Các trường ĐH, CĐ của Việt Nam đã bắt đầu vào cuộc để hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Trong ảnh: Giờ học với trang thiết bị hiện đại của Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Q.Huy |
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã thỏa thuận 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển bắt đầu từ năm 2016, bao gồm: Nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Các trường ĐH của Việt Nam đã bắt đầu vào cuộc để hội nhập.
Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế
Đối với ngành kế toán, PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết từ khi thành lập khoa, trường đã xác định phải theo chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, có một số mô đun chính, SV học hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhất là SV năm cuối. Không những thế, với SV của trường, muốn tốt nghiệp, trình độ ngoại ngữ phải đạt bậc B1 theo khung tham chiếu châu Âu.
Các ngành kỹ thuật, xây dựng cũng đang được các trường đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế. Trong đó, nhiều chương trình đã được các trường nhập khẩu từ nước ngoài. SV học đến năm cuối sẽ học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đối với du lịch, đây là lĩnh vực được cho là chịu tác động đầu tiên của quá trình hội nhập. Hiện nay, nhân lực đang bị đánh giá là một trong những khâu yếu nhất của ngành du lịch Việt Nam. Không chỉ thiếu hụt nhân sự cao cấp (quản lý khách sạn, nhà hàng cao cấp, lữ hành, điều hành tour…), mà ngay lực lượng lao động trực tiếp như bán hàng, phục vụ bàn ở quán ăn, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên buồng phòng… vẫn chưa đạt chuẩn, từ cung cách, thái độ phục vụ, đến nghiệp vụ du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm Việt Nam cần thêm 40.000 lao động, trong khi số lượng SV tốt nghiệp trong ngành công nghiệp du lịch chỉ là 15.000 SV/năm. Ngành du lịch đang có khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và 1 triệu việc làm gián tiếp trong năm 2014, và con số này được dự kiến đạt 650.000 việc làm trực tiếp và 2 triệu việc làm gián tiếp trong năm 2015.
Lực lượng lao động làm quản lý cũng dự kiến tăng 25%. Lực lượng lao động du lịch qua đào tạo và đạt chuẩn nghề thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Để lấp khoảng trống về nguồn thiếu hụt nhân lực này, Tổng cục Du lịch đã giải quyết vấn đề cấp bách này bằng việc ban hành “Tiêu chuẩn kỹ năng của nghề du lịch Việt Nam – VTOS” với sự hỗ trợ của dự án EU được thực hiện tại các cơ sở đào tạo du lịch. Với các trường đào tạo ngành du lịch, việc hội nhập còn chậm hơn so với yêu cầu của xã hội.
Riêng với ngành y, đây vốn là một ngành đặc thù, tuy nhiên, các trường cũng đã bắt đầu tiếp cận các chương trình đào tạo quốc tế. Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết để hội nhập, trường vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình đảm bảo tiêu chí theo yêu cầu. Trường cũng có nhiều giải pháp để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho SV như đào tạo chương trình điều dưỡng bằng tiếng Anh, đào tạo tiếng Anh cho chương trình nhập khẩu của Mỹ. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào học ngoại ngữ trong trường như khuyến khích SV làm khóa luận bằng tiếng Anh.
Lo ngoại ngữ và chương trình đào tạo
Giờ học trực tiếp trên máy của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: A.K |
Theo yêu cầu của thỏa thuận, lao động phải qua đào tạo và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn. Trên thực tế, trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn quá thấp và rất ít người lao động học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tú, khó khăn nhất của ngành y trong vấn đề hội nhập sắp tới đó là ngoại ngữ và chất lượng đào tạo không đồng đều. “Chương trình đào tạo của trường chưa được đánh giá ngoài, chưa được kiểm định nên khó có thể biết mình đứng ở đâu so với thế giới”, ông Tú lý giải.
Để gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, ngoài yêu cầu về kỹ thuật, lao động phải có trình độ tiếng Anh nhất định. Trong lộ trình của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GD-ĐT, các trường triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ cho khoảng 10% số lượng SV CĐ, ĐH vào năm 2012-2013; 60% vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm 2019-2020. Đến năm 2015, có một số ngành hoặc một số môn học thuộc ngành ưu tiên sư phạm, khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, du lịch, quản trị kinh doanh không chuyên ngữ được giảng dạy bằng tiếng Anh trong các trường ĐH, CĐ. Như vậy, cho đến năm học này, số SV ĐH, CĐ được đào tạo tăng cường ngoại ngữ theo lộ trình đề án của bộ cũng chưa đủ 100%. Không những thế, cho đến nay, hầu hết các trường ĐH đều “căng mình” để tìm giải pháp nâng chuẩn ngoại ngữ đầu ra đối với SV. Chuẩn được các trường áp dụng đa số là tiếng Anh. Theo PGS.TS Lê Hữu Lập thì tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Do đó, các trường đều tập trung đào tạo ngoại ngữ này. Còn tiếng Thái, tiếng Lào, Campuchia… thì tính sau. “Để đào tạo cả tiếng các nước trong ASEAN, SV sẽ phải ngồi giảng đường ĐH 10 năm. Điều này là không hợp lý”, PGS. Lê Hữu Lập nhận xét.
Về phía Bộ GD-ĐT, cơ quan quản lý này cũng đang có giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực từ các trường ĐH. Việc siết chỉ tiêu tuyển sinh, các trường không vượt quá 15.000 SV cho thấy bộ cũng đã bắt đầu “nắn gân” các trường.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)