Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động có nghề vẫn khó tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề, kinh nghiệm nhưng vẫn không tìm được việc làm vào những ngày đầu năm

Đông đảo ứng viên tìm việc làm tại Chương trình Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động

Ngày làm việc đầu tiên sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, ứng viên Lê Thị Kiều Phúc ở Thủ Đức- TPHCM là người “xông đất” Chương trình Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động. Khi nộp hồ sơ đăng ký tìm việc, cô hồ hởi: “Nhất định tôi sẽ tìm được chỗ làm mới tốt hơn công việc hiện tại”.
Không thấy nhà tuyển dụng gọi

Với 6 năm kinh nghiệm làm công tác nhân sự cho một công ty tại TPHCM, sau Tết, Phúc quyết định tìm việc làm mới với mong muốn có được  môi trường năng động, sáng tạo hơn. Thế nhưng, một tuần trôi qua, cô không nhận được lời mời nào từ phía các nhà tuyển dụng. “Tôi cứ nghĩ như mọi năm, qua Tết sẽ có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng. Thật không ngờ, năm nay, đến đâu cũng thấy người tìm việc trong khi nhu cầu tuyển dụng lại ít”.

Rất ít cơ hội được tuyển dụng là thực tế chung của nhiều ứng viên đi tìm việc những ngày đầu năm nay. Trước Tết, Hồ Kim Ngọc quyết định nghỉ làm kế toán tại Công ty CP Sài Gòn Đẹp để tìm công việc mới. Ngay sau Tết, Ngọc đã gởi hồ sơ khắp nơi. Ngoài Chương trình Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động và một tờ báo khác, Ngọc còn gởi hồ sơ đến các trung tâm GTVL. Mấy ngày qua, Ngọc không nhận được lời phúc đáp nào từ những nơi đã gởi hồ sơ. Ngọc trở lại Báo Người Lao Động tiếp tục đăng thông tin tự giới thiệu. “Tôi không thấy nhà tuyển dụng nào mời phỏng vấn. Điều này rất lạ vì thời điểm này những năm trước tôi được rất nhiều doanh nghiệp mời”.

Chấp nhận làm trái chuyên môn

Năm nay, do suy thoái kinh tế, doanh nghiệp khó khăn khiến thị trường lao động đầu năm khá yên ắng. Nhiều lao động muốn thay đổi công việc trong thời điểm này đều rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” vì không tìm được việc làm ưng ý. Đặc biệt, cả lao động có trình độ, tay nghề cũng không tìm được việc làm. Điều đó khiến cho không ít người lao động phải thay đổi suy nghĩ của mình trong quá trình tìm việc: Chấp nhận đi làm xa, làm việc ngoài giờ, lương thấp, làm trái chuyên môn…

Gần 5 năm làm giám sát sản xuất và điều hành sản xuất cho các công ty thực phẩm, trước Tết, anh Phạm Ngọc Thạch ở Tân Phú – TPHCM quyết định thôi việc tại một công ty bánh kẹo nổi tiếng để tìm việc làm mới. Trong hồ sơ xin việc đầu năm, ngoài kiến thức chuyên môn, Thạch còn ghi: Chấp nhận đi làm ngoài giờ, làm công việc trái với chuyên ngành thực phẩm. “Tôi có thể làm ở bộ phận bảo trì hay phòng kinh doanh. Tôi sẽ học hỏi từ đầu nếu nhà tuyển dụng chấp nhận và tạo cơ hội cho tôi thử nghiệm trong môi trường mới”. Còn  anh Trần Văn Dũng ở quận 12 – TPHCM với kinh nghiệm 5 năm làm kỹ sư giám sát cho các công trình xây dựng trong và ngoài nước, khi nộp hồ sơ tìm việc đầu năm cũng đã ghi: Lương thỏa thuận, chấp nhận làm việc bán thời gian hay ngoài giờ. Lý giải cho sự lựa chọn của mình, anh nói: “Tôi nghĩ mức lương không quan trọng. Điều cốt yếu là tìm được việc làm ổn định, bảo đảm cuộc sống trong giai đoạn hiện nay”.

Gần 600 ứng viên tìm việc
Từ ngày 2 đến 9-2, Chương trình Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động đã tiếp nhận gần 600 lượt ứng viên. So với các năm trước, năm nay ứng viên có kinh nghiệm chiếm đa số. Lượng ứng viên sáng giá cũng gia tăng, tập trung vào các vị trí: Giám đốc điều hành, kinh doanh, nhân sự, pháp chế; XNK, marketing, kế hoạch; kế toán trưởng, quản lý sản xuất, giám sát thi công, kỹ thuật, biên – phiên dịch… Mức lương đề nghị từ 4,5 triệu đồng – 16 triệu đồng/tháng.

Về phía các doanh nghiệp, 67 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Các vị trí được tuyển nhiều vẫn là kế toán, kinh doanh, bán hàng… Lao động phổ thông tập trung vào các việc sản xuất bao bì nhựa, phụ bếp, vệ sinh công nghiệp… Qua sơ kết, ứng viên sáng giá sẽ gặp khó khăn khi tìm việc vì số lượng doanh nghiệp tuyển dụng ít nhưng số người tìm việc lại tăng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho rằng trong tình hình khó khăn như hiện nay, một trong những chi phí ưu tiên cắt giảm là chi phí cho nhân lực. 

Các doanh nghiệp, người lao động có nhu cầu gởi thông tin tuyển dụng và tìm việc, vui  lòng liên hệ tại Chương trình Hỗ trợ việc làm Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, quận 3- TPHCM. ĐT: 08.39301698. Fax: 08.39304707, Email: vieclam@nld.com.vn

P. Danh

Bài và ảnh: Huỳnh Nga (nld)

 

Bình luận (0)