Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động mắc bệnh nghề nghiệp: Thiệt đơn, thiệt kép

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bệnh nguy hiểm mà lao động mắc phải trong quá trình làm việc vẫn chưa có trong danh mục bệnh nghề nghiệp của Bộ Y tế.

Thợ mỏ Nguyễn Văn Nhượng, 50 tuổi, công tác tại Mỏ than Mông Dương (Quảng Ninh) đã gần 30 năm. Hơn mười năm nay, anh mắc bệnh lãng tai , một chứng bệnh khá phổ biến ở thợ mỏ, bệnh đã được xác định là một trong những bệnh nghề nghiệp.
Sau một ca đứng làm việc, vòng bắp chân của công nhân chế biến thủy sản có thể tăng từ 0,5cm đến 1,5cm.
Theo đúng quy định thì anh Nhượng có thể làm hồ sơ để bảo hiểm xã hội thực hiện chế độ trợ cấp. Tuy nhiên, sau “năm lần bảy lượt” làm giấy tờ vẫn chưa đúng yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội, anh đành tự bỏ tiền túi đi chữa bệnh, mua máy trợ thính.
Nhiều bệnh nguy hiểm không nằm trong danh mục
Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện làm việc cũng như yếu tố có hại phát sinh trong quá trình lao động sản xuất, gây tác động xấu đến sức khỏe của người lao động. Ví dụ như công nhân nghề may thường sinh bệnh bụi phổi silic, công nhân thợ mỏ dễ bị bệnh điếc….
Bà Ngô Kiều Ngân, Phó giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết, quá nửa số diễn viên trong cơ quan này mắc các bệnh về xương, khớp, dạ dày. Tuy nhiên, 100% các diễn viên múa hiện nay đều điều trị theo chế độ chi trả của bảo hiểm y tế hoặc tự túc, không trường hợp nào nhận được trợ cấp bệnh nghề nghiệp (do Bảo hiểm xã hội chi trả).
Bà Ngân kể, có những diễn viên múa mới 25 tuổi đã bị vỡ bao khớp gối, dịch khớp chảy ra liên tục, rất đau đớn. Họ phải đi khắp các bệnh viện, tốn rất nhiều tiền điều trị mà không được một đồng trợ cấp nào.
Còn rất nhiều ngành mà lao động luôn bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp với các loại bệnh khá nguy hiểm song không có trong danh mục quy định của Bộ y tế.
Ví dụ, trong ngành y tế, những bác sĩ, y tá chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh AIDS bị phơi nhiễm, bệnh nhân bị bệnh lao, bệnh viêm gan …Với những loại bệnh này, khả năng lây bệnh khá cao khi phải tiếp xúc với bệnh nhân.
Ông Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An tòan vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, cơ quan ông đã khảo sát hàng trăm công nhân làm trong dây chuyền của các nhà máy chế biến thủy sản ở Kiên Giang, vòng bắp chân của họ tăng từ 0,5cm đến 1,5cm sau một ca đứng làm việc. Như vậy là có nguy cơ thấy rõ của bệnh giãn tĩnh mạch.
Ngoài ra, trong các ngành biểu diễn nghệ thuật, tưởng như rất nhẹ nhàng nhưng lại ẩn chứa nhiều bệnh nguy hiểm: bệnh loãng xương với diễn viên múa, bệnh gai đốt sống cổ, đốt sống lưng, đau dạ dày, bệnh về khớp xương với diễn viên xiếc…Tất cả những bệnh trên đều chưa có trong danh mục bệnh nghề nghiệp.
10 năm bổ sung được 4 bệnh
Năm 2007, Bộ Y tế ký ban hành danh mục bệnh nghề nghiệp gồm 25 bệnh. Trước đó, danh mục năm 1997 gồm 21 bệnh. Như vậy trong vòng 10 năm danh mục bệnh nghề nghiệp mới tăng thêm bốn bệnh.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, để xây dựng danh mục bệnh nghề nghiệp nhằm bảo đảm chế độ cho người lao động thì phải dựa trên kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học của các chuyên gia y tế. Trong đó việc khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp sẽ dựa theo kết quả khi giám sát môi trường lao động, yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp và kết quả khám sức khỏe định kỳ của cơ sở lao động.
Toàn bộ hồ sơ sẽ được đánh giá nghiệm thu thông qua một hội đồng các nhà khoa học có liên quan như Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…Vụ Pháp chế sẽ là cơ quan cuối cùng thuộc Bộ Y tế xem xét danh mục bệnh nghề nghiệp trước khi trình Chính phủ quyết định.
Theo ông Quang, quy trình nói trên là khá bài bản và chặt chẽ, bảo đảm sức khỏe của người lao động. Tuy nhiên, từ lâu rồi không thấy có đề xuất về bệnh nghề nghiệp mới bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp hiện nay!
Liên quan đến danh mục bệnh nghề nghiệp, ông Trần Văn Thành, Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cũng cho biết, số công nhân bị bệnh nghề nghiệp phải gấp từ 8-10 lần số thực tế. Tuy nhiên, do công tác giám định còn phức tạp và thiếu cán bộ nên chỉ giám định được khoảng 40% số được phát hiện.
Nhiều danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm nhưng chưa được khám như nhiễm độc asen, mangan… “Dự kiến năm 2010, Bộ Y tế sẽ bổ sung thêm 10 bệnh mới vào danh mục bệnh nghề nghiệp”, ông Thành nói.
Lao động chịu thiệt
Quy trình để người lao động được hưởng chế độ trợ cấp bệnh nghề nghiệp như sau: người sử dụng lao động tổ chức khám bệnh định kỳ (mỗi năm một lần) cho lao động, nếu phát hiện dấu hiệu lao động mắc bệnh nghề nghiệp thì đưa ra hội đồng giám định y khoa để giám định. Sau khi hội đồng giám định kết luận người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động sẽ tạm ứng tiền khám chữa bệnh và làm thủ tục để người lao động nhận chế độ từ Bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, để tránh tốn kém chi phí và mất thời gian làm thủ tục, nhiều doanh nghiệp đã cố tình “làm ngơ” trước quyền được khám bệnh định kỳ và phát hiện bệnh nghề nghiệp của người lao động.
Bà Phạm Thị Thanh Hồng, Phó trưởng Ban nữ công, Tổng Liên đòan lao động Việt Nam cho biết, cơ quan này đã tiến hành điều tra tại 34 doanh nghiệp có sử dụng lao động nữ ngoài Nhà nước trong năm 2008 – 2009. Kết quả cho thấy việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động được thực hiện ở gần 80% các doanh nghiệp. Trong số hơn 20% doanh nghiệp còn lại, nhiều doanh nghiệp mấy năm liền chưa tổ chức khám sức khỏe cho người lao động.
Cuộc khảo sát trên cũng cho thấy lao động phải làm việc trong điều kiện máy móc lạc hậu, nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao. Cụ thể, ngoài  18,1% lao động được hỏi không có ý kiến thì có 55% lao động cho rằng nhà xưởng làm việc nóng, 56% khẳng định rất ồn, độ rung cao, 47% cho rằng khu làm việc có bụi công nghiệp.
Theo ông Nguyễn An Lương, ngoài việc doanh nghiệp “trốn” khám sức khỏe định kỳ cho người lao động thì lao động rất khó để được hưởng trợ  cấp vì thủ tục chi trả của bảo hiểm xã hội quá phức tạp. Nhiều trường hợp người lao động phải chịu thiệt do độ “vênh” giữa danh sách bệnh nghề nghiệp và thực tế các bệnh người lao động gặp phải.
Ngoài ra, việc bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp quá chậm như hiện nay ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
“Với tốc độ cập nhật danh sách bệnh nghề nghiệp quá chậm, doanh nghiệp càng “nhẹ gánh” thì người lao động càng phải lăn lưng tự lo chữa chạy những bệnh không có trong danh sách”, ông Lương bức xúc.
Theo VnEconomy

Bình luận (0)