành phố Incheon. Có khoảng gần chục thành viên, băng này do H. “nghệ” làm đầu lĩnh. Ngoài việc bảo kê cho các thanh niên (khi có ai bị bắt nạt chỉ cần gọi cho H. thì sẽ được an toàn – PV), lĩnh vực “yêu thích” của H. “nghệ” là cho vay nặng lãi. Với lãi suất 15% tháng, những ai có nhu cầu cần tiền để đánh bạc hay gửi về gia đình, cứ tìm đến H. sẽ được đáp ứng. Từ vài trăm ngàn cho đến hàng triệu won (tiền của Hàn Quốc), H. đáp ứng tất tần tật. Không thế chấp, không giấy tờ song không một ai ở Incheon dám trễ hẹn đóng lãi suất hay tìm cách xù nợ của H. Bởi dưới trướng của tay “đại ca” này toàn là những sát thủ nổi tiếng về sự liều lĩnh, hung hãn và sẵn sàng ra tay tàn nhẫn. Thực tế, có nhiều công nhân vay nợ đã bị nhóm này cảnh cáo bằng vài vết thẹo để đời.
Cùng thời điểm đó, tại thành phố miền Nam Pusan cũng nổi lên một băng nhóm khác. Băng nhóm này do một người tên Thanh (quê Quảng Bình) cầm đầu, chuyên hành nghề cướp sòng bạc. Cần nói thêm rằng, tình trạng đánh bạc trong giới lao động “chui” khá phổ biến. Có rất nhiều trường hợp lao động “chui” làm việc 2-3 năm mà không có lấy một xu ten để gửi về cho gia đình cũng bởi tệ nạn này. Thậm chí không ít người nợ nhiều đến mức phải cầu cứu gia đình từ trong nước gửi ngược tiền ra để trả nợ cho xã hội đen. Anh Bình, một nạn nhân của băng nhóm này cho biết: “Mỗi khi đột nhập sới bạc, điều đầu tiên chúng làm là cứa một miếng da của người canh cửa, sau đó bắt mọi người úp mặt xuống đất. Người nào ngước đầu lên sẽ bị chém. Chính vì thế, có khi chúng đã gom tiền đi từ lâu mà chẳng ai dám ngồi dậy cả…”.
Tuy nhiên, nhiều nhất trong số những băng nhóm bất lương hoạt động trong xã hội sống “chui” có lẽ là tình trạng hù dọa và trấn lột công nhân lương thiện. Chúng tồn tại khá nhiều và khắp mọi nơi. Nhóm ít thì vài tên, nhóm nhiều có khi lên đến cả chục với đầy đủ hàng nóng – lạnh các kiểu. Phương cách ra tay của các băng nhóm này là canh lúc nửa đêm, vờ gõ cửa phòng nhờ giúp đỡ. Ở đất khách quê người, nghe tiếng đồng hương gọi, các lao động “chui” người Việt mừng rỡ mở cửa ra đón ngay. Chỉ chờ có thế, chúng ùa vào khống chế nạn nhân đòi tiền. Nếu nạn nhân không có tiền, chúng sẵn sàng cứa vài nhát dao để lần sau nhớ… dành tiền phòng thân chờ chúng đến! Ai bị chúng “chiếu cố” vài lần mà vẫn không có tiền sẵn trong phòng thì coi chừng bị ăn vài nhát dao. Một số nữ công nhân còn bị chúng hãm hiếp để “trừ nợ”. Nhiều nạn nhân vì quá lo sợ nên đã tự nguyện ra đầu thú cảnh sát để về Việt Nam hòng bảo toàn tính mạng.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh
Là lao động “chui” nên hầu hết những nạn nhân sau khi bị cướp bóc, trấn lột đều lặng im gánh chịu. Bởi nếu báo cảnh sát thì coi như mọi chuyện sẽ kết thúc, sẽ bị bắt và bị trục xuất về nước ngay lập tức. Chính điều đó đã khiến cho mồ hôi và máu của những lao động “chui” trên đất Hàn vẫn đổ để nuôi chính những người đồng hương mất nhân tâm của mình. Và đó chính là cái giá mà lao động “chui” phải trả cho hành động bất hợp pháp của mình.
 

Bình luận (0)