Một số doanh nghiệp áp đặt hợp đồng, tự tiện lập ra các khoản thu, gây thiệt hại cho người lao động
Pháp luật hiện hành nghiêm cấm doanh nghiệp (DN) XKLĐ tùy tiện đặt ra các chi phí, thu cao, thu sai quy định gây thiệt hại cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, không phải DN nào cũng thực hiện đúng quy định; ngược lại mỗi nơi áp dụng mức thu khác nhau, đẩy bất lợi về phía NLĐ.
Lao động VN tại một nhà máy điện tử ở |
Thua thiệt đủ đường
Thời gian qua, nhiều bạn đọc đã phản ánh quyền lợi của mình bị cắt xén khi về nước thanh lý hợp đồng với DN. Nổi cộm nhất là những tranh chấp, bất đồng liên quan đến việc xử lý tiền ký quỹ, bồi thường do vi phạm hợp đồng.
Tiền ký quỹ (tiền đặt cọc) là khoản phí mà DN được phép thu trên cơ sở thỏa thuận với NLĐ. Theo quy định, trường hợp NLĐ hoàn thành hợp đồng về nước thanh lý hợp đồng, DN phải hoàn trả đầy đủ tiền ký quỹ, kể cả lãi suất kể từ ngày khoản tiền này nộp vào ngân hàng. Nhưng một số DN đã tìm cách chiếm dụng tiền ký quỹ của NLĐ. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, quê ở Củ Chi – TPHCM, được một DN XKLĐ đóng tại quận Tân Bình đưa sang Nhật Bản. Hợp đồng ghi rõ, khoản tiền ký quỹ (100 triệu đồng, có thể đóng toàn bộ hoặc một phần tiền mặt cùng với giấy tờ nhà đất) sẽ được hoàn trả nhưng không bao gồm lãi suất ngân hàng.
Chị Trần Thị Yến, quê Phú Thọ, được một DN XKLĐ ở Hà Nội đưa sang Đài Loan làm khán hộ công. Để được đi, chị nộp trước 3.000 USD cùng với khoản vay tương ứng, trừ dần vào lương hằng tháng. Thế nhưng khi hoàn thành hợp đồng về nước, DN buộc chị phải nộp thêm 20 triệu đồng thuế thu nhập. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, có DN chuyển tiền ký quỹ của NLĐ vào tài khoản của đơn vị mà không ký gửi ngân hàng theo quy định.
Tùy tiện quy định mức bồi thường
Việc ký quỹ là hình thức ràng buộc NLĐ tuân thủ hợp đồng, hạn chế hành vi bỏ trốn, gây ảnh hưởng đến uy tín DN, phương hại đến hình ảnh của lao động VN ở nước ngoài. Nhưng một số DN đã lợi dụng, tự áp đặt khoản bồi thường và không cần chứng minh thiệt hại do hành vi bỏ trốn của NLĐ gây ra. Chị Phan Huỳnh Nhã Phương ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3-TPHCM vi phạm hợp đồng khi bỏ trốn. Về nước, chị đến công ty thanh lý hợp đồng, lúc thì công ty đòi bồi thường 10.000 USD; sau đó giảm còn 40 triệu đồng; cò kè thêm bớt, cuối cùng chốt lại con số 20.328.500 đồng.
Rất nhiều bạn đọc đã đến nhờ báo can thiệp, xin giảm mức phạt tương tự như trường hợp kể trên. Từ việc không cần chứng minh, có DN còn đưa vào hợp đồng quy định hết sức ngặt nghèo: Nếu cùng nhóm đi mà có người bỏ trốn, DN có quyền sử dụng tiền ký quỹ của những người khác để bồi thường cho đối tác, khi phát mãi được tài sản của người bỏ trốn mới hoàn trả. Hiteco là một trong những DN quy định như thế và từng xảy ra tranh chấp kéo dài của hàng chục lao động đi tu nghiệp ở Nhật Bản.
Và, tiêu cực phí…
Hiện nay, ngoài việc bị thu phí môi giới quá cao, NLĐ còn gánh nhiều loại “phụ phí” khác. Điển hình như phí tuyển dụng là loại phí gây rất nhiều phiền toái cho chính các DN XKLĐ và NLĐ. Hiện nay, theo mô hình liên thông XKLĐ, muốn tuyển lao động ở địa phương nào, DN phải xin nhiều loại giấy phép. Để có một lao động, DN phải “chung chi” từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng cho cán bộ lao động địa phương. Chưa kể, DN phải tốn thêm phí chiêu đãi, đón tiếp, tổ chức tham quan nước ngoài cho cán bộ địa phương. Và, người gánh chịu chính là NLĐ, vì DN sẽ tìm cách kê thêm vào các chi phí khác để bù chi.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây đã chỉ đích danh 3 DN đặt ra các khoản thu trái quy định: Quỹ Hỗ trợ thuyền viên của Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế; phí giải quyết những phát sinh và chi phí văn phòng chi nhánh tại nước ngoài của Công ty XNK và Hợp tác đầu tư GTVT; phí đưa đón NLĐ và phí công tác hồ sơ xuất cảnh của Công ty CP Cung ứng lao động và Thương mại Hải Phòng.
Nhiều doanh nghiệp bị xử lý Theo Bộ LĐ-TB-XH, từ năm 2003 đến giữa năm 2008, bộ đã thanh tra, kiểm tra 303 lượt DN. Qua đó, đã xử lý và kiến nghị xử lý 32 lượt DN vi phạm; thu hồi giấy phép 11 DN; tạm đình chỉ hoạt động 6 DN; đình chỉ cung ứng lao động từ 1 đến 6 tháng đối với 91 lượt DN… Nội dung vi phạm chủ yếu do DN để lao động bỏ trốn nhiều, chế độ báo cáo không đầy đủ, tuyển dụng khi chưa cho phép, thu chi tài chính sai quy định.
|
Bình luận (0)