Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao động nữ giúp việc gia đình ở nước ngoài: dễ gặp rủi ro!

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động nữ (LĐN) giúp việc gia đình ở nước ngoài thường gặp phải  nhiều nguy cơ như bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng, ức hiếp, trả lương thấp… Thế nhưng, phần lớn các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận LĐN VN giúp việc gia đình đều không có quy định riêng dành cho loại hình LĐ này.
Bi kịch của những phụ nữ xa nhà
Nhận được hung tin, vợ mình là Phạm Thị Hường (quê ở Hải Dương) chân ướt chân ráo tới xứ người đã bị nạn, anh Nguyễn Tiến Toàn và các con không khỏi bàng hoàng. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chị đã cố chạy vạy để lo đủ số tiền đưa chị sang làm giúp việc gia đình tại Đài Loan. Nào ngờ, mới sang ít lâu, gia chủ vu oan cho chị lấy cắp đồ. Không chịu nổi sự dè bỉu, lạnh nhạt, chị bỏ trốn ra ngoài tìm việc, định cố ki cóp đủ số tiền vay mượn rồi về nước. Nào ngờ, trong khi đang làm việc tại một xưởng gia công ở Đài Bắc, tóc chị bị cuốn vào máy, khiến chị tử vong.
Chị Nguyễn Thị Thuận (quê ở Thái Bình) sang làm giúp việc gia đình tại Đài Loan được gần sáu tháng thì bị ông chủ hãm hiếp đến có thai. Dù chị làm việc rất chăm chỉ nhưng bà chủ kiên quyết đuổi chị ra khỏi nhà. Trong lúc tìm đường tới trung tâm môi giới việc làm, chị bị tai nạn giao thông, trở thành người sống thực vật. Bỗng chốc bị mất việc, chị không được hưởng bảo hiểm y tế, không có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi.

Lao động nữ chuẩn bị sang Đài Loan làm việc

Mới đây, một số LĐN vừa trở về từ Macau kể, họ được đưa sang làm giúp việc gia đình bằng visa du lịch. Tới nơi, họ phải sống trong gầm cầu thang một khu nhà chung cư cũ. Mỗi ngày, họ được chi tiêu ăn uống trong khoản tiền 10 MOP (tiền Macau), tương đương với 20.000đ VN. Mọi sinh hoạt đều tại chỗ, không được đi ra ngoài. Tại đây, hằng ngày các chủ sử dụng đến xem và “tuyển” người. Nhiều chủ sử dụng đến xem mặt các LĐN VN nhưng khi thì chê già, khi lại chê ngoại hình không đẹp, chê không khỏe mạnh và không biết tiếng nên số LĐN này cứ ế ẩm nằm chui lủi ở gầm cầu thang. Đã hết hạn visa, may mắn chị Đinh Thị Huyền (huyện Thường Tín, Hà Nội) – một LĐ trong nhóm có mang theo đủ tiền mua vé máy bay về nước. Số còn lại không tiền, không biết ra sao.
Tiến sĩ Suzette Mitchell, Trưởng đại diện Quỹ Phát triển phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (UNIFEM) nhận xét, LĐN VN đi giúp việc gia đình thường rất chăm chỉ, tiết kiệm nên số tiền họ gửi về đã cải thiện đáng kể kinh tế hộ gia đình, đóng góp vào nguồn thu quốc gia. Tuy nhiên, đây lại là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do đảm đương những công việc mang tính đặc thù về giới như hộ lý, dịch vụ, giúp việc gia đình… Những LĐN thường bị đàn áp như chủ bắt làm việc quá giờ, chế độ ăn uống, vệ sinh  cá nhân kém, bị quỵt lương, bị hãm hiếp… Với những phụ nữ trẻ, nếu kết hôn hoặc có thai, sinh con thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng LĐ.
Ánh sáng cuối đường hầm
Hiện có khoảng 500.000 LĐN VN đang làm giúp việc gia đình tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng tại hầu hết các thị trường, LĐN giúp việc gia đình vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và chưa có những chính sách pháp luật cũng như các quy định có liên quan đến quyền lợi của loại hình LĐ này được thể chế.
Theo Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), nhiều LĐN giúp việc gia đình chỉ thông qua giới thiệu của người thân, bạn bè hoặc qua môi giới, cò mồi… nên không có đầy đủ thông tin về thị trường, không được đào tạo về ngôn ngữ và nghiệp vụ, thu nhập bấp bênh, các điều kiện làm việc, quyền lợi hợp pháp không được đảm bảo khiến tỷ lệ phá hợp đồng, về nước tăng cao.
Để giảm thiểu nguy cơ rủi ro cho những LĐ này, dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ VN đi làm việc ở nước ngoài sẽ thực hiện trong hai năm do UNIFEM tài trợ cho Bộ LĐ-TB-XH, đã bắt đầu khởi động. Làm sao để quyền và lợi ích của LĐN đi làm việc ở nước ngoài được bảo vệ thông qua nhiều hoạt động của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, của các DN tuyển dụng cũng như chính bản thân NLĐ là mục tiêu mà dự án này hướng tới.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, hiện dự án đã đi vào hoạt động, các cơ quan như Cục Quản lý LĐ ngoài nước, Hội LHPN Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, các sở LĐ-TB-XH…đều cam kết sẽ tạo được sự chuyển biến nhằm hỗ trợ LĐN đi làm việc tại nước ngoài và gia đình của họ tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ về kinh tế và xã hội. Theo tiến độ làm việc hiện nay, dự kiến khoảng năm 2011, các chính sách, luật pháp và các hướng dẫn thực thi sẽ gắn bó, liên quan nhiều hơn tới các quyền của LĐN VN đi làm việc tại nước ngoài.
Bài & ảnh: Mai Tâm / Phụ Nữ

Bình luận (0)