Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lao động “nhí” ở xưởng than

Tạp Chí Giáo Dục

Em Nhi đang chuyển than từ băng tải

Lao động ở các xưởng than tổ ong ngoài sức khỏe dẻo dai còn phải biết “sống chung” với bụi. Cứ tưởng với những công việc nặng nhọc, độc hại như thế chỉ có người lớn mới gánh vác nổi, vậy mà hiện có rất nhiều lao động “nhí” đang làm việc tại các xưởng than này…
“Sống chung” với bụi than
Tôi cho xe dừngtrước một xưởng than tổ ong trên đường Phạm Hữu Lầu, quận 7 khi trời đang chuyển mưa. Cơn gió mạnh cuốn bụi than bay mù mịt khắp xưởng đến nỗi không nhìn rõ bóng người. Chưa bước vào trong tôi đã bị “dội ra”, ấy thế mà hơn chục lao động không một ai đeo khẩu trang; ngoại trừ đôi ủng để không bị xỉ than đâm vào chân. Cạnh băng tải, Tuấn và Hùng (đều là những gương mặt “nhí”, cùng quê Bình Định) đang khẩn trương thu gom than đã phơi khô cất vào kho. Sao không mang khẩu trang? Tôi hỏi. “Tụi em làm vậy quen rồi, mang khẩu trang vào thấy vướng víu, mồ hôi đổ ra ướt nhẹp khó làm việc lắm”. Làm ở công đoạn của Tuấn và Hùng không đến nỗi nguy hiểm như ở các công đoạn khác. Phương (14 tuổi, quê Thái Bình) là người trực tiếp đứng máy ép than, trong tiếng ầm ầm của máy nổ, vừa đưa xẻng xúc than trộn cho vào máy vừa nói vọng ra: “Chú ra ngoài đi, ở trong này bụi lắm, không quen chịu không nổi đâu”. Không ngại, tôi bước vào trong, nơi đặt chiếc máy ép thì thấy nhếch nhác nào là bùn, than xỉ, than nguyên chất và mạt cưa quyện vào nhau. Anh Giang, chủ xưởng than tổ ong này cho biết: “Thằng Phương tuy có tí tuổi đầu nhưng làm được việc, lanh lợi hơn ai hết nên công đoạn đứng máy ép, máy trộn tôi chỉ dám giao cho nó”. Chị Nguyễn Thị Hoài, vợ anh Giang cũng góp chuyện: “Những đứa khác làm trong đó một chút là “chạy” liền do không chịu nổi tiếng ồn phát ra từ chiếc máy nổ và bụi than mù mịt… Những đứa phụ thằng Phương cũng chỉ làm công việc chuyển than đã ép bị hư vào trong ép lại rồi ra ngoài”.
Những lao động làm việc ở đây hiếm có dịp được “thoát” ra ngoài, ngoại trừ những lúc theo xe chở hàng hoặc đi gom xỉ than. Tuấn cho biết: “Các công ty, xí nghiệp may, dệt đều thải xỉ than sau khi đã sử dụng. Đối với những người sản xuất than tổ ong thì xỉ than vẫn là thứ nguyên liệu còn sử dụng được. Để có được một kg xỉ than bán với giá 40.000 đồng không phải là việc đơn giản. “Phải sàng lọc rất kỹ, loại bỏ sạch những phần than đá đã cháy hết. Nếu làm gian dối chủ xưởng phát hiện không những không thu mua mà còn mất việc”.
Mỗi người một cảnh
Dù chỉ mới 14 tuổi nhưng trông Phương khá đĩnh đạc như một thanh niên thực thụ. Phương khá trầm tính, ít khi tranh luận với ai. Chị Hoài cho hay: “Hoàn cảnh gia đình nó đáng thương lắm. Cha mẹ mất trong một vụ tai nạn giao thông. Hai anh em sống chung với các dì, cậu ở Bình Dương nhưng chịu không thấu những trận đòn roi của họ. Tôi gặp nó ở Bến xe Miền Đông và đưa về nhà làm việc. Biết tin Phương có đứa em gái còn ở nhà bà con, bị đối xử như người ở tôi cũng đã đưa cháu về lo cơm nước cho công nhân”.
Nhi (14 tuổi, quê Lâm Đồng) tâm sự: “Nhà em trồng mì, trồng trà ở quê ngày càng thất bát, nợ nần tiền mua phân bón lên đến chục triệu đồng. Nhờ có người quen giới thiệu vào đây làm nên mỗi ngày em cũng kiếm được hơn 50.000 ngàn đồng để phụ giúp gia đình trả nợ”. Cũng chính vì khoản nợ nần của gia đình mà Tiến – em trai của Nhi đã phải bỏ học để vào TP.HCM làm thuê cùng anh. 
Tuấn, 15 tuổi, bỏ học từ năm lớp 9 vì nhà quá nghèo. “Biết làm nghề này cực nhưng giờ nghỉ thì lấy gì ăn, em còn hai đứa em đang đi học ở quê nữa” – Tuấn tâm sự. Tại xưởng than này, chủ xưởng đã cho dựng lên những cái chòi tạm bợ che mưa che nắng cho công nhân ở. Xung quanh các căn chòi ngập lênh láng một thứ nước đen xì, bốc mùi hôi thối do nước mưa, triều cường đọng lại. Phú phân trần: “Có chỗ ra vào còn hơn không, nhờ vậy mà không tốn tiền thuê nhà. Những ngày nước ngập tụi em thay nhau di chuyển đồ đạc đến chỗ khác”.
Chiều cùng ngày, tôi đến một xưởng tổ ong khác ở quốc lộ 50, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Đi vào trong, nơi các công nhân đang chuyển than ướt đi phơi, một cô bé ước chừng 13-14 tuổi cũng làm việc nhanh nhẹn và hoạt bát không kém người lớn. Con không đi học sao? “Con học đến lớp 3 thì nghỉ vì không có tiền”. Một người phụ nữ đang làm ở đây nói: “Mỗi tháng cái Hà đều đặn gửi về quê (Thái Nguyên-NV) 700.000 ngàn đồng để lo tiền thang thuốc cho cha bị tai biến nằm liệt giường gần năm nay”. Nói xong, người phụ nữ chỉ tay về ao nước phía sau lưng và thao thao nói về hoàn cảnh đáng thương của một cậu bé tên Khương, 15 tuổi, quê Hải Dương. Cậu bé có vóc người nhỏ thó, đen đúa trông như một “ông cụ non”. Mỗi ngày Khương lặn hụp dưới ao nước đen ngòm mang lên những đống bùn tốt nhất để trộn than. “Công việc cực nhọc nhưng có tiền giúp gia đình là con vui rồi. Ông bà chủ ở đây thương và quý con lắm, thấy con siêng năng nên tháng nào bán được nhiều than cũng cho thêm tiền”. Nói đoạn Khương hí hửng khoe: “Sang năm con sẽ xin đi học bổ túc văn hóa để có cái chữ như anh hai của con”.
Bữa cơm chiều được dọn lên chỉ có nồi cơm, một thau canh rau tập tàng và hai dĩa cá khô chiên. Đó là dinh dưỡng cho những lao động đang tuổi ăn, tuổi lớn sau một ngày làm việc nặng.
Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)