Tại Bình Dương, từ đầu năm đến nay có hơn 100 ngàn lao động dịch chuyển việc làm, tỉ lệ lao động dịch chuyển việc làm vào khoảng 60%/năm. Lương thấp, chế độ chưa thỏa đáng, người lao động (NLĐ) liên tục “nhảy việc” để tìm kiếm lương cao nhưng thực tế tình trạng này đang gây ra không ít khó khăn cho chính NLĐ, doanh nghiệp (DN) và cả các cơ quan quản lý.
NLĐ “nhảy việc” khiến cho các DN luôn trong tình trạng thiếu nhân công.
Tăng thêm vài chục ngàn đồng/tháng cũng “nhảy”
Bình Dương hiện nay có hơn 850 DN với 257.000 lao động. Theo thống kê của BHXH tỉnh Bình Dương, tính từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 ngàn lao động dịch chuyển việc làm. 6 tháng đầu năm 2012 tăng mới 187.946 lao động thì nghỉ việc lên đến 190.538 lao động. Nhiều trường hợp vừa mới đăng ký thất nghiệp, nhận sổ bảo hiểm xã hội hôm trước thì hôm sau đã có việc làm, “nhảy” qua công ty mới.
Chị P.T.Phượng, quê An Giang, lên Bình Dương làm CN 6 năm nay nhưng đã có hơn 10 lần thay đổi chỗ làm. Đang tìm hiểu thông tin tuyển dụng của một Cty may ở KCN Sóng Thần I, chị Phượng cho biết: “Không phải chỉ riêng mình tôi “nhảy việc” đâu mà mấy chị em tôi quen cũng đều có tâm lý như tôi, bởi ai cũng muốn tìm chỗ tốt hơn, lương cao hơn chỗ cũ”. Chị Phượng cho biết, dù tăng thêm vài trăm hay vài chục ngàn đồng mỗi tháng, CN cũng sẽ “nhảy” ngay. Chị Phượng cho biết, ở công ty cũ, chị là CN bậc A, lương chừng 50 ngàn đồng/ngày. Tháng nào tăng ca, thêm phụ cấp thì được gần 2,5 triệu đồng/tháng. Chị cho biết: “Chỗ mới tôi định xin vào lương cũng không khá hơn mấy, nhưng công ty sẽ hỗ trợ mỗi tháng 200 ngàn đồng tiền nhà trọ. Như vậy cũng quá tốt rồi”.
Phụ trách nhân sự của một Cty may, KCN Mỹ Phước cho biết: “Đối với CN có kinh nghiệm may từ 2-3 năm thì Cty trả cho họ mức lương cơ bản từ 2-3 triệu đồng/tháng. DN cũng muốn tăng lương để giữ NLĐ nhưng giai đoạn này đang khó khăn nên không thể tăng lương. Đây cũng là lý do khiến CN thay đổi chỗ làm. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hữu Phong – GĐ BHXH tỉnh Bình Dương – cho biết: “Tại Bình Dương, 90% số DN là ngoài quốc doanh, 65% số DN có vốn FDI, tư tưởng của các ông chủ DN này rất thoáng, anh cần tôi thì ở, không thì đi, sự gắn bó giữa DN và NLĐ không cao. Bên cạnh đó, 85% số DN ở Bình Dương là DN may mặc, da giày, gỗ, đây là những ngành cần nhiều lao động phổ thông, nhưng lương lại không cao nên CN liên tục “nhảy việc” để tìm kiếm cơ hội. NLĐ “nhảy việc” làm DN thiếu lao động. DN phải tuyển dụng, lại mở ra cơ hội việc làm cho NLĐ ở DN khác… Cứ như thế tạo nên một vòng luẩn quẩn mà lợi ích mang lại không đáng bao nhiêu nhưng khó khăn thì chồng chất”.
Nên giải quyết nhanh nhu cầu cuộc sống cho NLĐ
NLĐ “nhảy” từ chỗ này sang chỗ khác để tìm kiếm lương cao, nhưng thực tế không chỉ gây khó cho DN, cơ quan quản lý mà còn cho chính NLĐ. Đại diện một Cty may tại KCN Sóng Thần II than thở, CN “nhảy việc” ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất của DN, DN liên tục tuyển người nhưng tuyển chẳng được bao nhiêu vì họ vào làm vài tháng rồi lại nghỉ. DN vừa mất công đào tạo, sản phẩm mà CN làm ra cũng không tốt do CN luôn phải làm quen với công việc mới. Ông Bùi Hữu Phong cho biết: “NLĐ hiện nay đang bị ngộ nhận rằng, họ nghỉ chỗ này sẽ tìm được chỗ khác lương cao hơn nhưng thực tế do họ luôn thay đổi chỗ làm, thay đổi công việc nên tay nghề không cao, tay nghề thấp thì khó mà có được lương cao ở một nơi mới. Khi bắt đầu ở một DN mới thì CN phải chấp nhận mức lương khởi điểm thấp và các chế độ phụ cấp, tiền lương, tiền thưởng cuối năm cũng không đáng bao nhiêu”.
Ông Bùi Hữu Phong nhấn mạnh, CN “nhảy việc” là một hiện tượng làm “thiệt anh, thiệt ả, thiệt cả các bên” nhưng họ vẫn “nhảy”. Điều này dễ thông cảm vì mức lương của NLĐ hiện nay khá thấp, khó lòng mà đảm bảo được cuộc sống của họ. Cụ thể, nếu tính theo mức lương đóng BHXH thì mức lương bình quân của NLĐ ở Bình Dương thấp hơn TP.Hồ Chí Minh khoảng 400 ngàn đồng, thấp hơn Đồng Nai khoảng 200 ngàn đồng. Và một số chế độ cho NLĐ, các DN ở Bình Dương vẫn chưa có. Ông Phong đề xuất: “Theo tôi, muốn giữ chân NLĐ, các DN ở Bình Dương phải đảm bảo các yếu tố cơ bản sau đây: Áp dụng tiền lương cạnh tranh, thêm các khoản tiền tăng ca, tiền chuyên cần, phụ cấp ăn trưa, đi lại, nhà ở, ăn sáng, tặng quà cho NLĐ vào các ngày lễ. Công đoàn tổ chức sinh nhật hằng tháng, du lịch cho CN. Bên cạnh đó, quan tâm đến nhu cầu, đời sống của NLĐ như mở siêu thị mini, thư viện tại công ty… là những cách giữ chân NLĐ”.
Ông Bùi Hữu Phong – GĐ BHXH tỉnh Bình Dương: “Nhiều DN tăng lương từ 2 đến 4 lần trong năm, dù có khi mỗi lần chỉ tăng vài chục ngàn, nhưng chính điều này lại làm NLĐ cảm kích, an tâm. DN thưởng Tết Nguyên đán 1 đến 1,5 tháng lương (nếu NLĐ làm việc đủ năm) là yếu tố hết sức quan trọng, giúp giảm thiểu tư tưởng nghỉ việc để nhận BH thất nghiệp…”. |
Lê Tuyết (Lao Động)
Bình luận (0)