Ngày 9-10, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Tỉnh Đoàn Đồng Nai tổ chức với sự đồng hành của ĐH Kinh tế Tài chính (UEF) và ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) đã diễn ra tại trường THPT Nam Hà và THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Nai).
ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cung cấp thêm thông tin ngành nghề cho học sinh Trường THPT Nam Hà (Đồng Nai) |
Chương trình đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về việc lựa chọn ngành nghề cho gần 1.000 học sinh lớp 12.
Nghịch lý thừa – thiếu lao động
Chia sẻ thông tin với học sinh hai trường, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nhấn mạnh, Đồng Nai là một trong 8 tỉnh/thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – một vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Đây cũng là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nhân lực và đào tạo các ngành kinh tế kỹ thuật, đặc biệt phát triển công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp điện tử, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu… Do đó, người lao động ở Đồng Nai có nhiều cơ hội để tiến thân vào các lĩnh vực đang được Nhà nước đầu tư phát triển ở khu vực này.
Trước lo lắng của em Đặng Thiên Phúc (học lớp 12A5 Trường THPT Nam Hà) về việc hàng ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp, phải tham gia đội ngũ “xe ôm công nghệ”, ông Tuấn giải thích, thực trạng thị trường lao động hiện nay đang tồn tại nghịch lý là rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển. Lao động chuyên môn kỹ thuật có tay nghề hiện rất thiếu, nhiều doanh nghiệp muốn tuyển mà không có trong khi phần lớn sinh viên tốt nghiệp lại không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, còn yếu và thiếu những kiến thức kỹ năng mềm, khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế công việc còn lớn… “Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc làm trong giai đoạn hiện nay và sắp tới mà là sự phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn, có kỹ năng nghề, có ngoại ngữ, tin học mới là yếu tố đáp ứng được nhu cầu lao động trong giai đoạn sắp tới. Để thích ứng được với thị trường ngày càng đòi hỏi cao, điều cốt lõi là người lao động cần chú ý phát triển các kỹ năng việc làm, am hiểu ngành nghề muốn gắn bó, phải có kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt lao động và kiến thức để tạo ra giá trị hành nghề và thành tựu cao trong sự nghiệp cuộc sống”, ông Tuấn khẳng định.
Em Vũ Như Quỳnh (học lớp 12A4 Trường THPT Nam Hà) đặt câu hỏi cho ban tư vấn |
Đừng du học theo xu hướng
Chia sẻ băn khoăn của em Vũ Như Quỳnh (học lớp 12A4 Trường THPT Nam Hà) về lựa chọn con đường du học hay học tại Việt Nam sau khi tốt nghiệp THPT, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, đi du học hay học ĐH trong nước đều có những ưu điểm và nhược điểm. Nếu đi du học, các em sẽ được biết thêm về ngôn ngữ, văn hóa, con người của quốc gia mình học tập cũng như những kiến thức mới thuận lợi cho công việc sau này. Tuy nhiên, du học đòi hỏi chi phí rất cao, gấp 5-8 lần so với học trong nước nên các em cần cân nhắc kỹ để không trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình. “Du học hiện đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn, nhưng các em cũng đừng chạy theo xu hướng khi chưa xác định được nhu cầu thực sự của bản thân mình. Hơn nữa, xin việc làm ở nước sở tại sau khi tốt nghiệp là rất khó nên chuyện các em phải về nước tìm việc làm là điều bình thường. Vì vậy, các em cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định”, bà Dung chia sẻ.
“Bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc làm trong giai đoạn hiện nay và sắp tới mà là sự phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, đảm bảo kiến thức chuyên môn, có kỹ năng nghề, có ngoại ngữ, tin học mới là yếu tố đáp ứng được nhu cầu lao động trong giai đoạn sắp tới”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nói. |
Cũng băn khoăn về chuyện du học, em Đỗ Trường Phi (học lớp 12A7 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh) hỏi: “Em muốn du học ngành thiết kế đồ họa. Vậy em nên chọn quốc gia nào?”. ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ, hiện có rất nhiều quốc gia đào tạo ngành học này như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hà Lan… Đây là ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật ứng dụng, là sự kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và khả năng cảm nhận thẩm mỹ thông qua các thủ pháp đồ họa, phần mềm thiết kế, kỹ năng thiết kế để truyền tải thông điệp bằng những hình ảnh đẹp, ấn tượng nên có những đòi hỏi riêng. Ngoài ra, ngành thiết kế đồ họa có những chuyên ngành riêng như thiết kế game, 3D, hoạt hình, làm phim… “Nếu chưa hình dung ra hướng đi, các em nên chọn học ngành này tại một trường ở trong nước, vì hiện nay nhiều trường đào tạo rất tốt chuyên ngành này. Sau khi ra trường, tiếp xúc với nhu cầu thực tế và xác định rõ hướng đi của mình, các em có thể lựa chọn du học tại một quốc gia có thế mạnh về đào tạo chuyên ngành đó”, bà Dung khuyên.
Ngọc Anh
Bình luận (0)