Ngày 24-10, tại Đà Nẵng, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Cơ quan bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN);
Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) đã tổ chức Hội thảo khu vực về bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài và ứng xử của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: “Hằng năm có khoảng 70.000-80.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 30%-35%”.
Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN WOMEN tại Việt Nam, hiện thế giới có 50 triệu người lao động di cư, trong đó 50% là nữ giới. Chính những phụ nữ đi lao động ở nước ngoài này đã đưa về cho quốc gia mình một lượng kiều hối rất lớn. Tuy nhiên, phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài lại đối mặt với những thách thức như bị lạm dụng tình dục, bị phân biệt đối xử và bóc lột sức lao động.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS, thông tin: “Ở Việt Nam có 80%-95% lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp. Đến nay chúng tôi đã xây dựng được bộ quy tắc ứng xử được xem là chuẩn mực đạo đức, có lương tâm nghề nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động”.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng lợi ích của di cư lao động đã góp phần giải quyết nạn thất nghiệp; tiếp thu kỹ năng và kiến thức mới; tăng lượng kiều hối; đa dạng hóa nền văn hóa; phát triển hạ tầng… Việt Nam là một trong số 20 nước nhận kiều hối lớn nhất trong năm 2012.
LÊ PHI (PLO)
Bình luận (0)